Đích đến Basel II: Các ngân hàng đang nỗ lực để tiệm cận được tiêu chuẩn

Cập nhật: 12:25 | 07/09/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN – Áp dụng Basel II là yêu cầu tất yếu đối với các NHTM tại Việt Nam và theo quy định của Thông tư 41/2016/TT-NHNN (Thông tư 41), kể từ 1/1/2020, các ngân hàng sẽ phải chính thức áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II.

dich den basel ii cac ngan hang dang no luc de tiem can duoc tieu chuan

Nhiều ngân hàng công bố tỷ lệ an toàn vốn

dich den basel ii cac ngan hang dang no luc de tiem can duoc tieu chuan

OCB kỳ vọng đạt lợi nhuận đột phá cuối năm 2019

dich den basel ii cac ngan hang dang no luc de tiem can duoc tieu chuan

Vốn ngoại sẽ vào Việt Nam thông qua M&A

Theo các chuyên gia ngân hàng, việc triển khai Basel II cũng giúp ngân hàng nâng cao uy tín, và có cơ hội được cơ quan điều hành tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tăng trưởng tín dụng cũng như mở rộng mạng lưới. Chính bởi thế, mà không chỉ với những nhà băng được thí điểm triển khai, mà hầu hết các ngân hàng đều đang rất nỗ lực để có thể tiệm cận được tiêu chuẩn của Basel II.

Ngân hàng và đích đến Basel II

Hiện đã có 9 nhà băng được NHNN công nhận đáp ứng chuẩn này là Vietcombank, VIB, OCB, ACB, MB, TPBank, VPBank, Techcombank, MSB, trong đó có 2 cái tên không nằm trong danh sách 10 ngân hàng thí điểm là OCB và TPBank.

Ngoài 9 ngân hàng này, mới đây Viet Capital Bank thông báo đã trình NHNN cho phép áp dụng Basel II sớm hơn dự kiến vào cuối quý III/2019. Việc tính toán mức độ an toàn vốn theo phương pháp tiêu chuẩn Basel II đã hoàn tất ở mức độ triển khai dự án, hiện nhà băng này tiếp tục triển khai các mô hình đánh giá an toàn vốn nội bộ ICAAP theo yêu cầu của Thông tư 13/2018/TT-NHNN. Trước đó vào tháng 7/2019, Viet Capital Bank và đối tác tư vấn KPMG đưa vào đánh giá nghiệm thu theo quy trình kiểm định quốc tế và quyết định đưa mô hình vận hành chính thức từ đầu tháng 8/2019.

Sacombank đầu tháng 7 vừa qua cũng đã ký kết với Công ty TNHH PwC (Việt Nam) khởi động dự án “Nâng cấp mô hình định giá và xây dựng mô hình tính toán vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường” với mục tiêu hoàn thiện năng lực quản trị rủi ro, tạo nền tảng cho phép nhà băng này tuân thủ các quy định của NHNN và tăng tốc lộ trình tiến tới áp dụng Basel II, dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 2/2020. NCB trong tháng 6 cũng đã ký kết hợp đồng với Liên danh Blackice và Raffles Việt Nam để triển khai Dự án Thông tư 41 và Basel II.

Tuy nhiên, với diễn biến hiện nay, không loại trừ trường hợp có ngân hàng không tuân thủ được Thông tư 41 theo đúng thời hạn đã được đặt ra là đầu năm 2020. Bởi theo TS.LS Bùi Quang Tín, trong Basel II có ba trụ cột, trong đó trụ cột khó nhất đối với các ngân hàng Việt Nam hiện nay là hệ số an toàn vốn (CAR). Có thể tăng vốn trong điều kiện thị trường chứng khoán hiện nay càng khó. Trường hợp ngân hàng có thể bán vốn cho nhà đầu tư ngoại cũng là cả một câu chuyện không đơn giản.

