Cảnh báo rủi ro quanh dịch vụ cho vay tiền qua mạng

Cập nhật: 08:10 | 25/07/2018 Theo dõi KTCK trên

Thời gian gần đây, mô hình cho vay tiền qua mạng lại bắt đầu nở rộ. Theo đó, người dùng chỉ cần truy cập trang mạng hoặc tải phần mềm ứng dụng cho vay về điện thoại, thực hiện nhanh gọn một số thao tác theo hướng dẫn, là có thể vay tiền dễ dàng. Sự nhanh chóng, tiện lợi của dịch vụ này đang hấp dẫn không ít người tiêu dùng, nhưng cùng với đó là lời cảnh báo về một hệ quả tương tự như "tín dụng đen" nếu không sớm có một hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động này.

canh bao rui ro quanh dich vu cho vay tien qua mang
Một trang mạng cho vay tiền trực tuyến.

Bùng phát dịch vụ

Gần đây, nhiều doanh nghiệp cho vay tiền mặt qua in-tơ-nét ra đời, phần lớn hoạt động dưới danh nghĩa là công ty tư vấn đầu tư. Những công ty này hoạt động dựa theo mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending) đã và đang phát triển mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, nhiều công ty hoạt động dưới mô hình P2P cũng dần được nhiều người biết đến như Công ty cổ phần SHA Toàn cầu, Công ty cổ phần Tập đoàn Tima,…

Ðơn cử như với Tima, đây là một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) với mô hình sàn kết nối tài chính giữa người có nhu cầu vay vốn với các đơn vị cho vay một cách nhanh chóng và tiện lợi nhờ ứng dụng công nghệ. Mỗi ngày, Tima xử lý khoảng hơn 2.000 đơn vay mới. Theo số liệu mới nhất từ Tima, hiện Tima đã kết nối cho vay thành công hơn 30 nghìn tỷ đồng với gần 1,5 triệu khách hàng.

Truy cập vào trang mạng vaymuon.vn, một sản phẩm của Công ty cổ phần Vay mượn có trụ sở tại Hà Nội, người dùng cũng sẽ nhận được những hướng dẫn cụ thể về "vay tiền chỉ bằng 3 bước cơ bản". Theo như lời giới thiệu trên trang mạng, mô hình hoạt động của công ty không phải ngân hàng, không phải công ty tài chính mà sử dụng công nghệ để kết nối nhu cầu của người vay và nhà đầu tư. Thông qua trang mạng hoặc một ứng dụng tải về điện thoại, các cá nhân có nhu cầu vay nhanh khoản tiền nhỏ trong thời gian ngắn có thể đăng ký trực tuyến. Khoản vay sẽ được xét duyệt và giải ngân trong khoảng bốn giờ làm việc với lần vay đầu và 30 phút với các lần vay sau. Người vay tiền không cần thế chấp tài sản hay giấy tờ và không bị yêu cầu gặp mặt trực tiếp.

Cũng như nhiều người có nhu cầu khác, anh Hoàng Ngọc Lâm (nhân viên văn phòng tại Hà Nội) đã tìm đến dịch vụ vay vốn này. Theo anh Lâm, với quy trình nhanh chóng, thủ tục đơn giản, hồ sơ xét duyệt qua in-tơ-nét, anh đã được giải ngân một khoản vay nhỏ để kịp thời đặt tour du lịch mà không cần phải thế chấp. Hiện, trang mạng vaymuon.vn công bố hạn mức khoản vay linh hoạt từ 1 triệu đến 10 triệu đồng, thời gian vay đến 12 tháng, với lãi suất áp dụng 1,5%/tháng (tương đương 18%/năm). Nhưng bên cạnh lãi suất phải trả, người vay còn phải trả thêm khoản phí dịch vụ và phí tư vấn (nếu có). Lãi suất và phí có thể thay đổi theo từng thời điểm và sẽ được thông báo trước khi áp dụng.

Theo tìm hiểu, mức lãi suất từ 18 đến 25%/năm là mức lãi vay phổ biến được nhiều trang mạng như vaymuon.vn, doctordong.vn, hay tima.vn,… công bố. Tuy nhiên, tìm hiểu trên thực tế, ngoài mức lãi suất nêu trên, các khách hàng vay còn phải chịu thêm nhiều phí liên quan khác như phí thẩm định hồ sơ, phí tư vấn, phí trả chậm,… Cộng tất cả các chi phí liên quan, lãi vay phổ biến thực tế có thể lên tới 30 đến 40%/năm.

"Bỏ ngỏ" khung pháp lý

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, Việt Nam có khoảng 79% số người dân không được tiếp cận với các kênh dịch vụ tài chính chính thức, dù có nhu cầu rất lớn về vay mượn. Vì vậy, mô hình công nghệ cho vay ngang hàng sẽ giúp xóa bỏ những rào cản, e ngại khi người dân muốn tiếp cận nguồn vốn nhanh để sử dụng cho những nhu cầu thiết yếu và chính đáng của mình.

Theo các chuyên gia kinh tế, cho vay ngang hàng được hiểu như một dạng kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực cho vay. Cũng giống như Uber, Grab là kết nối người có xe ô-tô rảnh rỗi với người có nhu cầu di chuyển, thì các công ty cho vay ngang hàng đã làm thay vai trò của ngân hàng, tạo ra một hệ thống mà người cho vay và người đi vay có thể trực tiếp liên lạc và thỏa thuận với nhau. Công ty sẽ chấm điểm tín dụng và thu phí kết nối.

Mô hình cho vay ngang hàng lần đầu xuất hiện ở Anh, sau đó đã thành công tại thị trường Mỹ và nhiều nước trên thế giới với những tên tuổi lớn như Lending Club, Prosper, SoFi,… Cùng với thế giới, mô hình cho vay ngang hàng tại Việt Nam cũng đang bước vào thời kỳ nở rộ. Các chuyên gia kinh tế nhận định mô hình này có nhiều lợi ích vượt trội so với các phương thức truyền thống như thời gian xét duyệt cho vay nhanh, giao dịch trực tuyến dễ dàng, lãi suất cho vay cạnh tranh,… Nhưng rào cản lớn nhất để mô hình cho vay ngang hàng phát triển là thực tế tại Việt Nam, hình thức cho vay này lại chưa được pháp luật công nhận.

Theo Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng, các quy định của pháp luật đã có từ vài năm trước, do vậy với xu hướng công nghệ như hiện nay sẽ khó có thể theo kịp hoặc phù hợp với những phát triển hiện tại. Thí dụ như dịch vụ cho vay ngang hàng, rất nhiều công ty bên ngoài đang thực hiện, nhưng về mặt pháp lý thì chưa có quy định liên quan. Bên cạnh việc chưa được cấp phép, tính pháp lý của hợp đồng giao dịch điện tử cũng vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Ðồng quan điểm, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng Phạm Xuân Hòe cũng cho rằng, cần phải nhìn nhận lại hợp đồng dân sự trên góc độ ký kết trên mạng giao dịch điện tử; những chứng từ điện tử đó có được lưu giữ trên cơ sở dữ liệu hay không;… là một khoảng trống rất lớn trong thiết kế chính sách cần phải bù đắp.

Và nhất là, theo quy định hiện hành, chỉ các tổ chức tín dụng mới được phép huy động và cho vay vốn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến thời điểm này chưa cấp phép hoạt động cho một doanh nghiệp P2P nào. Do đó, khi chưa có một khung pháp lý để điều chỉnh, thì cả người đi vay và người cho vay đều đối mặt với nhiều rủi ro khi họ không nhận được sự bảo vệ của pháp luật trong trường hợp có tranh chấp xảy ra. Từ đó, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo nên có những điều khoản rõ ràng. Phải tìm hiểu rất kỹ khi tham gia một lĩnh vực chưa có khung pháp lý điều chỉnh; tìm hiểu kỹ đâu là người cung cấp dịch vụ cho mình, trách nhiệm và nghĩa vụ của họ là gì,… Ðáng chú ý, có ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần nghiên cứu kỹ hơn "mô hình Uber" trong hoạt động cho vay và sớm ban hành các quy định pháp luật nhằm bảo đảm cho hoạt động cho vay theo mô hình P2P phát triển lành mạnh.

Các doanh nghiệp làm trung gian kết nối chỉ cần đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, không giữ tiền, không tham gia quá trình giải ngân thì không vi phạm quy định về lĩnh vực cho vay tài chính. Hoạt động này mang lại lợi ích khi tạo kết nối cho hai bên có nhu cầu gặp nhau. Tuy nhiên, trách nhiệm và rủi ro của nhà đầu tư sẽ rất lớn. Ngược lại, rủi ro cho người vay cũng có nếu như dịch vụ tăng lãi suất bất ngờ, thay đổi các điều kiện cho vay và thanh toán...

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có biện pháp để chặn các công ty P2P hoạt động tín dụng đen trá hình, song cũng không nên cấm bởi theo tôi, chúng ta cũng không thể cấm được mô hình này. Ðây là một xu thế tất yếu, là một sáng tạo của thời đại ngân hàng số. Chúng ta cần phải chấp nhận và có biện pháp quản lý để hạn chế rủi ro cho các bên tham gia.

Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực

Hồng Anh

Theo nhandan.com.vn