Bản tin bất động sản ngày 14/8/2020

Cập nhật: 17:34 | 14/08/2020 Theo dõi KTCK trên

Bộ Xây dựng báo cáo phương án xử lý 3 lô đất của VICEM; Thanh tra TP.HCM chuyển cơ quan điều tra vụ chuyển nhượng nhà, đất tại Tổng Công ty Liksin;... là những tin tức bất động sản đáng chú trong ngày 14/8.

Bộ Xây dựng báo cáo phương án xử lý 3 lô đất của VICEM

Bộ Xây dựng cho biết hiện đang tiếp tục thực hiện cổ phần hóa (CPH) 2 đơn vị là Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) và Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD).

Khó khăn hiện nay nằm ở khâu đánh giá, định giá tài sản giá trị quyền sử dụng đất, lợi thế quyền thuê đất, dự án hình thành trong tương lai gắn liền với đất thuê. Điều này dẫn đến phát sinh nhiều phức tạp liên quan chủ yếu đến sắp xếp, xử lý cơ sở nhà, đất đối với tài sản công, xác định phương án sử dụng đất cũng như giá đất.

2234-dy-an15
Ảnh minh họa

Tại báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng đề cập cụ thể về các phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất do VICEM đề xuất. Theo đó, đối với lô đất 10E6 Phạm Hùng, VICEM muốn bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Dự án khu tổng hợp Vĩnh Tuy tại ngõ 122 Vĩnh Tuy, VICEM muốn tiếp tục được quản lý, sử dụng. Dự án tại Đông Hồi (Nghệ An), VICEM muốn chuyển nhượng dự án cho VICEM Hoàng Mai. Các đề xuất của VICEM được Bộ Xây dựng thống nhất về cơ bản và đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, cho ý kiến đối với phương án xử lý, sắp xếp lại nhà đất tại khu đất này.

Theo Bộ Xây dựng, nếu phương án sắp xếp điều chỉnh đối với 2 cơ sở nhà đất ở Phạm Hùng và Đông Hồi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt với hình thức bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án như đề xuất thì VICEM phải có trách nhiệm triển khai thực hiện theo đúng phương án được duyệt, tuân thủ các quy định pháp luật, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, không làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Thanh tra TP.HCM chuyển cơ quan điều tra vụ chuyển nhượng nhà, đất tại Tổng Công ty Liksin

Theo đó, năm 2019, Thanh tra TP.HCM đã có kết luận Tổng công ty Liksin (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) có nhiều sai phạm trong việc chuyển nhượng đất, tài sản trên đất gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Trong đó, có việc chuyển nhượng nhà, đất số 51-53 đường An Dương Vương (Q.5) và khu đất số 7-7A Khu công nghiệp Tân Tạo.

Khu đất số 51-53 đường An Dương Vương có diện tích đất hơn 2.417m2, diện tích sàn sử dụng gần 5.000m2 có quyết định cho bán để thu hồi vốn. Năm 2007, UBND TP. HCM đã phê duyệt giá bán cho Tổng công ty Liksin là hơn 272 tỷ đồng. Đến năm 2009, khi hợp tác với Công ty cổ phần đầu tư An Đông kinh doanh dự án, Tổng công ty Liksin thẩm định giá nhà đất trên hơn 380 tỷ đồng.

Kết luận thanh tra chỉ ra nhà đất trên có giá trị lợi thế vị trí địa lý và thương mại (nằm ngay trung tâm quận 5, tiếp giáp mặt tiền đường lớn, gần chợ An Đông). Dù giá trị thương mại của khu đất cao, nhưng Hội đồng thẩm định giá (Sở Tài chính TP. HCM) định giá như trên là không hợp lý về mặt định giá và không hợp lý về thời điểm khi so với giá của UBND TP và của Tổng công ty Liksin trước đó.

Quy định mới về lãi suất cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội

Theo quyết định mới nhất của Thủ tướng Chính phủ, lãi suất cho vay ưu đãi mua nhà ở tại Ngân hàng Chính sách xã hội được ấn định mức 4,8%/năm trong năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định về mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định 100/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Theo đó, mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ trong năm 2020 để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là 4,8%/năm.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành 13/8/2020.

Những ‘điểm trừ’ của bất động sản công nghiệp Việt Nam

Dù các báo cáo thị trường cho thấy bất động sản công nghiệp hoạt động hiệu quả trong thời gian gần đây, bằng chứng là khả năng lấp đầy cao, giá thuê liên tục tăng mạnh, từ góc nhìn vĩ mô, các chuyên gia cho rằng thị trường này vẫn tồn tại những “điểm trừ” nhất định.

GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, cho rằng chất lượng quản lý khu công nghiệp ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, thậm chí có thể nói là còn "bao cấp". Ông lập luận thủ tục hành chính quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vẫn còn nặng nề khi có quá nhiều bước, nhiều khâu. Dù đã nằm trong quy hoạch nhưng khi muốn thành lập khu công nghiệp hay cụm công nghiệp, chủ đầu tư vẫn phải trình Chính phủ, trình địa phương phê duyệt chủ trương, phê duyệt quy hoạch.

Điểm trừ thứ 2, theo ông Võ, là chưa huy động được các nhà đầu tư thứ cấp tham gia vào đầu tư hạ tầng khu công nghiệp ngay từ đầu.

“Khi đầu tư khu công nghiệp, duy nhất chủ đầu tư phát triển dự án tham gia xây dựng hạ tầng, điều này có thể làm cho tiến độ bị chậm, việc đầu tư cũng khó khăn hơn. Nếu tạo được cơ chế, chính sách để động viên vốn từ các nhà đầu tư thứ cấp như bất động sản du lịch thì thị trường bất động sản công nghiệp sẽ có nhiều cơ hội hơn”, ông Võ nói.

Bản tin bất động sản ngày 12/8/2020

Thanh tra TPHCM kiến nghị xử lý tình trạng 'xẻ thịt' đất công viên; Bộ Tài nguyên & Môi trường vào cuộc vụ bức tử ...

Bản tin bất động sản ngày 11/8/2020

Xu hướng đầu tư mới của giới nhà giàu Hà Nội; Khánh Hòa: Nhiều dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ, người mua ...

Bản tin bất động sản ngày 10/8/2020

Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường kiểm soát trật tự xây dựng chung cư mini; Hải Phòng thúc tiến độ bàn giao nhà tại ...

Diệp Quỳnh

Tin liên quan