Dự án buýt nhanh BRT Hà Nội: Sai phạm lãng phí hàng chục tỷ đồng

Cập nhật: 17:06 | 25/10/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN – Liên quan đến dự án buýt nhanh BRT Hà Nội, vừa qua Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm về đấu thầu, thi công… gây lãng phí ngân sách nhà nước cả hàng chục tỷ đồng.  

Chồng chất sai phạm.

Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), Hợp phần xe buýt nhanh BRT thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị do Sở GTVT Hà Nội làm chủ đầu tư. Tổng chiều dài tuyến BRT là 14,7 km với tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD.

Năm 2007, UBND TP Hà Nội có quyết định phê duyệt dự án nhưng đến năm 2013 Hợp phần BRT mới khởi công. Tức chậm 6 năm so với thời gian phê duyệt và sau 9 năm (hoàn thành 31/12/2016) mới hoạt động. Giá trị nghiệm thu, thanh toán cho toàn bộ Hợp phần là hơn 706 tỷ đồng; tổng giá trị đã thanh toán là 657,5 tỷ đồng.

du an buyt nhanh brt ha noi sai pham lang phi hang chuc ty dong
Hình minh họa.

Tại Kết luận thanh tra, dự án đã vi phạm Khoản 2 và Khoản 4 Điều 6 Luật Đấu thầu 2005 do việc lập và phê duyệt kế hoạch đấu thầu Hợp phần BRT từ năm 2008 đến năm 2014 thiếu đồng bộ, quy mô gói thầu chưa hợp lý, phải bổ sung điều chỉnh nhiều lần, dẫn đến việc tổ chức đấu thầu bị chậm, không đúng theo kế hoạch được phê duyệt.

Tại Gói thầu CP08 - Đoàn xe BRT (35 xe) do nhà thầu liên danh Công ty CP Thiên Thành An và Công ty CP Ô tô Trường Hải thực hiện đãvi phạm Điều 22 Luật Đấu thầu 2013, Điều 101 Luật Xây dựng 2014 về điều kiện được chỉ định thầu. Chủ đầu tư đã bổ sung các thiết bị vào gói thầu này với tổng giá trị 17,68 tỷ đồng mà không tổ chức đấu thầu, chỉ ký phụ lục hợp đồng bổ sung với nhà thầu.

TTCP khẳng định, tại Gói thầu CP08, Chủ đầu tư thực hiện một số thủ tục chưa tuân thủ theo mẫu hồ sơ mời thầu và hướng dẫn của WB, do vậy không có căn cứ so sánh giữa các nhóm với nhau để lựa chọn nhà thầu.

Trong Liên danh nhà thầu trúng thầu, Công ty CP Ô tô Trường Hải thực hiện 75% (cung cấp 35 xe BRT) với số tiền hơn 171 tỷ đồng; Công ty CP Thiên Thành An thực hiện 25% công việc (cung cấp, lắp đặt thiết bị, kiểm tra xe, vận hành đào tạo và chuyển giao công nghệ) với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, Thiên Thành An còn được hưởng hơn 42 tỷ đồng số tiền chênh lệch giữa giá xuất bán xe của Ô tô Trường Hải cho Thiên Thành và công ty này bán lại cho Chủ đầu tư theo hợp đồng. Đây là số tiền nằm trong 75% công việc của Ô tô Trường Hải được phân chia theo hợp đồng. Thiên Thành An cũng không chứng minh được khối lượng công việc thực hiện đối với số tiền chênh lệch hơn 42 tỷ đồng này.

Thất thoát hàng chục tỷ đồng ngân sách

Bên cạnh đó, trong dự toán 7 gói thầu xây lắp có khoản chi phí huy động, giải thể công trường đã nằm trong chi phí trực tiếp, chi phí chung nhưng chủ đầu tư vẫn lập thêm để mời thầu, ký hợp đồng, nghiệm thu thanh toán cho các nhà thầu, gây thất thoát ngân sách nhà nước số tiền hơn 332 triệu đồng.

Đối với dịch vụ kiểm tra xe và vận hành, đào tạo và chuyển giao công nghệ, Chủ đầu tư đã gây thất thoát 0,2 tỷ đồng do thanh toán cho nhà thầu một số khoản mục chi phí vượt so với hợp đồng đã ký.

Tại Gói thầu CP4d - Trạm trung chuyển Bến xe Kim Mã đã vi phạm Khoản 1 Điều 28 Nghị định 12/2009/NĐ-CP do thực hiện thì chậm tiến độ 417 ngày.

Tại Gói thầu CP4d, Chủ đầu tư chấp thuận để lại 83 cây cừ Larsen với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng, gây lãng phí ngân sách nhà nước…

Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội cũng thực hiện một số công việc không đúng quy định, gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 0,62 tỷ đồng như: bổ sung phần kết cấu thân, văn phòng kiến trúc, nhà chờ xe buýt; phát sinh công việc đắp cát bằng máy đầm cóc…

TTCP cũng cho biết thêm, tại Gói thầu CP4a và Gói thầu CP4b xây dựng đường trạm xe buýt, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn khi lập bước thiết kế đường đã thay thế mặt đường bê tông nhựa bằng mặt đường bê tông xi măng đã gây lãng phí ngân sách nhà nước hơn 15 tỷ đồng.

Nguyễn My