Dự báo năm 2021 xuất khẩu lâm sản sẽ đạt khoảng 15,5 tỷ USD

Cập nhật: 14:23 | 08/07/2021 Theo dõi KTCK trên

Tại Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 của Tổng cục Lâm nghiệp, Phó Tổng cục trưởng Bùi Chính Nghĩa cho biết xuất khẩu lâm sản ước đạt 8,71 tỷ USD, tăng 61,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhập khẩu chè Việt Nam giảm mạnh tại Ba Lan về cả lượng và giá trị

Giá tiêu tháng 6 tiếp đà tăng mạnh

Giá trị xuất khẩu cao su tăng gần 80% trong nửa đầu năm 2021

Các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính của Việt Nam gồm Mỹ; Nhật Bản; Trung Quốc; EU, Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu ước đạt trên 7,68 tỷ USD, chiếm khoảng 89% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trong đó, Mỹ ước đạt trên 5 tỷ USD, tăng trên 99% so với cùng kỳ năm trước; Nhật Bản đạt 0,73 tỷ USD, tăng 11%; Trung Quốc đạt 0,82 tỷ USD, tăng gần 23%; EU đạt 0,68 tỷ USD, tăng 54% và Hàn Quốc đạt 0,76 tỷ USD, tăng 7%.

Dự báo cả năm 2021, xuất khẩu lâm sản sẽ đạt khoảng 15,5 tỷ USD, tăng khoảng 17% so với năm 2020. Xuất siêu ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 67,4%.

Nhập khẩu lâm sản ước đạt trên 1,54 tỷ USD, tăng 39% so cùng kỳ. Dự báo cả năm 2021 đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2020.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, trị giá hàng xuất khẩu vẫn tăng 17% góp phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Tổng cục trưởng cũng nêu rõ còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế của ngành.

2245-xuatkhaulamsan
Ảnh minh họa

Cụ thể như hoạt động ngăn chặn vi phạm tại các điểm nóng về bảo vệ rừng bị hạn chế do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Một bộ phận lớn lao động phổ thông không có việc làm đã trở về địa phương và tìm kiếm nguồn thu từ việc khai thác rừng trái pháp luật.

Mặt khác, do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt, hạn hán kéo dài nhiều ngày đúng vào mùa làm nương rẫy nên đã xảy ra một số vụ cháy rừng, có thiệt hại về rừng. Cùng với đó, ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thời tiết khô hạn, nắng nóng cũng gây ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng của một số địa phương...

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh về xuất khẩu năm nay ngoài khó khăn về thị trường do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thì những rào cản thương mại xuất hiện cũng là trở ngại mà ngành lâm nghiệp phải đối mặt.

Mặc dù vậy, ngành vẫn có những thuận lợi nhất định, trong đó lớn nhất là đã có nền tảng phát triển từ những năm gần đây. Có thể nói, ngành lâm nghiệp được đánh giá là ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, góp phần phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Thời gian tới, ngành lâm nghiệp phải đẩy mạnh công tác phòng, chống cháy rừng, không để cháy rừng lớn xảy ra; coi trọng cộng tác phát triển rừng.

Trong 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng cho rằng ngành lâm nghiệp tuyệt đối không được chủ quan bởi tình hình diễn biễn của dịch COVID-19 còn vô cùng phức tạp và khó lường, bên cạnh hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai, rào cản thị trường.

Ngành lâm nghiệp cần xây dựng cụ thể các kịch bản để ứng phó kịp thời với tất cả các và các diễn biến phức tạp của thị trường, không để bị động, lúng túng.

Trước đó, Bộ Công Thương dự kiến xuất khẩu gỗ có thể vượt mục tiêu năm 2021. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 5 đạt trên 1,41 tỷ USD, tăng nhẹ 1,2% so với tháng 4 nhưng tăng mạnh trên 82% so với tháng 5/2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu nhóm hàng này đạt 6,63 tỷ USD, tăng mạnh 62% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đơn hàng cho các tháng còn lại của năm 2021 tiếp tục tăng, phần lớn doanh nghiệp ngành gỗ đã nhận được các đơn hàng cho tới cuối năm 2021, ước tính đơn hàng tăng 30% so với năm 2020.

Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, chiếm gần 85% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Theo phân tích của Bộ Công Thương nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tại thị trường Mỹ tiếp tục tăng cao và có xu hướng tiêu dùng thay đổi để thích ứng với tình hình mới.

Nhu cầu các sản phẩm nội thất sẽ tăng để đáp ứng yêu cầu làm việc tại nhà. Cùng với đó là việc thị trường nhà ở Mỹ đang có xu hướng phát triển mạnh khi Chính phủ cho vay lãi suất thấp.

Bên cạnh đó, lợi thế từ Hiệp định EVFTA giúp ngành gỗ Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh về giá so với các sản phẩm cùng loại với các đối thủ cạnh tranh tại thị trường EU.

Đồng thời xuất khẩu gỗ sang thị trường Canada cũng đang tiếp tục tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định CPTPP, đặc biệt là đối với nhóm mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ.

Với nhiều tín hiệu lạc quan kim ngạch xuất khẩu gỗ được dự báo có nhiều cơ hội tăng trưởng nhanh trong thời gian tới. Bộ Công Thương dự kiến với việc đơn hàng tăng khoảng 30%, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm ước đạt khoảng 15-16 tỷ USD.

Đây cũng là nhận định của Hawa khi cho biết: "Đầu năm ngành hàng dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 14-14,5 tỷ USD thì với đà tăng hiện tại có thể đạt khoảng 15-16 tỷ USD trong năm nay".

Kỳ vọng trên dựa trên nhiều căn cứ, trong đó căn cứ lớn nhất là kết quả xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 5 tháng đầu năm 2021, đạt hơn 6,6 tỷ USD, bình quân một tháng đạt hơn 1,3 tỷ USD.

Như vậy, nếu những tháng còn lại của năm 2021 cũng đạt mức bình quân này thì cả năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ vượt mốc 15 tỷ USD và không khó chạm mốc 16 tỷ USD, tăng hơn 21% so với năm trước.

Hạ Vy