Ngoài ra, để đáp ứng CAR đòi hỏi ngân hàng phải điều chỉnh, cơ cấu lại danh mục cấp tín dụng, nhất là trong bối cảnh khi NHNN ngày càng nâng hệ số rủi ro trong cho vay kinh doanh bất động sản - vốn là “món hời” tạo lợi nhuận cho ngân hàng.

dich den basel ii cac ngan hang dang no luc de tiem can duoc tieu chuan
Ảnh minh họa

Thiết nghĩ, về việc tăng vốn, các ngân hàng có thể thực hiện đa dạng các giải pháp để tăng vốn với thời gian thực hiện khác nhau. Nhưng chuyên gia cho rằng quan trọng chính là sử dụng phần vốn tăng được như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất.

Chuyên gia này cũng chia sẻ, cái khó không phải chỉ nằm ở tổng vốn hay tổng tài sản mà là vấn đề làm sao để tính toán được theo chuẩn Thông tư 41 là cực khó. Tổng tài sản có rủi ro xét tới cả rủi ro thị trường là loại rủi ro rất khó để đo lường, đây là một hàm số đa biến. Việc tính cả rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường cũng sẽ đặt ra cho ngân hàng bài toán làm thế nào để kiểm soát hai danh mục này, đặc biệt là danh mục trading là nơi tiềm ẩn rủi ro thị trường, rủi ro tín dụng đối tác.

“Công nghệ thông tin phải thế nào, dữ liệu phải được lọc ra sao, chưa đảm bảo được chất lượng trong xây dựng các mô hình đo lường rủi ro và thiết lập các hệ thống báo cáo quản trị phục vụ giám sát rủi ro và ra các quyết định kinh doanh chính là điểm nghẽn gây khó khăn cho các ngân hàng”, ông Tín cho biết.

Cùng chung quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận thấy ngoài công thức tính thì vấn đề rất lớn nằm ở việc các ngân hàng phải thu thập những dữ liệu về cho vay của mình trong nhiều năm trước đó, từ đó mới có thể đưa ra xác suất vỡ nợ cho khách hàng. Nếu dữ liệu không thống nhất trong những năm trước thì vấn đề thu thập dữ liệu để tính một xác suất vỡ nợ là rất khó cho các ngân hàng, đặc biệt với các nhà băng có quy mô nhỏ bởi dữ liệu của họ không đầy đủ, việc phân loại nợ không thống nhất.

“Ở đây không phải là phân loại nợ xấu, mà là phân loại theo lĩnh vực không được đồng nhất. Ví dụ như ở thời điểm này món nợ được định là bất động sản, nhưng tại thời điểm khác là không phải dẫn tới khi thu thập không có độ chính xác cao”, ông Hiếu cho hay.

Thực tế, ở không ít ngân hàng tại Việt Nam, dữ liệu còn chủ yếu ở dạng hồ sơ bản giấy, chưa được hệ thống hóa bằng phần mềm, hay cập nhật khi lưu trên các hệ thống khác nhau.

Bên cạnh Thông tư 41, các ngân hàng cũng cần chú trọng tới Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của các ngân hàng. Trong đó đòi hỏi các ngân hàng phải xây dựng hệ thống quản lý rủi ro từ hội đồng quản trị tới ban điều hành, các cấp của một tổ chức, xây dựng ba phòng tuyến đề phòng rủi ro.

Nói thêm về vấn đề này, ông Lưu Trung Thái - Tổng giám đốc MB nhận định, việc ứng dụng công nghệ là yêu cầu then chốt trong công tác quản trị rủi ro hiện đại. Tuyên ngôn khẩu vị rủi ro toàn ngân hàng cần được văn bản hóa để định hướng hoạt động kinh doanh phù hợp với mục tiêu và chiến lược kinh doanh của nhà băng, củng cố và nâng cao văn hóa quản trị rủi ro tới toàn thể cán bộ nhân viên.

Ông Il Dong Kwon - Phó Tổng Giám đốc Công ty tư vấn Oliver Wyman cũng nhận thấy trong quá trình đánh giá vốn an toàn nội bộ, việc giám sát của hội đồng quản trị và lãnh đạo là vô cùng quan trọng khi phải hiểu rõ bản chất và mức độ của tất cả các rủi ro trọng yếu mà ngân hàng hiện đang đối diện để đưa ra những giải pháp, thiết lập chính sách và quy trình hài hoà giữa lợi nhuận và rủi ro.

