Bản tin tài chính ngân hàng ngày 16/11: Dịch vụ tài chính tiêu dùng ngày càng phát triển

Cập nhật: 09:46 | 16/11/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Bản tin tài chính ngân hàng ngày 16/11/2019 do Thời báo Chứng khoán Việt Nam cập nhật có những nội dung chính sau đây: Lãi trước thuế ABBank đạt 925 tỉ đồng sau 10 tháng, tổng tài sản vượt 92.000 tỉ đồng, Phó Tổng Giám đốc Techcombank muốn bán ra cổ phiếu TCB,…

ban tin tai chinh ngan hang ngay 1611 dich vu tai chinh tieu dung ngay cang phat trien

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 14/11: Toàn cảnh nợ xấu nội bảng của các ngân hàng

ban tin tai chinh ngan hang ngay 1611 dich vu tai chinh tieu dung ngay cang phat trien

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 13/11: NHNN bơm ròng 6.000 tỷ đồng ra thị trường

ban tin tai chinh ngan hang ngay 1611 dich vu tai chinh tieu dung ngay cang phat trien

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 12/11: Vì sao nhiều NH gia tăng tỷ trọng cho vay trung và dài hạn?

Trong tháng 10, cùng với Fed đã có 20 NHTW tuyên bố giảm lãi suất

Theo báo cáo thị trường tiền tệ của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research), trong tháng 10, cùng với Fed đã có 20 ngân hàng trung ương khác cũng tuyên bố giảm lãi suất, trong đó hầu hết là lần giảm thứ ba.

Không chỉ nới lỏng tiền tệ, một số quốc gia Châu Á như Ấn Độ, Indonesia còn thực hiện nới lỏng tài khóa thông qua giảm thuế để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chỉ số đo lường mức rủi ro của thị trường toàn cầu giảm thấp cho thấy tâm lí lạc quan đang lan rộng.

Trong tháng, hầu như tất cả các đồng tiền đều hồi phục mạnh so với đồng USD, ấn tượng nhất chính là bảng Anh (GBP). Đồng tiền này đã tăng giá tới 5,3% so với USD chỉ trong tháng 10, bù đắp lại toàn bộ phần mất giá từ đầu năm đến nay, chốt tháng ở mức 1,2942 USD/GBP, cao hơn so với cuối 2018 tới 1,4%.

Thỏa thuận Brexit giữa Chính phủ Anh và EU vào ngày 18/10 đã khiến tỷ giá GBP/USD bật tăng mạnh. Tuy sau đó có điều chỉnh giảm do Quốc hội Anh lại bác bỏ nhưng vẫn giữ ở mức cao do nguy cơ Brexit không thỏa thuận được đẩy lùi đến 31/1/2020 và khả năng cao sẽ có thỏa thuận song phương Anh – Mỹ hậu Brexit.

Trong tháng, EUR cũng tăng giá 2,31% so với USD tuy nhiên tỷ giá EUR/USD vẫn ở mức thấp hơn 2,76% so với cuối 2018, khu vực kinh tế này chưa có dấu hiệu cải thiện, chỉ số PMI tháng 10 vẫn ở mức rất thấp (45,9).

ban tin tai chinh ngan hang ngay 1611 dich vu tai chinh tieu dung ngay cang phat trien
Ảnh minh họa

Phó Tổng Giám đốc Techcombank muốn bán ra cổ phiếu TCB

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã:TCB) thông báo về giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ ông Phan Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng.

Theo đó, ông Sơn đăng kí bán 400.000 cổ phiếu trong tổng số 2.331.873 cổ phiếu đang sở hữu nhằm phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân. Giao dịch dự kiến thực hiện theo hình thức khớp lệnh trên sàn từ ngày 21/11 đến 23/12/2019.

Đóng cửa ngày giao dịch 15/11, thị giá cổ phiếu TCB dừng ở mức 24.900 đồng/cp. Ước tính theo mức giá này, ông Sơn có thể thu về gần 10 tỉ đồng nếu giao dịch thành công.

