Bản tin tài chính ngân hàng ngày 19/9: Cảnh báo thủ đoạn rửa tiền quốc tế tinh vi nhất hiện nay

Cập nhật: 09:37 | 19/09/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN – Bản tin tài chính ngân hàng ngày 19/9/2019 do Thời báo Chứng khoán Việt Nam cập nhật có những tin chính như sau: Ba phiên liên tiếp, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 42 nghìn tỷ đồng, ngân hàng Eximbank: Dấu ấn mới trong năm 2019, Fitch nói gì về triển vọng ngành ngân hàng châu Á - Thái Bình Dương trong báo cáo mới nhất?,….

ban tin tai chinh ngan hang ngay 199 canh bao thu doan rua tien quoc te tinh vi nhat hien nay

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 18/9: Cảnh báo cho vay bằng cầm cố sổ tiết kiệm

ban tin tai chinh ngan hang ngay 199 canh bao thu doan rua tien quoc te tinh vi nhat hien nay

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 17/9: Dự trữ ngoại hối ước đạt 70 tỉ USD giúp ổn định tỷ giá

ban tin tai chinh ngan hang ngay 199 canh bao thu doan rua tien quoc te tinh vi nhat hien nay

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 12/9: Triển khai thu phí không dùng tiền mặt tại TP.HCM

6 thủ đoạn rửa tiền quốc tế tinh vi nhất hiện nay

Nạn rửa tiền đang là vấn đề nhức nhối của nhiều ngân hàng lớn trên toàn thế giới khi thủ đoạn của giới tội phạm ngày càng tinh vi.

Hầu hết các quốc gia và tất cả các ngân hàng lớn trên thế giới đều có các biện pháp kiểm soát hoặc nhận diện những khoản tiền đáng ngờ đi vào hệ thống tài chính nhưng theo hàng loạt các tiết lộ và thăm dò gần đây, tội phạm rửa tiền ngày càng nghĩ ra những thủ đoạn mới để thực hiện hành vi phạm pháp này, theo Bloomberg.

Hiện nay, thủ đoạn đăng kí một công ty ma chỉ tồn tại trên giấy và không có hoạt động kinh doanh được xem là cách thức dễ dàng và rẻ tiền nhất để thực hiện hành vi rửa tiền mà không vướng phải sự nghi ngờ của chính quyền.

Đây chính là chìa khóa của giai đoạn phân mảnh số tiền lớn của các hoạt động rửa tiền quy mô lớn. Trong đó, các quĩ chứa tiền được xáo trộn nhiều lần để khiến cơ quan điều tra khó theo dõi hơn.

Tội phạm rửa tiền có thể đưa dòng tài sản sang nước ngoài bằng cách tham gia các giao dịch hàng hóa quốc tế hợp pháp và tăng giá trị hóa đơn để giấu mục đích thực sự.

Hoạt động rửa tiền dựa trên giao dịch thương mại này là phần quan trọng trong chương trình Troika Laundromat. Trong đó, các hóa đơn giả thường nằm trong ngành hàng buôn bán thực phẩm, kim loại hoặc linh kiện xe hơi.

ban tin tai chinh ngan hang ngay 199 canh bao thu doan rua tien quoc te tinh vi nhat hien nay
Ảnh minh họa

Công ty Tài chính Toyota Việt Nam tăng vốn điều lệ lên 700 tỉ đồng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Quyết định sửa đổi nội dung mức vốn điều lệ ghi tại Giấy phép của Công ty Tài chính Toyota Việt Nam.

Theo Quyết định sửa đổi của Thống đốc ngày 9/9/2019, Công ty TNHH MTV Tài chính Toyota Việt Nam có vốn điều lệ 700 tỉ đồng.

Quyết định mới thay thế Quyết định số 1638/QĐ-NHNN ngày 5/7/2010 của Thống đốc NHNN chấp thuận việc tăng vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Tài chính Toyota Việt Nam từ 300 tỉ đồng lên 500 tỉ đồng.

