Bức tranh kinh doanh "đầy mầu xám", điều gì sẽ đến với Lilama 7 (LM7)?

Cập nhật: 13:10 | 25/03/2024 Theo dõi KTCK trên

Công ty CP Lilama 7 (UPCOM: LM7) - doanh nghiệp xây lắp tiếng tăm một thời ở Đà Nẵng và miền Trung đang lay lắt tồn tại với tình trạng thua lỗ năm này qua năm khác.

Năm 2023, LM7 ghi nhận doanh thu 26,2 tỷ đồng, giảm khoảng 8 tỷ đồng so với năm 2022. Tuy vậy, giá vốn bán hàng lại ở mức 34,6 tỷ đồng kéo lợi nhuận gộp xuống âm 8,4 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính vỏn vẹn 610 ngàn đồng nhưng chi phí cao gấp gần 15 lần, ở mức 9 tỷ đồng, gồm 100% là chi phí lãi vay. Kết năm, Lilama 7 ghi nhận khoản lỗ hơn 21 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2022.

Tình trạng lỗ chồng lỗ đã duy trì suốt nhiều năm qua tại Lilama 7. Đến hết năm 2023, số lỗ lũy kế của Công ty đã tăng lên mức 76,8 tỷ đồng. Tài sản của Công ty đang bốc hơi theo từng năm. Đến cuối 2023, tài sản ngắn hạn còn 92,8 tỷ đồng, gần như tất cả đều là hàng tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn. Tiền mặt trong ‘két’ chỉ còn hơn 147 triệu đồng.

Giải trình của Lilama 7 về tình trạng thua lỗ trong kết quả kinh doanh
Giải trình của Lilama 7 về tình trạng thua lỗ trong kết quả kinh doanh

Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả đã tăng lên 136,4 tỷ đồng và đang ngày càng phình to. Đáng chú ý tất cả các khoản nợ đều nằm trong ngắn hạn. Nếu nhìn vào chất lượng tài sản ngắn hạn như đã nêu, áp lực tài chính cho doanh nghiệp là khổng lồ. Một điểm lưu ý nữa, đó là vốn chủ sở hữu đã chính thức bốc hơi hoàn toàn, từ mức 50 tỷ đồng ban đầu xuống âm 18,7 tỷ đồng ở 31/12/2023 (đầu năm 2023 vẫn còn 2,3 tỷ đồng).

Giải trình về sự bi đát này, Lilama 7 cho biết trong năm 2023 việc làm ít, công tác nghiệm thu thu hồi vốn của các công trình chậm dẫn đến doanh thu thấp, chi phí lãi vay và các chi phí đầu vào tăng, do đó doanh thu không đủ bù đắp các chi phí cố định.

Tại báo cáo tài chính 2023 của công ty vừa công bố, đơn vị kiểm toán cũng nêu ý kiến kiểm toán ngoại trừ với 4 nội dung liên quan đến nhiều khoản hạch toán mà cơ quan kiểm toán không thể xác định, đánh giá, trong đó có những khoản mục mà số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng.

Cụ thể: 1) kiểm toán không thể thu thập được bằng chứng để khẳng định được tính chính xác của chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của LM7 tại thời điểm 1/1/2023 là 62,270 tỷ đồng và tại 31/12/2023 là 65,142 tỷ đồng; 2) Chưa thu thập được các bằng chứng kiểm toán cho 2 khoản phải thu quá hạn thanh toán là 9,231 tỷ đồng và 18,446 tỷ đồng; 3) Chưa thu thập được đầy đủ các biên bản đối chiếu, xác nhận công nợ phải hàng loạt khoản tiền mà công ty kê trong báo cáo tà chính; 4)Chưa thu thập được hồ sơ, tài liệu liên quan khoản chi phí trả trước dài hạn của Công ty.

Giải trình về 4 nội dung trên, Lilama lần lượt cho biết: 1) Do một số công trình đang thanh quyết toán với chủ đầu tư nên Công ty chưa xác định được chính xác chi phí sản xuất dở dang tại thời điểm lập báo cáo; 2) Tại thời điểm lập báo cáo Công ty chưa đánh giá khả năng thu hồi các khoản phải thu đã quá hạn thanh toán. Trong thời gian qua do tình hình khó khăn các khách hàng chưa thanh toán được các khoản công nợ phải thu;

Những tháng ngày 'ăn nên làm ra' của Lilama 7 dã qua từ lâu
Những tháng ngày 'ăn nên làm ra' của Lilama 7 đã qua từ lâu

3) Tại thời điểm 31/12/2023, Công ty đã gửi biên bản đối chiếu công nợ các khoản phải thu, phải trả cho khách hàng nhưng đến thời điểm kiểm toán Công ty chưa nhận được đầy đủ biên bản đối chiếu công nợ; 4) Về khoản chi phí trả trước dài hạn, do một số công cụ dụng cụ chi phí dài hạn, Công ty chưa đánh giá chính xác để xác định phân bổ chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ.

Lilama 7 tiền thân là Xí nghiệp Lắp máy số 7 thuộc Các xí nghiệp Lắp máy (Bộ Xây dựng), chính thức mang tên Công ty CP Lilama 7 từ năm 2007.

Cùng với tình trạng kinh doanh bết bát, những năm qua Lilama 7 luôn nằm trong danh sách chậm đóng BHXH kéo dài với số tiền chậm đóng rất lớn. BHXH Đà Nẵng cho biết, Lilama 7 thuộc nhóm các doanh nghiệp có số tiền chậm đóng lớn nhất và kéo dài, nhiều lần bị ‘réo’ tên nhưng vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ. Tính đến hết tháng 2/2024, số tiền BHXH chậm đóng của Công ty lên tới hơn 7,4 tỷ đồng. Trước đó, doanh nghiệp này cũng đã từng bị Cục Thuế Đà Nẵng cưỡng chế, trích tiền từ tài khoản do nợ quá hạn.

Trên thị trường chứng khoán, cùng chiều với kết quả kinh doanh, cổ phiếu của Lilama 7 (LM7) cũng diễn biến không mấy sáng sủa. Cụ thể, sau khi Doanh nghiệp lỗ 3 năm liên tục (2020, 2021, 2022), vào ngày 19/5/2023, 5 triệu cổ phiếu LM7 đã bị huỷ niêm yết trên sàn HNX, thuộc trường hợp hủy bỏ niêm yết bất buộc theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Đến ngày 31/5/2023, 5 triệu cổ phiếu LM7 được giao dịch trở lại trên thị trường UPCoM với giá tham chiếu 2.200 đồng/cp. So với giá tham chiếu trong ngày chào sàn UPCoM, hiện cổ phiếu của Lilama 7 đang nhích nhẹ. Chốt phiên giao dịch sáng nay 25/3/2024, cổ phiếu LM7 đang bất động tại mốc 2.400 đồng/cp cùng tình trạng tắt thanh khoản.

Kinh doanh bết bát, Lilama 7 (LM7) tiếp tục nợ BHXH hơn 2,7 tỷ đồng

Mới đây, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Đà Nẵng vừa nhắc tên Công ty CP Lilama 7 (HNX: LM7) vì nợ đóng bảo hiểm xã ...

L35 cùng LM7 chính thức nhận "án" huỷ niêm yết bắt buộc

Cả L35 và LM7 đều bị HNX hủy niêm yết do 2 doanh nghiệp này có kết quả kinh doanh thu lỗ trong 3 năm ...

Cao Thái