CII lên kế hoạch đầu tư “mạnh tay” 40.000 tỷ đồng vào dự án PPP

Cập nhật: 17:41 | 03/08/2023 Theo dõi KTCK trên

Dù tổng cộng tài sản có phần giảm sút so với đầu năm, CII vẫn “mạnh tay” chi tiền cho dự án lớn PPP với giá trị lên tới gần 2 tỷ USD.

CII lên kế hoạch đầu tư “mạnh tay” 40.000 tỷ đồng vào dự án PPP
CII lên kế hoạch đầu tư “mạnh tay” hơn 40.000 tỷ đồng vào dự án PPP

Vừa qua, Ban Giám đốc Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (HOSE: CII) công bố thông tin liên quan đến ĐHĐCĐ bất thường về việc phê duyệt chủ trương tham gia đấu thầu các dự án PPP trong lĩnh vực hạ tầng.

Cụ thể, ngày 3/7/2023, HĐQT CII đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-HĐQT, nhiệm kỳ 2022-2027 về việc triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường nhằm thông qua điều chỉnh hoạt động của Công ty và một số vấn đề khác.

Bên cạnh đó, cuộc họp ĐHĐCĐ cũng hướng tới điều chỉnh hoạt động sao cho phù hợp với tình hình triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.

Theo CII, Nghị quyết 98 đã tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy công tác đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật của thành phố, là tiền đề để triển khai hàng loạt các dự án huyết mạch lớn về giao thông với tổng mức đầu tư lên tới hàng chục tỷ USD giai đoạn 2025-2030.

CII cũng cho rằng, việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP cùng việc TP.HCM được áp dụng Nghị quyết 98 sẽ tạo ra nhiều cơ hội và thách thức trong thời gian tới. Trong đó, danh mục đầu tư mà CII đang hướng tới có giá trị lên tới hơn 40.000 tỷ đồng (tương đương gần 2 tỷ USD).

Dự kiến trong tháng 9/2023, ĐHĐCĐ bất thường sẽ được diễn ra để đảm bảo Công ty có thể chuẩn bị chu đáo những tài liệu liên quan đến dự án này (tổng mức đầu tư, phương thức thu hồi vốn, hiệu quả đầu tư…)

Được biết, vừa qua, HĐQT CII đã chấp thuận cho Công ty bảo lãnh khoản vay trung - dài hạn của dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1, đoạn từ Ngã ba trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn. Số tiền vay tối đa là khoảng 2.398 tỷ đồng trong thời gian 7 năm.

BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội là một trong những dự án hạ tầng trọng điểm của TP.HCM, do CII làm chủ đầu tư. Dự án này chia thành 3 giai đoạn, hiện đã hoàn thành toàn bộ trục chính từ cầu Sài Gòn đến nút giao Đại học Quốc gia TP.HCM, nâng cấp rải nhựa toàn bộ đoạn Dĩ An (Bình Dương).

Dự án còn đang dang dở hai trục đường song hành Xa lộ Hà Nội do vướng mặt bằng, chồng lấn hạ tầng của một số dự án như Metro Bến Thành - Suối Tiên, vệ sinh môi trường.

CII lên kế hoạch đầu tư “mạnh tay” 40.000 tỷ đồng vào dự án PPP
Dù tài sản hiện có giảm đi nhưng CII không ngừng “nắm bắt” thời cơ đầu tư những dự án “nhiều tỷ”.

Về tình hình kinh doanh, kết thúc quý II/2023, CII ghi nhận doanh thu thuần đạt 843 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán tăng 18%, đạt 641 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp giảm hơn 1 nửa so với cùng kỳ năm trước, về mức 201 tỷ đồng.

Chi phí tài chính của CII kỳ này cũng tăng tới 41%, gần chạm ngưỡng 455 tỷ đồng do “cõng” lãi vay lớn. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 25%, chỉ còn 104 tỷ đồng.

Khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của CII đạt 83 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022.

Lý giải nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm sút, CII cho biết do hoạt động kinh doanh bất động sản giảm mạnh nên dù có thêm lợi nhuận từ các khoản đầu tư, giảm chi phí quản lý doanh nghiệp thì cũng không thể kéo lãi.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của CII ghi nhận ở mức 1.591 tỷ đồng, giảm 7% so với 2 quý đầu năm 2022. Lợi nhuận sau thuế kéo theo đó “trượt dốc” nặng tới 94%, chỉ còn 43 tỷ đồng.

Như vậy, sau 2 quý hoạt động, CII mới chỉ hoàn thành 30% chỉ tiêu doanh thu (5.155 tỷ đồng) và 9% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế (469 tỷ đồng).

Tính đến hết quý II/2023, CII đang nắm giữ 26.649 tỷ đồng tổng cộng tài sản, giảm 7% so với thời điểm đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền tăng mạnh gấp 3,5 lần, đạt 954 tỷ đồng. Tuy nhiên, hàng tồn kho giảm 1 nửa, chỉ còn 882 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, CII hiện có 8.106 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, giảm nhẹ 200 tỷ đồng so với đầu quý I/2023. Nguồn vốn của Công ty chủ yếu là đi vay, nợ ngắn hạn và dài hạn phải trả lần lượt là 9.307 tỷ đồng và 9.235 tỷ đồng.

Dù tài sản hiện có giảm đi nhưng CII không ngừng “nắm bắt” thời cơ đầu tư những dự án “nhiều tỷ”. Theo tìm hiểu, kế hoạch tăng vốn và giảm nợ được CII đưa ra còn để chuẩn bị tham gia vào các dự án mới với quy mô lớn trong giai đoạn sau năm 2024.

Theo kế hoạch, ngoài dự án hạ tầng giao thông PPP với giá trị ước tính hơn 40.000 tỷ đồng thì CII còn nghiên cứu các danh mục đầu tư khác như cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 2, nút giao trong TP.HCM và cầu Thủ Thiêm 4…

Ngọc Bích