Mục tiêu kinh doanh TFSVN là cung cấp các sản phẩm tài chính cho người mua xe Toyota và Đại lý ủy quyền của Toyota. Đây là công ty tài chính thứ 33 trong số 35 công ty tài chính trên thế giới của TFSC.

Tập Đoàn Dịch Vụ Tài Chính Toyota (TFSC) có 100% vốn của Công ty ô tô Toyota Nhật Bản (TMC), hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ và sản phẩm tài chính cho người mua xe Toyota tại Nhật Bản và trên toàn thế giới. Hiện nay, hệ thống toàn cầu của TFSC bao phủ 35 lãnh thổ và khu vực (Việt Nam là nước thứ 33).

Ba phiên liên tiếp, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 42 nghìn tỷ đồng

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu lượng lớn tín phiếu hút bớt tiền về.

Số lượng thành viên tham gia và trúng thầu cũng tăng lên 13 so với con số 11 thành viên trong phiên ngày hôm qua, với khối lượng trúng thầu lên tới 14.999 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày. Lãi suất tín phiếu vẫn ở mức 2,5%/năm.

Đây là phiên thứ ba liên tiếp Nhà điều hành phát hành tín phiếu hút tiền về với tổng khối lượng hút ròng lên tới gần 42.000 tỷ đồng (trước đó trong phiên ngày 16/9 hút ròng 12.000 tỷ đồng và phiên 17/9 là 14.999 tỷ đồng).

Hoạt động hút ròng nói trên cho thấy nguồn vốn VND và thanh khoản hệ thống có biểu hiện dư thừa ngắn hạn; mặt khác cũng gián tiếp phản ánh khả năng Ngân hàng Nhà nước vừa trở lại mua vào lượng lớn ngoại tệ để gia tăng dư trữ ngoại hối quốc gia.

Trước đó, trong phiên hôm qua, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tiếp tục giảm mạnh 0,11 - 0,15 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên đầu tuần. Trong đó, giao dịch qua đêm tại 2,54%; 1 tuần là 2,68%; 2 tuần là 2,94% và 1 tháng là 3,36%/năm.

Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng nhẹ 0,01 – 0,03 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn; giao dịch qua đêm tại 2,31%; 1 tuần là 2,39%; 2 tuần là 2,49%, 1 tháng là 2,61%/năm.

Ngân hàng Eximbank: Dấu ấn mới trong năm 2019

Trong 6 tháng đầu năm, kết quả hoạt động kinh doanh của Eximbank tăng trưởng ổn định và tích cực, trong đó lợi nhuận trước thuế đạt gần 763 tỷ đồng, huy động vốn đạt 129.258 tỷ đồng – tăng 8,9% so với đầu năm.

So với số liệu cùng kỳ năm 2018, nếu loại trừ ảnh hưởng của khoản thu nhập bất thường từ việc bán hết số cổ phần đầu tư vào một tổ chức tín dụng khác, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng cao với mức tăng tuyệt đối là 362 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018 (tỷ lệ tăng 90%). Ngoài chỉ tiêu thu nhập lãi thuần, các khoản thu nhập khác như: thu từ hoạt động dịch vụ, thu từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, thu từ mua bán chứng khoán đầu tư đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, vốn là thế mạnh của Eximbank, trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 154,8 tỷ đồng, tăng 23,64% so với cùng kỳ năm ngoái. Tín dụng tuy không tăng mạnh (dư nợ tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái) nhưng có nhiều nỗ lực cải thiện chỉ số NIM thông qua việc tái cơ cấu danh mục cho vay với việc tập trung vào phát triển các sản phẩm hướng tới nhu cầu tiêu dùng và doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên hiệu quả hoạt động năm 2019 so với năm 2018 có sự thay đổi về cơ cấu thu nhập. Ngân hàng tiếp tục duy trì và cải thiện chất lượng tín dụng thể hiện ở việc kiểm soát tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ ở mức thấp, cụ thể tính đến 30/06/2019 tỷ lệ này là 1,77% (cuối năm 2018 là 1,84%).

