Cấp thiết giảm thuế xăng dầu

Cập nhật: 14:17 | 08/07/2022 Theo dõi KTCK trên

Bộ Tài chính cho biết sẽ nghiên cứu giảm Thuế Tiêu thụ đặc biệt, VAT để trình tại kỳ họp Quốc hội gần nhất, nhưng các chuyên gia nói "không nên chờ tới tháng 10".

Sẽ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng với xăng dầu

UBTVQH nhất trí giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn về mức sàn

Chính thức giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu từ ngày 11/7/2022

Mặc dù, sau khi được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn đã chính thức giảm từ 700 -1.000 đồng/lít. Tuy nhiên, theo các chuyên gia mức giảm này chưa thấm vào đâu so với giá xăng tăng cao như hiện nay và cần tiếp tục làm ngay các biện pháp giảm thuế để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Trong những ngày gần đây nhiều ngành nghề đã phải chịu tác động to lớn của việc giá xăng tăng như ngành vận tải hay hoạt động đánh bắt cá của ngư dân.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm hiện tại đã có 40-50% tàu cá "đắp chiếu", ngừng hoạt động do giá dầu tăng quá cao. Đặc biệt là các tàu cá làm nghề tiêu thụ nhiên liệu như: lưới kéo, nghề rê,... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống và an sinh xã hội của cộng đồng ngư dân.

Đồng thời, tình trạng này tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Khi giá thế giới vẫn khó lường, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, căn cơ nhất là giảm các loại thuế tính trên tỷ lệ % giá thành xăng dầu, như tiêu thụ đặc biệt, VAT hay thuế nhập khẩu.

Các doanh nghiệp thì đề nghị cơ quan quản lý nghiên cứu, xem xét giảm một nửa (50%) mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt hay VAT đánh trên mỗi lít xăng, dầu hiện nay (mặt hàng dầu không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt).

Bộ Tài chính gần đây cho biết đã báo cáo Thủ tướng việc giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT với xăng dầu. Theo quy trình, nếu được Thủ tướng phê duyệt, bộ này sẽ trình phương án giảm thuế này lên các thành viên của Chính phủ.

Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định, điều chỉnh hai loại thuế này thuộc Quốc hội, nên không thể áp dụng ngay. Thông thường Quốc hội họp hai kỳ một năm, và kỳ họp gần nhất là tháng 10.

"Chính phủ đang chỉ đạo tiếp tục theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới, đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT với xăng cho phù hợp, để trình Quốc hội tại phiên họp tháng 10 hoặc tại kỳ họp bất thường của Quốc hội, dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội", Bộ Tài chính cho biết trong báo cáo gửi cấp có thẩm quyền.

Nhưng theo các chuyên gia, việc cân nhắc giảm hai loại thuế này với xăng dầu cần làm sớm, chứ "không nên đợi tới tháng 10" bởi giá xăng dầu neo ở mức cao, tăng trên 60% từ cuối năm ngoái, đang khiến các doanh nghiệp "điêu đứng".

Đồng thời, Chính phủ cần xem xét, kéo dài các chính sách hỗ trợ về phí, lệ phí cho các doanh nghiệp vận tải hàng không đến khi thị trường bay quốc tế hồi phục về mức thời điểm trước dịch cho đến khi thị trường hàng không quốc tế phục hồi dự kiến là đến hết năm 2023, đại diện Hiệp hội Hàng không Việt Nam nêu kiến nghị.

Còn theo chuyên gia Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, hiện tại sức mua bắt đầu giảm, trong khi đầu vào chi phí tăng cao khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Việc giảm thuế với xăng dầu sẽ giúp chi phí đầu vào của doanh nghiệp giảm đáng kể.

"Chúng ta phải tính toán để giảm thêm các loại thuế khác trong cơ cấu giá xăng dầu, vì chỉ giảm thêm thuế bảo vệ môi trường thì không có nhiều tác dụng", TS. Long nói.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam đề nghị, cơ quan quản lý cần sớm kiến nghị Quốc hội họp bất thường để quyết nghị, vì nếu để tới tháng 10 mới tính, mới đề xuất giảm thì hệ luỵ tới ngành vận tải sẽ càng trầm trọng.

"Với mức giá cả như hiện nay, tối thiểu cũng phải giảm 50% thuế VAT và tiêu thụ đặc biệt đến cuối năm mới "cứu" được ngành vận tải không đứt gãy", Chủ tịch Hiệp hội Vận tải nêu.

Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê cũng cho rằng, không nên chờ tới kỳ họp cuối năm mới có thể trình giảm hai loại thuế này, mà cơ quan quản lý nên kiến nghị kỳ họp bất thường trong trường hợp cần.

"Chờ tới tháng 10, giá cả liên tục tăng sẽ gây gánh nặng chi phí rất lớn lên doanh nghiệp, nền kinh tế", ông nói với VnExpress.

Tại phiên làm việc sáng 6/7 về giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ xem xét để nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Nghị định liên quan đến thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc MFN; đồng thời, khẩn trương xem xét, nghiên cứu đối với những vấn đề liên quan đến thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu.

Trong trường hợp giá cả xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn neo ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế đời sống người dân và tăng trưởng nền kinh tế thì Chính phủ sớm nghiên cứu để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Ngoài việc cắt giảm thuế, đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có thể có những chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng bị tác động trực tiếp trong trường hợp giá xăng, dầu tiếp tục tăng cao hoặc neo ở mức cao các ngư dân đánh bắt thủy sản, nhất là đánh bắt xa bờ, giao thông vận tải, người nghèo, người thu nhập thấp.

Chính phủ cần lưu ý để chủ động có những kịch bản nghiên cứu để ứng phó cho phù hợp, cũng tiếp tục rà soát lại các yếu tố cấu thành cơ cấu giá xăng, dầu theo các nghị quyết của Quốc hội và nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Thu Uyên (Tổng hợp)