Chuẩn bị các phương án vực dậy nền kinh tế "hậu COVID-19"

Cập nhật: 11:06 | 10/04/2020 Theo dõi KTCK trên

KTCKVN - Trước những ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, ngoài việc xác định những việc cần làm ngay để có những phản ứng chính sách kịp thời, cũng cần chủ động xây dựng kịch bản phát triển quốc gia để đón đầu sự phục hồi nền kinh tế sau đại dịch...

Không để dịch bệnh kéo dài

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19 sáng ngày 10/4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, dịch COVID-19 cộng hưởng với đà suy giảm từ năm 2019 đã ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

chuan bi cac phuong an vuc day nen kinh te hau covid 19

Dịch đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, gây đình trệ giao thương, đầu tư trên phạm vi toàn cầu; làm giảm cả “cung” và “cầu” trên thị trường thế giới. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, giảm quy mô; các ngành sản xuất lớn ảnh hưởng nặng nề; lao động mất việc làm, tạm ngừng hoặc thiếu việc làm tăng lên...

Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu và của các quốc gia đều bị tác động nghiêm trọng, nhiều nền kinh tế lớn được dự báo có mức tăng trưởng âm. Các trật tự và mối quan hệ về đầu tư, thương mại, đối ngoại song phương, đa phương, vai trò, vị trí của các quốc gia trên trường quốc tế có nhiều thay đổi...

Trong bối cảnh như vậy, theo Bộ trưởng, nhiều quốc gia đã thực hiện nhiều giải pháp, với ưu tiên cao nhất là kiểm soát và “dập” dịch sớm nhất có thể; đồng thời triển khai khẩn cấp các giải pháp mạnh để giảm thiểu tác động của dịch và sớm chuẩn bị các giải pháp “bắc cầu” giữa giai đoạn “trong dịch” và “hậu dịch” để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế.

“Quốc gia nào càng kết thúc dịch sớm, càng chuẩn bị sớm các điều kiện phục hồi thì sẽ càng nắm bắt được cơ hội để thay đổi và phát triển theo xu hướng chung là tập trung vào thị trường trong nước trước để tạo lực rồi mới vươn ra thị trường nước ngoài”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Cũng giống như nhiều quốc gia khác, kinh tế - xã hội Việt Nam đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi tốc độ tăng GDP quý I ước chỉ đạt 3,82% so với cùng kỳ, thấp nhất từ năm 2011 tới nay.

Chuẩn bị các phương án “hậu” COVID-19

Dù dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, song các bước chuẩn bị cho phục hồi kinh tế thời kỳ “hậu dịch” được cho là cần phải thực hiện ngay từ bây giờ.

Để chuẩn bị cho điều đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện 2 phần việc quan trọng. Đó là xác định những việc cần làm ngay trong thời điểm hiện nay để có phản ứng chính sách kịp thời, đồng thời chủ động xây dựng kịch bản phát triển quốc gia đón đầu sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.

chuan bi cac phuong an vuc day nen kinh te hau covid 19

Theo TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, không thể “ôm cây đợi thỏ”. Việt Nam cần tính các bước phục hồi của kinh tế thế giới, nương theo nó để nắm bắt cơ hội và tìm cách bứt phá.

Còn theo một chuyên gia của Trường đại học Kinh tế Quốc dân, do mức độ kết nối của Việt Nam với chuỗi giá trị toàn cầu rất lớn nên nếu đại địch được kiểm soát ở Việt Nam, cũng không thể làm cho nền kinh tế phục hồi ngay khi dịch vẫn tiếp diễn ở các quốc gia khác. Bởi thế, cần xây dựng nhiều kịch bản chính sách kinh tế khác nhau từ ngắn đến dài hạn nhằm ứng phó với tình hình dịch ở cả Việt Nam và ở các quốc gia khác trên thế giới.

Hỗ trợ là khi Chính phủ công bố các gói hỗ trợ những người lao động mất việc làm kéo dài, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi đối tượng này có khả năng chống chịu kém… Còn giải cứu thì không chỉ cần tập trung vào thanh khoản mà còn là khả năng thanh toán của các doanh nghiệp đặc biệt là tránh sự đổ vỡ của các tập đoàn lớn.

Các kịch bản được một số chuyên gia đưa ra gồm: Nếu bệnh dịch trong nước có thể kiểm soát ngay trong tháng 4 hoặc cùng lắm đến hết quý II, thì phản ứng chính sách nên mang tính “hỗ trợ”. Nếu bệnh dịch kéo dài hơn (đến quý III hoặc hết năm 2020), Chính phủ cần tính tới các biện pháp can thiệp mạnh mẽ hơn mang tính “giải cứu”.