“Ông lớn” ngân hàng ngậm ngùi đi sau trong cuộc đua Basel II

Bằng Basel II, các ngân hàng càng khẳng định vị trí của mình, bên cạnh đó cũng được Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tăng trưởng tín dụng cũng như mở rộng mạng lưới.

Đáng tiếc, trong 9 cái tên nêu trên vẫn còn vắng bóng những "ông lớn" ngân hàng nằm trong top đầu, mà nổi trội là BIDV và VietinBank (CTG).

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, đối với BIDV, thương vụ phát hành KEB Hana Bank đã được công bố chính thức. BIDV sẽ thu về 20,3 nghìn tỷ và nhận được sự hỗ trợ dài hạn về quản lý. Yếu tố này sẽ giúp nhà băng cải thiện bộ đệm vốn, nhờ đó BIDV có thể đáp ứng được Basel II, tạo điều kiện cho tăng trưởng tín dụng cao hơn và giảm áp lực huy động.

Theo thông tin từ BID, thương vụ phát hành tăng vốn dự kiến được hoàn thành vào quý cuối năm 2019. Theo đó, các chuyên gia phân tích kỳ vọng nguồn vốn mới sẽ bắt đầu có tác dụng tích cực cải thiện nền tảng cơ bản của ngân hàng từ năm sau.

Trong khi BIDV đã có tín hiệu tích cực về khả năng tăng vốn sau gần 5 năm, sự lo ngại đổ dồn về CTG.

Trong nửa đầu 2019, cho vay và huy động khách hàng lần lượt tăng 2,4% và 2,5% so với đầu năm. Thị phần cho vay của CTG giảm nhẹ xuống 11%, vẫn nằm trong top 3 lớn nhất trong ngành. Thu nhập lãi thuần và thu nhập dịch vụ tăng trưởng lần lượt 12% và 63% so với cùng kỳ trong khi thu nhập hoạt động tăng 13%.

Tuy nhiên, chi phí dự phòng cao khiến tăng trưởng lợi nhuận chậm lại. Trong khi chi phí hoạt động được kiểm soát chặt chẽ so với cùng kỳ thì chi phí dự phòng tăng tới 51%, chủ yếu do trích lập trái phiếu VAMC. Kết quả là, lợi nhuận sau thuế của CTG chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ.

Do vậy, khả năng hoàn thành kế hoạch năm 2019 phụ thuộc vào tiến trình xử lý nợ xấu. Do tỷ lệ an toàn vốn thấp (dưới tiêu chuẩn Basel II) và thanh khoản yếu, VDSC cho rằng tăng trưởng cho vay của CTG sẽ chậm lại và chỉ đạt 7% cho cả năm.

"Kế hoạch tái cơ cấu của CTG dự kiến kéo dài trong giai đoạn 2018 - 2020. Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian này, CTG sẽ tăng cường xử lý nợ xấu đồng thời hạn chế mở rộng cho vay", báo cáo của VDSC cho hay.

Quyết định 986 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam có đề cập đến kế hoạch của chính phủ sẽ giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các ngân hàng quốc doanh xuống còn 51%. Dù vậy, VDSC cho rằng, phải ít nhất đến năm 2021 hoặc muộn hơn thì kế hoạch này mới có thể thực hiện được.

CTG là ngân hàng duy nhất trong top 3 chưa tìm được cửa tăng vốn. Từ năm 2014 tới nay, VietinBank không được bổ sung thêm vốn điều lệ và hiện là ngân hàng có tiến độ tăng vốn điều lệ chậm nhất trong số các ngân hàng thương mại Nhà nước.

Hiện nhà nước đang nắm giữ hơn 64% vốn tại CTG trong khi tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại đã kín room do đó không thể bán vốn được nữa. Phương án giữ lại lợi nhuận hàng năm hoặc chia phần cổ tức của Nhà nước bằng cổ phiếu để tăng vốn cũng được đề ra nhưng vẫn đang nằm trong trạng thái "treo".

Do đó, "ông lớn" ngân hàng này nhiều khả năng vẫn không thể đáp ứng Basel II kịp thời hạn, bất đắc dĩ tụt lùi trong khi các ngân hàng khác đang chạy đua hết sức để nhanh chóng đáp ứng được Basel II.

Văn Khương

Tin liên quan