Chứng khoán KAFI đặt mục tiêu LNTT 300 tỷ, tổng tài sản đạt 10.000 tỷ đồng

Cập nhật: 12:20 | 19/03/2024 Theo dõi KTCK trên

KAFI sẽ trình ĐHĐCĐ mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2024 đạt 300 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng tài sản ở mức 10.000 tỷ đồng, tăng 53% so với năm 2023.

Mới đây, Công ty CP Chứng khoán KAFI (KAFI) công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên với nhiều nội dung khác nhau. Chi tiết, KAFI sẽ trình ĐHĐCĐ mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2024 đạt 300 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng tài sản ở mức 10.000 tỷ đồng, tăng 53% so với năm 2023. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) là 10% và chỉ tiêu tỷ lệ vốn khả dụng hơn 180%.

Trong khi đó, năm 2023, KAFI cho biết đây là năm thứ 2 của giai đoạn mới chuyển đổi chiến lược kinh doanh, mở rộng sự hiện diện trên thị trường tài chính Việt Nam. Doanh nghiệp này có kết quả kinh doanh đáng chú ý với doanh thu hoạt động đạt 484,6 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần năm 2022; và lãi sau thuế lên đến 128 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần so với cùng kỳ.

Chứng khoán KAFI đặt mục tiêu LNTT 300 tỷ, tổng tài sản đạt 10.000 tỷ đồng
Chứng khoán KAFI (KAFI)

Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ, KAFI cũng dự kiến trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, bao gồm 4,2 tỷ đồng hoàn trả phần cổ tức tiền mặt năm 2022 đã phê duyệt từ nguồn lợi nhuận chưa thực hiện và 60 tỷ đồng chia cổ tức tiền mặt năm 2023.

Đề cập đến hoạt động của HĐQT trong năm 2023, tài liệu nêu rõ HĐQT đã hoàn tất đa số các nội dung và ĐHĐCĐ phê duyệt, nhưng vì nhiều nguyên nhân khách quan, có 2 nội dung nghị quyết chưa được hoàn thành.

Một là, đề xuất thay đổi địa chỉ trụ sở chính theo hướng mở rộng, bổ sung một phần tầng trệt tại tòa nhà Sailing Tower để làm địa điểm giao dịch cho khách hàng; và hai là, đề xuất thông qua phương án tăng vốn điều lệ điều chỉnh đợt 2, bổ sung nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán phái sinh. HĐQT sẽ cập nhật đến ĐHĐCĐ tiến độ thực hiện các nội dung này tại kỳ họp thường niên gần nhất.

Về phương án tăng vốn điều lệ nói trên, ngày 13/03, cho biết đã nhận được hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu của Chứng khoán KAFI (KAFI)

Theo đó, KAFI dự kiến chào bán 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua. Tỷ lệ thực hiện quyền là 3:2, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được hưởng 1 quyền mua, 3 quyền mua được mua thêm 2 cổ phiếu mới. Giá chào bán là 10.000 đồng/cp, dự kiến hoàn thành trước ngày 30/04/2024.

Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa 49% vốn điều lệ theo kết quả phát hành sau khi kết thúc đợt phát hành.

Toàn bộ số tiền thu được (1.000 tỷ đồng) sẽ được phân bổ cho 4 mục đích, dự kiến sử dụng trong năm 2024, gồm: Bổ sung vốn cho hoạt động môi giới chứng khoán, tỷ lệ phân bổ 25%; bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh với tỷ lệ 35%; mua sắm trang thiết bị kỹ thuật, đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ, tỷ lệ phân bổ 30%; và bổ sung vốn cho hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán, hoạt động mở rộng mạng lưới kinh doanh và các chi phí hoạt động khác 10%.

Ngoài ra, nguồn vốn phân bổ trên có thể được luân chuyển linh động giữa các hoạt động để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn của Công ty từng thời kỳ.

Sau khi phát hành 100 triệu cổ phiếu nói trên, vốn điều lệ doanh nghiệp sẽ tăng từ 1.500 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng.

Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên 2023 của CTCK đã thông qua việc tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng, gồm 2 đợt: Đợt 1 tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng và đợt 2 tăng vốn từ 1.500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. Tại ngày 02/08/2023, KAFI đã thực hiện thành công tăng vốn đợt 1.

Tuy nhiên, HĐQT đã có sự điều chỉnh về phương án tăng vốn điều lệ đợt 2. HĐQT nhận định Công ty cần tăng vốn điều lệ lên tối đa 2.500 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh thời gian tới, nâng cao năng lực tài chính và đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật. ĐHĐCĐ đã thông qua việc điều chỉnh này qua hình thức lấy ý kiến bằng văn bản, theo nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 22/12/2023.

Đồng thời, đại hội cũng thông qua việc bổ sung nghiệp vụ kinh doanh phái sinh, gồm các hoạt động như: môi giới chứng khoán phái sinh, tự doanh chứng khoán phái sinh và tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh. Cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh; và các dịch vụ khác có liên quan.

VRE "thay tướng" sau khi Vingroup thoái vốn

Sau khi Vingroup ra thông báo thoái vốn với Vincom Retail, VRE lập tức thay đổi nhân sự tại vị trí Tổng Giám đốc.

Trái phiếu còn 5 năm, Hưng Thịnh Investment vẫn chi 2.000 tỷ đồng mua lại trước hạn

Mặc dù lô trái phiếu này tới tận năm 2029 mới hết hạn nhưng Hưng Thịnh Investment đã bỏ ra tới 2.000 tỷ đồng để ...

Vincom Retail (VRE) không còn là công ty con của Vingroup (VIC)

Với việc thoái toàn bộ sở hữu tại SDI, Vingroup gián tiếp bán cổ phần và chỉ còn giữ 18,8% vốn tại Vincom Retail.

Hà Lê