Brazil dự kiến chỉ sản xuất thêm 200.000 tấn đường trong niên vụ 2022-2023

Cập nhật: 15:49 | 12/08/2022 Theo dõi KTCK trên

Ngân hàng đầu tư Itau BBA cho biết: "Các nhà máy Brazil dự kiến sẽ chỉ sản xuất thêm 200.000 tấn đường trong niên vụ 2022/2023 (từ tháng 4/2022 đến tháng 3/2023) dù sản lượng mía tăng, do một phần lớn lượng mía sẽ được sử dụng để sản xuất ethanol".

Đường lậu Thái Lan ồ ạt vào thị trường Việt

Ngành mía đường sản xuất ngày càng bị co hẹp

Chính thức áp thuế với đường mía nhập khẩu từ 5 nước ASEAN vào Việt Nam

Nhóm nghiên cứu nông nghiệp của ngân hàng này dự báo sản lượng đường khu vực Trung Nam Brazil niên vụ 2022-2023 ở mức 32,2 triệu tấn so với 32 triệu tấn của mùa vụ trước. Dự báo sản lượng mía niên vụ 2022-2023 đạt 555 triệu tấn, tăng so với 523 triệu tấn trong mùa vụ trước.

Ngân hàng Itau BBA dự báo các nhà máy sẽ cắt giảm lượng mía sản xuất đường và chuyển sang gia tăng sản xuất ethanol. Họ cho thấy sản lượng ethanol khu vực Trung Nam Brazil (bao gồm cả ethanol ngô) đạt 30 tỷ lít trong mùa vụ mới, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong năm nay, các nhà máy đã phân bổ 43,5% lượng mía cho sản xuất đường, so với 45,2% của mùa trước. Ngân hàng Itau BBA cũng dự báo sản lượng ethanol làm từ ngô tăng 22% chạm mức 4,2 tỷ lít, đạt 14% tổng lượng ethanol sản xuất tại khu vực Trung Nam Brazil.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Ngành mía đường tiếp tục đối phó với đường lậu

Sau hơn một năm Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường có xuất xứ từ Thái Lan (kể từ ngày 16/6/2021), ngày 1/8, Bộ Công Thương tiếp tục áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar.

Theo đó, một số doanh nghiệp từ 5 quốc gia này sử dụngnguyên liệu đường có xuất xứ từ Thái Lan để sản xuất và xuất khẩu đường thành phẩm sang Việt Nam nhằm tránh thuế. Tổng mức thuế là 47,64%, trong đó thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%.

Việc đường nhập lậu, tránh thuế tác động xấu đến ngành mía đường của Việt Nam. Cụ thể, Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết dù ngành đường đã nâng giá mua mía cao hơn vụ trước từ 150.000-200.000 đồng/tấn và đưa giá mía tại ruộng lên mức 1.150.000 – 1.200.000 đồng/tấn mía, đảm bảo bù đắp đủ chi phí, có lãi cho người nông dân trồng mía nhưng giá bán đường của các nhà máy đường vẫn ở mức thấp, gây khó khăn cân đối giá thành sản xuất.

Từ đầu năm đến nay, giá đường bán ra của các nhà máy dao động trên dưới 18.000 – 18.400 đồng/kg đối với đường tinh luyện; 17.200-17.400 đồng/kg đối với đường vàng.

Trong khi đó, giá đường nhập lậu đang tràn ngập thị trường chỉ ở mức 16.400-16.800 đồng/kg, tức là thấp hơn giá đường vàng trong nước, khiến cho đường sản xuất khó tiêu thụ, lượng tồn kho, chi phí tài chính tăng đến mức doanh nghiệp phải bán dưới giá thành.

Do đó, mặc dù từ nửa cuối tháng 6 đến nay, thời tiết tại một số địa phương trong nước xuất hiện thời tiết nắng nóng, thông thường các năm trước là yếu tố hỗ trợ cho việc gia tăng tiêu thụ đường của các nhà máy nhưng năm nay trong bối cảnh nên kinh tế phục hồi chậm và sự hiện diện của khối lượng lớn đường nhập lậu và đường, chất ngọt nhập khẩu chính ngạch trên thị trường khiến cho đầu ra của đường sản xuất từ mía bị thu hẹp.

"Sự bế tắc đầu ra tháng thứ 5 liên tục đang đe dọa nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng mía đường và cùng với tình trạng các vật tư nông nghiệp tăng giá đã khiến cho việc phục hồi vùng nguyên liệu mía của ngành đường Việt Nam gặp nhiều trở ngại", VSSA nhấn mạnh.

Một trong những nguyên nhân khiến đường ngoại nhập tiếp tục "đè" đường nội là sau khi áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp thì đường Thái Lan lại có dấu hiệu lẩn tránh thuế bằng cách chuyển hướng sang 5 nước Asean là Lào, Campuchia, Indonesia và Myanmar trước khi vào Việt Nam

Cụ thể, theo số liệu của Bộ Công Thương tại thời điểm tháng 9/2020, tổng lượng nhập khẩu từ 5 quốc gia bị điều tra chỉ bằng 17% so với lượng nhập khẩu từ Thái Lan. Tuy nhiên, kể từ thời điểm này, lượng nhập khẩu đã gia tăng liên tục theo từng tháng, và đến tháng 8/2021, lượng nhập nhẩu từ 5 quốc gia bị điều tra đã gấp gần 10,4 lần ở mức hơn 92.100 tấn so với lượng nhập khẩu từ Thái Lan gần 9.000 tấn.

Trước tình hình này, VSSA cũng đã có đơn kêu cứu khẩn cấp lên Chính phủ với một số đề xuất ngăn chặn gian lận thương mại đường nhập lậu.

Cụ thể, Hiệp hội kiến nghị chỉ đạo lực lượng chức tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp, đại lý mặt hàng đường trong việc chấp hành các quy định về điều kiện nhập khẩu, lưu kho, vận chuyển, sản xuất, phân phối, lưu thông để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại đường nhập lậu.

Đồng thời, giám sát hoạt động thương mại phân phối đường trên thị trường, tập trung vào một số giới hạn các cơ sở kinh doanh có liên quan đến hoạt động của các đầu nậu phân phối đường lậu...

Có thể thấy, các kiến nghị này cùng với quyết định áp thuế đường nhập khẩu từ 5 nước Asean sử dụng nguyên liệu đường của Thái Lan vừa được ban hành, ngành mía đường Việt Nam kỳ vọng sẽ dần phục hồi sau thời gian chịu sức ép lớn từ đường bán phá giá, nhập lậu và gian lận thương mại.

"Việc áp thuế nhanh chóng tiến hành sẽ tạo công bằng cho các doanh nghiệp trong nước với đường né thuế và đường nhập lậu, về ngắn hạn sẽ giúp các doanh nghiệp đường tiêu thụ được sản phẩm và có lợi nhuận, về dài hạn sẽ giúp phục hồi vùng nguyên liệu mía của Việt Nam đang bị giảm sút nghiệm trọng", Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCBS) từng nhận định tại báo cáo ngành đường gần đây.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Linh Linh

Tin cũ hơn
Xem thêm