“Dịch càng kéo dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế càng nghiêm trọng hơn, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,8% là rất thách thức và khó đạt được. Trường hợp dịch được khống chế trong Quý II, tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 5,32% và trường hợp dịch kéo dài hết đến Quý III thì tăng trưởng GDP dự báo là 5,05%”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện ngay 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, hướng tới các đối tượng là các doanh nghiệp, người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Các gói giải pháp tiền tệ, tài khóa ước tính trị giá 330.000 tỷ đồng, tương đương gần 14 tỷ USD cũng đã và đang thực hiện. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 07/4/2020 cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các đối tượng bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với các chính sách hỗ trợ trực tiếp hoặc cho vay ưu đãi hướng tới 6 nhóm đối tượng cụ thể.

Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh chưa nghiên cứu thành công vắc-xin và thuốc điều trị thì khả năng thời điểm kết thúc dịch của các quốc gia là rất khác nhau; một số quốc gia có thể kiểm soát sớm được dịch, nhưng chỉ cần một vài quốc gia còn dịch thì chính sách phòng vệ vẫn còn tiếp tục, việc phục hồi nhanh nền kinh tế trở lại như thời điểm trước dịch vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có các giải pháp mạnh hơn hỗ trợ nền kinh tế.

Cần tư duy mới và cách tiếp cận mới

Theo nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: “Chúng ta cần một tư duy mới, cách tiếp cận mới theo hướng tích cực qua đại dịch COVID-19 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, sản xuất - kinh doanh đình trệ, lao động mất việc làm, chuỗi cung ứng, mạng sản xuất bị đứt gãy”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

chuan bi cac phuong an vuc day nen kinh te hau covid 19

Theo Bộ trưởng, đại dịch COVID-19 sẽ khiến các cấu trúc kinh tế và trật tự thế giới có sự điều chỉnh và thay đổi sâu sắc. Vì thế, đây chính là cơ hội đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế mà Việt Nam đang thực hiện lâu nay, bổ sung các ngành nghề, chuỗi cung ứng mới để tăng cường năng lực chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc về dịch bệnh toàn cầu; đồng thời, hoàn thiện thể chế, cơ chế phối hợp toàn cầu và khu vực trong xử lý các cú sốc kiểu Covid-19.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược cho rằng, bối cảnh kinh tế toàn cầu và Việt Nam hiện nay, không thể chỉ giải quyết được bằng tiền.

“Chưa thấy nước nào giải cứu được nền kinh tế vượt qua khủng hoảng bằng tiền. Tại khủng hoảng 2008 - 2009, nhiều nước đã tung ra các gói kích thích kinh tế lớn, nhưng không cứu được nền kinh tế, mà hệ lụy là dẫn tới khủng hoảng nợ công. Để giải quyết, phải xử lý bằng thể chế, chính sách. Chúng ta đang có nhiều dư địa để cải cách thể chế, chính sách. Nhân cơ hội này, phải đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế”, chuyên gia Võ Đại Lược nói.

Cú sốc COVID-19 đang đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái nhanh hơn, nhưng cũng bộc lộ nhiều điểm yếu cốt tử của phương thức kinh doanh cũ gồm cả vấn đề phát triển và các rủi ro xung quanh chuỗi cung ứng toàn cầu. Cộng hưởng thêm tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, thì cấu trúc kinh tế thế giới sẽ còn có những biến đổi sâu sắc hơn nữa.

Bởi thế, nói như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây chính là cơ hội cho Việt Nam nắm lấy để có các quyết sách đúng đắn và kịp thời. Theo đó, phải đẩy nhanh việc cải cách, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh…, nhằm đủ sức tham gia ngay các trật tự mới, cấu trúc mới sau khi hết dịch, mà dự kiến sẽ diễn ra rất nhanh.

“Không thể lại đứng ngoài hoặc đi sau, đi theo một cuộc chơi mới, sân chơi mới sắp diễn ra”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

chuan bi cac phuong an vuc day nen kinh te hau covid 19 Chủ tịch VCCI: Chuẩn bị tâm thế 'sống chung với dịch'

Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ đã ban hành và chuẩn bị ban hành theo chỉ đạo của Thủ tướng, ở ...

chuan bi cac phuong an vuc day nen kinh te hau covid 19 Hướng đi cho kinh tế Hà Nội khi dịch bệnh kéo dài

Tập trung thúc đẩy đầu tư công với tinh thần quyết liệt của công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ các doanh nghiệp ...

chuan bi cac phuong an vuc day nen kinh te hau covid 19 Cùng Chính phủ nỗ lực vượt qua khó khăn

Việt Nam đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao cả về năng lực đối phó với đại dịch COVID-19 và nỗ lực duy ...

Quân Vương

Tin cũ hơn
Xem thêm