Các mảng hoạt động dịch vụ có sự tăng trưởng tốt về số lượng giao dịch và đặc biệt là Ngân hàng triển khai mạnh mẽ các sản phẩm theo gói (combo) với mức phí ưu đãi để tăng tiện ích và tăng số lượng sản phẩm trên mỗi khách hàng khi giao dịch tại Eximbank như: Combo hoán đổi ngoại tệ, Combo 5 trong 1 tài khoản doanh nghiệp, Combo tiết kiệm du học, v.v… Đồng thời, doanh thu về mảng Bancassurance tăng ấn tượng 162% so với cùng kỳ năm 2018 đã thể hiện sự cải thiện đáng khích lệ.

Giảm lãi suất điều hành: Ngân hàng nào hưởng lợi?

Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định giảm 0,25 điểm phần trăm các loại lãi suất điều hành.

Theo đó, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm.

Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước giảm cả lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.

Tính đến thời điểm kết thúc quý II/2019, nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đang là những ngân hàng có nợ Ngân hàng Nhà nước cao nhất hệ thống.

Trong đó, BIDV đứng đầu nhóm khảo sát với số dư lên tới hơn 10 nghìn tỷ đồng. Vietcombank đứng thứ hai với 5,7 nghìn tỷ đồng và VietinBank xếp thứ ba với hơn 3 nghìn tỷ đồng nợ Ngân hàng Nhà nước.

Theo sau đó là nhóm ngân hàng thương mại cổ phần bao gồm HDBank (gần 2,2 nghìn tỷ đồng), TPBank (1,6 nghìn tỷ đồng), Techcombank (hơn 1 nghìn tỷ đồng)…

Ngoài ra, những ngân hàng trong diện tái cơ cấu cũng là những thành viên được hưởng lợi từ quyết định này. Mặc dù không công bố các thông tin tài chính, nhưng vay nợ từ Ngân hàng Nhà nước của các thành viên này có thể rất đáng kể.

Fitch nói gì về triển vọng ngành ngân hàng châu Á - Thái Bình Dương trong báo cáo mới nhất?

Các ngân hàng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang đương đầu với ngày một nhiều rủi ro liên quan đến lĩnh vực bất động sản, theo nhận định được cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch đưa ra trong báo cáo công bố gần đây.

Fitch tin rằng, giám sát về thể chế cũng như chính sách vĩ mô thận trọng sẽ giúp kiềm chế tác động trực tiếp từ sự suy giảm của ngành bất động sản lên các ngân hàng, đặc biệt tại các thị trường phát triển nơi mà các quy định ngăn ngừa thiệt hại tài chính chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ và chính sách kinh tế điều chỉnh có thể khiến cho tình trạng vay nợ tệ hơn.

Fitch tin rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ vẫn tập trung vào những biện pháp giúp củng cố cho sự ổn định và ngăn ngừa rủi ro thị trường bất động sản tăng trưởng nóng dù rằng gần đây giới chức Australia, New Zealand và Đài Loan cũng đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế. Fitch cho rằng Hồng Kông Singapore và Hàn Quốc sẽ vẫn giữ quan điểm thắt chặt trong chính sách.

Nhìn chung, ngành ngân hàng của các nền kinh tế phát triển khu vực châu Á có nhiều mối liên quan đến lĩnh vực bất động sản và nợ tiêu dùng cao hơn các nước mới nổi. Australia và New Zealand là hai trường hợp nổi bật nhất, tỷ lệ nợ tiêu dùng/GDP ở mức 129% và 94%.

Các ngân hàng Việt Nam dường như dễ chịu tác động trong bối cảnh tín dụng tiêu dùng tăng trưởng nhanh và nhiều vấn đề nợ xấu còn tồn tại từ trước đó và tiềm lực tài chính còn hạn chế. Tuy nhiên, sự đi xuống của ngành bất động sản khó xảy ra bởi triển vọng kinh tế Việt Nam sáng sủa.

Thu Hoài