Sẽ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng với xăng dầu

Cập nhật: 10:01 | 02/07/2022 Theo dõi KTCK trên

Ngày 30/6, Bộ Tài chính cho biết đã trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét quyết định phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu.

Đề xuất giảm một trong bốn loại thuế với xăng dầu

Giá xăng trong nước điều chỉnh giảm sau 7 lần tăng liên tiếp

Giá xăng dầu hôm nay 2/7/2022: Giảm nhẹ

Theo đó, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với xăng dầu nhằm góp phần giảm giá mặt hàng này, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Bộ Tài chính chưa thông tin mức giảm cụ thể, nhưng giải pháp giảm thuế được kỳ vọng sẽ "hạ nhiệt" giá mặt hàng xăng dầu trong nước.

Trước đó, Bộ Tài chính đã từng cho biết thời gian tới sẽ không thực hiện điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng.

Bộ Tài chính trình phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng (Ảnh minh họa)
Bộ Tài chính trình phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng (Ảnh minh họa)

Theo Bộ Tài chính, quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt thì chỉ thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu các loại. Mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt không quy định giảm thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bộ Tài chính cho biết, thuế tiêu thụ đặc biệt là sắc thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khoẻ như thuốc lá, rượu, bia..., ảnh hưởng đến môi trường và cần tiêu dùng tiết kiệm xăng gốc hóa thạch hoặc hàng hóa, dịch vụ cao cấp cần điều tiết thu nhập ô tô, máy bay, du thuyền, chơi golf...

Theo tính toán, mỗi lít xăng hiện nay "cõng" khoảng 9.500-10.000 đồng các loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng và bảo vệ môi trường, tương ứng tỷ trọng hơn 30%. Nếu cộng thêm các loại chi phí định mức kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận định mức thì tỷ trọng thuế, các chi phí trong mỗi lít xăng loại này khoảng 35%.

Thuế bảo vệ môi trường hiện đã được giảm 50%, tức 1.900-2.000 đồng một lít với xăng từ ngày 1/4 đến hết năm nay.

Gần đây, các quốc gia trên thế giới đều thực hiện cắt giảm thuế đối với mặt hàng xăng dầu để chống lạm phát. Tại Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng cần tạm ngưng thu tất cả loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu, chấp nhận hụt thu ngân sách 2-3 tháng để giảm giá nhiên liệu. Hiện nay, dư địa giảm thuế vẫn còn nên cần giảm mạnh các loại thuế, sau đó mới tính đến các phương án khác.

Không nên giảm "nhỏ giọt" như thời gian vừa qua hoặc như đề xuất mới đây của Bộ Tài chính. Bởi làm như vậy tác dụng kiềm chế lạm phát thấp, không đủ sức để kìm sự tăng giá do ảnh hưởng của xăng dầu đối với các mặt hàng khác như lương thực, thực phẩm, dịch vụ thiết yếu.

Bên cạnh việc giảm thuế, phí đối với mặt hàng xăng dầu cũng cần khẩn trương lên kế hoạch phòng chống buôn lậu xăng dầu, quyết liệt triển khai kiểm tra, kiểm soát các cửa hàng cung ứng xăng dầu trên phạm vi toàn quốc về chất lượng xăng dầu cũng như các thiết bị đo, kiểm đếm.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Hạ Vy

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm