Cần bình ổn giá xăng dầu để phục hồi nền kinh tế

Cập nhật: 11:06 | 02/11/2021 Theo dõi KTCK trên

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới.

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu

Giá xăng dầu hôm nay 2/11/2021: Giảm mạnh

Đồng hành cùng giá xăng, giá gas tăng kỷ lục: Cuộc sống người dân 'lao đao'

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá cho biết diễn biến giá năng lượng toàn cầu ở mức cao khó lường là áp lực rất lớn cho công tác điều hành giá xăng dầu trong nước những tháng cuối năm và sẽ tạo áp lực rõ ràng cho năm 2022.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới.

Đồng thời, tính toán mức trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn giá phù hợp để tạo dư địa cho công tác điều hành giá trong dịp Tết Nguyên đán và tạo đà kiểm soát giá năm 2022.

1933-giaxang
Ảnh minh họa

Trong lần điều chỉnh giá xăng dầu gần nhất, giá xăng dầu tăng trung bình hơn 1.000 đồng/kg mặc dù Liên Bộ Công Thương - Tài chính mạnh tay chi quỹ bình ổn. Điển hình giá xăng RON RON95-III tăng gần 1.500 đồng/lít, vượt 24.000 đồng/lít. Giá xăng đã tăng lên mức 24.430 đồng/lít, đây là mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Việc này đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Thị trường xăng dầu thế giới thời gian vừa qua chịu ảnh hưởng của việc nhu cầu tăng khi các nước nới lỏng dần lệnh cấm đi lại, thiếu nguồn cung về than và khí đốt tại Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu; mức dự trữ dầu thô của Mỹ sụt giảm...

Các yếu tố trên đã tác động làm giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua.

Bình ổn giá xăng dầu để phục hồi kinh tế

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, ngoài chính sách hiện nay là quỹ bình ổn, có thể ngừng trích lập quỹ và chi sử dụng, thì công cụ để kiểm soát giá mà Nhà nước có thể tính đến là quản lý là thuế, phí. Trong bối cảnh giá tăng thì cần phải điều chỉnh giảm thuế và thuế nhập khẩu hoặc thậm chí về thuế về môi trường cũng tạm thời duy trì ở mức hợp lý, sẽ kịp thời hơn.

Theo đại biểu Cường, nhiều ngành đã chịu tác động rất lớn do dịch bệnh, giờ chịu thêm tác động kép của giá xăng dầu như giao thông vận tải, du lịch… thì cần phải ổn định giá xăng dầu để phục vụ cho phục hồi kinh tế.

"Trong bối cảnh nền kinh tế của ta hiện nay, mức chịu đựng của các doanh nghiệp khó khăn. Chúng ta đang cần phải phục hồi nền kinh tế. Nếu giá xăng dầu tăng cao, tăng nhanh thì sẽ đẩy theo chỉ số tăng giá của tất cả các ngành khác. Đặc biệt là những lĩnh vực như giao thông vận tải đang bị tác động ảnh rất nặng của xăng dầu" - đại biểu Cường nói.

Vì vậy, ông Cường cho rằng, thời điểm hiện tại, rất cần phải giữ được ổn định giá xăng dầu. Việc này sẽ rất tốt cho việc phục hồi và kiềm chế được tình trạng tăng giá của các ngành khác, giữ lạm phát.

Đồng quan điểm với đại biểu Hoàng Văn Cường, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng cho rằng, giá xăng dầu là nguyên liệu đầu nhiều ngành, nên giá tăng sẽ ảnh hưởng quá trình phục hồi kinh tế. Khi giá đầu vào tăng thì giá đầu ra cũng tăng, dẫn tới cầu sẽ giảm sẽ ảnh hưởng đến những yếu tố như tăng trưởng, phát triển kinh tế.

Theo ông Lâm, các chính sách điều hành cần đảm bảo sự minh bạch, phù hợp với thị trường và có thể "xem xét điều chỉnh chính sách thuế hợp lý công bằng là cần thiết".

"Chính phủ nỗ lực điều tiết giá xăng dầu, hiện nay còn sử dụng quỹ bình ổn giá để kiềm giá, giữ ổn định vĩ mô kiểm soát lạm phát nhưng ở mức độ nhất định thì phải tính toán, còn không loại trừ biện pháp nào" - ông Lâm cho hay.

Đại biểu Trần Văn Lâm cũng đề nghị để tạo dư địa cho phát triển, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, thì chính sách thuế phí có thể tính đến như thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, khoản phí.

Tuy nhiên, đại biểu Lâm cũng cho rằng, vấn đề này cần phải được tính toán căn cơ, bài bản lâu dài chứ không phải chạy theo biến động thị trường. Cũng bởi, nếu chính sách biến động quá nhiều, có sự thay đổi và điều chỉnh nhiều thì có thể bất lợi chung đến việc đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Điều hành cần phải tổng thể giải pháp, phải có nhiều công cụ linh hoạt để điều tiết nền kinh tế, vận dụng hài hòa từng điều kiện và bối cảnh" - đại biểu Lâm đề nghị.

Thanh Hằng