Bản tin tài chính ngân hàng ngày 15/9: TPBank tiếp tục điều chỉnh phương án tăng vốn

Cập nhật: 08:00 | 15/09/2020 Theo dõi KTCK trên

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 15/9/2020 do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam cập nhật có những nội dung chính sau: TPBank tiếp tục điều chỉnh phương án tăng vốn; Hơn tỷ cổ phiếu ngân hàng được bổ sung vào thị trường...

3134-1422
Bản tin tài chính ngân hàng ngày 15/9

TPBank tiếp tục điều chỉnh phương án tăng vốn

Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - Mã: TPB) vừa quyết định thông qua chủ trương lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ năm 2020.

Theo đó, 5/10 là ngày đăng kí cuối cùng để lập danh sách cổ đông lấy ý kiến. Thời gian lấy ý kiến từ ngày 9/10 đến ngày 20/10/2020. Ngân hàng hiện chưa công bố chi tiết phương án tăng vốn dự kiến điều chỉnh.

Đây là lần thứ hai TPBank xin ý kiến cổ đông để điều chỉnh phương án tăng vốn chỉ trong vòng hơn 2 tháng qua.

Trước đó, vào đầu tháng 7, ngân hàng này cũng thực hiện xin ý kiến cổ đông bằng văn bản và được chấp thuận điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 10.792 tỷ đồng thay vì mức 10.199 tỷ đồng đã được đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 thông qua.

Tỷ cổ phiếu ngân hàng được bổ sung vào thị trường

ACB, HDBank, Bac A Bank và SeABank thông báo phát hành tổng cộng hơn 1 tỷ cổ phiếu để chia cổ tức, chào bán riêng lẻ và thưởng cho cổ đông. Nhóm "ông lớn" Nhà nước và nhiều ngân hàng khác cũng dự kiến phát hành hàng trăm triệu cổ phiếu trong những tháng cuối năm.

Về phía cơ quan điều hành, tăng vốn cho các tổ chức tín dụng (TCTD) là một vấn đề được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rất chú trọng, đặc biệt là trong bối cảnh hệ thống ngân hàng có trách nhiệm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đối phó với tác động của dịch bệnh.

Trong công văn mới đây gửi các đơn vị thuộc NHNN và các tổ chức tín dụng, Thống đốc NHNN yêu cầu khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các thủ tục tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước. Đồng thời, tiếp tục xử lí vấn đề tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng VietinBank, Vietcombank,… thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Tiền gửi vào ngân hàng có dấu hiệu chững lại

Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến hết tháng 7/2020, tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đạt 5,08 triệu tỷ đồng, tăng 5,2% so với cuối 2019 và chỉ nhích nhẹ so với mức 5,07 triệu tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6.

Tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt 4,13 triệu tỷ đồng, tăng 4,4% so với cuối 2019 và tăng 4.000 tỷ đồng so với mức ghi nhận cuối tháng 6.

Như vậy, so với hai tháng trước, tăng trưởng tiền gửi của cả khách hàng dân cư và tổ chức kinh tế đều cho thấy sự chậm lại.

Trước đó, vào tháng 5 và tháng 6, lượng tiền gửi của dân cư đã tăng thêm lần lượt gần 31.000 tỷ đồng (tương đương 0,6%) và 53.000 tỷ đồng (tương đương 1%). Trong khi, tiền gửi của các tổ chức kinh tế ghi nhận mức tăng lần lượt gần 167.000 tỷ đồng (tương đương 4,3%) và 161.000 tỷ đồng (tương đương 4%).

Vụ sáp nhập của hai hãng bảo hiểm Singapore sẽ tạo ra 'tân vương' mới ở Đông Nam Á

Công ty bảo hiểm nội địa Singapore Life (Singlife) dự định sáp nhập với hãng bảo hiểm Aviva Singapore trong một thỏa thuận trị giá 3,2 tỷ SGD (2,3 tỷ USD), qua đó tạo nên một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực bảo hiểm Đông Nam Á và lớn nhất ở Singapore.

Trong một tuyên bố được đưa ra vào cuối tuần qua, Singlife cho biết thỏa thuận này sẽ mang lại các giải pháp bảo vệ và tiết kiệm di động cho 1,5 triệu khách hàng quan trọng của Aviva, đồng thời cung cấp cho khách hàng hiện tại của Singlife thêm nhiều sản phẩm lựa chọn cũng như khả năng tư vấn sâu hơn.

Việc sáp nhập các pháp nhân Singlife và Aviva Singapore dự kiến sẽ diễn ra trong nửa đầu năm sau, tùy thuộc vào sự chấp thuận của tòa án Singapore. Cho đến khi hoàn tất việc sáp nhập, Singlife và Aviva Singapore sẽ vẫn tiếp tục hoạt động độc lập.

Nguyên giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai bị bắt

Ngày 14/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Trần Quốc Tuấn (sinh năm 1961), nguyên Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai để điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, theo Điều 356, Bộ Luật hình sự.

Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam nêu trên đã được Viện kiểm sát Nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

Ông Trần Quốc Tuấn bị bắt là do có liên quan đến sai phạm tại một số quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, thời điểm giữ chức vụ Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai.

Bị tước quyền tự quyết room ngoại: Ngân hàng trước nguy cơ thiệt nghìn tỷ

Mất quyền tự quyết về room vốn ngoại khiến ngân hàng có nguy cơ phải bán cổ phần ở thời điểm giá rẻ nhất. Với ...

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 14/9: Vietcombank tiếp tục phát mại nhiều nhà xưởng

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 14/9/2020 do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam cập nhật có những nội dung ...

Lãi suất ngân hàng nào cao nhất tháng 9/2020?

Bước sang tháng 9, các ngân hàng đều có những điều chỉnh tăng giảm khác nhau tại tùy từng kì hạn gửi. Trong đó, mức ...

Lưu Lâm t/h

Tin liên quan