Giao dịch cổ phiếu của Phó Tổng Giám đốc Phan Thanh Sơn diễn ra trong bối cảnh thị giá cổ phiếu TCB liên tục tăng trong 3 tháng trở lại đây. Tính từ mức đáy gần nhất được tạo lập vào ngày 7/8, giá TCB đã tăng tổng cộng 24%.

Dịch vụ tài chính theo nhu cầu khách hàng sẽ lên ngôi

Nhiều ngân hàng trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng trong một vài năm trở lại đây đã đầu tư nguồn lực vào ngân hàng số nhằm tận dụng công nghệ sáng tạo vào phục vụ khách hàng và tạo ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng của cả khối khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Trong thời đại mới, ngày càng nhiều khách hàng muốn ngân hàng hiểu họ, giao tiếp và lắng nghe họ và cung cấp các giải pháp tài chính được tạo ra cho nhu cầu cá nhân của họ hơn.

Đáp lại nhu cầu đó, các ngân hàng đã đổ nhiều tiền vào dữ liệu lớn (big data), trí thông minh nhân tạo (AI), hay phân tích dự đoán nhằm giúp họ đưa ra được thông tin chính xác nhất về nhu cầu của mỗi người sử dụng, qua đó cung cấp sản phẩm theo nhu cầu thực tế (on-demand services).

Tại Việt Nam, có những ngân hàng nội đã đi trước đón đầu xu thế, như VPBank, Techcombank, hay TPBank đã lấy khách hàng làm trung tâm để cung cấp dịch vụ ngân hàng một cách thông minh và hữu ích nhất có thể, tiến tới hình thành một mối quan hệ khăng khít hơn với khách hàng, hiểu từng khách hàng ở cấp độ cá nhân.

Các công ty tài chính tiêu dùng cũng không nằm ngoài cuộc khi một số như FE Credit còn tiến tới một chiến lược tương lai muốn đưa các sản phẩm cho vay tiêu dùng tới tận tay người đi vay mọi lúc mọi nơi họ cần, thay vì để họ tự tìm đến với mình như trước đây. Họ gọi đó là “on-demand service”.

Xu hướng cá nhân hóa này được một lần nữa khẳng định trọng môt báo cáo có tựa Ngân hàng trong tương lai - Tài chính trong kỷ nguyên số (The Future of Banking, Finance in the Digital Age) do giáo sư Markos Zachariadis thực hiện cho Tập đoàn HSBC.

Đối với vấn đề quản lý các rủi ro phát sinh từ công nghệ, bao gồm tội phạm mạng, các ngân hàng cần thực hiện thêm nhiều bước để chuẩn hóa công nghệ AI, cách thu thập, trình bày và giải thích thông tin cho người tiêu dùng. Tuy nhiên điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp quốc tế trên diện rộng hơn để thực sự tận dụng những công nghệ mới – những công nghệ tiên tiến vốn không có biên giới nhằm tránh sự khác biết về luật pháp.

Lãi trước thuế ABBank đạt 925 tỉ đồng sau 10 tháng, tổng tài sản vượt 92.000 tỉ đồng

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vừa cập nhập kết quả kinh doanh 10 tháng đầu 2019, tính đến hết 31/10, lợi nhuận trước thuế đạt 925 tỉ đồng.

Tổng tài sản đạt 92.072 tỉ đồng trong đó cho vay khách hàng đạt 53.611 tỉ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm; Huy động từ khách hàng 72.991 tỉ đồng, tăng 12,2%. Tỉ lệ nợ xấu ở mức 1,99%.

Khách hàng mới phát sinh giao dịch tại ABBank tính đến hết 31/10/2019 đạt 87.500 khách hàng.

Bên cạnh đó, từ tháng 10, ABBank đã ban hành và bắt đầu áp dụng bộ nhận diện thương hiệu mới lần lượt trên hệ thống biển hiệu và mặt tiền các điểm giao dịch.

Dự kiến đến hết năm 2019, ngân hàng sẽ thực hiện chuyển đổi cho 63 điểm giao dịch, và hoàn thành chuyển đổi nhận diện thương hiệu cho toàn bộ 165 điểm giao dịch vào năm 2021.

Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ABBank đạt 889 tỉ, tăng 25,6% so với cùng kì. Lợi nhuận ròng đạt 773 tỉ, tăng 33%.

Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản của ABBank đạt 91.244 tỉ đồng, tăng nhẹ 1,4% so với hồi đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng giảm 27 tỉ xuống mức 52.157 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 1,3% đạt 63.057 tỉ đồng.

Chính phủ đề xuất 'cấm cửa' kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Chính phủ vừa đề nghị đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đề nghị có qui định xử lí. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng không nên cấm mà cần quản chặt, vì đó là nhu cầu thực tế của cuộc sống.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đề nghị đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đề nghị có quy định xử lý chuyển tiếp đối với các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ hiện nay (Theo quy định của Luật Đầu tư 2014, ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện), làm rõ tác động và phương án xử lý đối với các doanh nghiệp này trong dự thảo Luật.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, thời gian qua do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động này nên đã nảy sinh một số trường hợp biến tướng, lạm dụng, có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân.

“Đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này” - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Dự thảo Luật tiếp tục cấm đầu tư kinh doanh các chất ma túy và tiền chất; các hóa chất, khoáng vật và động, thực vật hoang dã bị cấm theo các công ước quốc tế, nhưng bãi bỏ các Phụ lục 1, 2 và 3 của Luật Đầu tư và giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với thực tiễn thay đổi nhanh chóng của các sản phẩm này cũng như yêu cầu quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tờ trình dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) của Chính phủ cũng đã bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.

Dự thảo Luật cũng thu hẹp phạm vi dự án phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo hướng loại bỏ dự án sản xuất thuốc lá; phân cấp cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án sân golf...

Đại gia thanh toán nước ngoài nhòm ngó, nở rộ hình thức mới trong thanh toán xuyên biên giới

Thời gian gần đây, các ngân hàng Việt liên tục bắt tay với đối tác ngoại để trình làng các hình thức chuyển tiền quốc tế mới, như chuyển tiền bằng công nghệ blockchain, QR code, thẻ nội địa, thẻ ảo...

Điển hình như ngân hàng TPBank, BIDV, LienVietPostBank,….

Sự phát triển của các ứng dụng thanh toán điện tử xuyên quốc gia khiến ngân hàng không còn là chủ thể duy nhất của sân chơi này, mà ngày càng có sự thâm nhập mạnh mẽ của các fintech. Tại châu Á, thị phần chuyển tiền quốc tế của các ngân hàng đang bị đe dọa khi ngày càng nhiều fintech đình đám nhăm nhe nhảy vào lĩnh vực này, như TransferWise, InstaReM, Remitly...

Chưa kể, các doanh nghiệp thương mại điện tử như Paypal hoặc các mô hình thanh toán của các mạng xã hội như Facebook, Google... cũng là mối đe dọa mới của ngân hàng. Trong cuộc cạnh tranh này, ngân hàng ngày càng có nhu cầu bắt tay với các đối tác để không bỏ lỡ cơ hội.

Được biết, hiện tại, rất nhiều ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ, cung ứng trung gian thanh toán gửi đề nghị lên NHNN, đề xuất hợp tác thanh toán với AliPay, Wechatpay, Unionpays, Nonghyup Bank... nhằm phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Trên thực tế, việc chưa có cơ sở pháp lý không chỉ khiến các ngân hàng, fintech chậm nắm bắt cơ hội, mà việc chậm đưa ra hành lang pháp lý còn khiến cơ quan quản lý nhà nước chậm nắm bắt thông tin về các giao dịch, kiểm soát nguy cơ rửa tiền, trốn thuế... Hiện nay, một số công ty nước ngoài cung ứng các dịch vụ liên quan đến hoạt động thanh toán tại Việt Nam, nhưng chưa chịu sự điều chỉnh tương ứng của pháp luật Việt Nam.

Chính vì vậy, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động thanh toán xuyên biên giới là đòi hỏi cấp thiết, nhằm phục vụ nhu cầu đẩy mạnh hợp tác các mô hình dịch vụ thanh toán xuyên biên giới giữa ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hỗ trợ kết nối cho ngân hàng với các tổ chức thanh toán quốc tế.

Thu Hoài

Tin cũ hơn
Xem thêm