Agriseco: Đầu tư công 2023 và những cơ hội trên thị trường chứng khoán

Cập nhật: 08:04 | 01/03/2023 Theo dõi KTCK trên

Theo CTCP Chứng khoán Agribank (Agriseco), việc tập trung đẩy mạnh đầu tư công kỳ vọng sẽ tạo ra các tác động lan tỏa đến nhiều nhóm ngành như vật liệu xây dựng, xây dựng, bất động sản dân cư, bất động sản khu công nghiệp và logistics. Đầu tư công được coi là động lực tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các đầu kéo tiêu dùng, xuất khẩu chịu ảnh hưởng do áp lực lạm phát, tỷ giá tăng và kinh tế toàn cầu biến động.

Tình hình giải ngân đầu tư công năm 2022

Tỷ lệ giải ngân thấp: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt 75,1% so với kế hoạch Thủ tướng giao và đạt 67% kế hoạch vốn được giao so với năm 2021 (83,2%). Mức độ hoàn thành kế hoạch thấp hơn năm 2021 mặc dù tổng giá trị trong năm đạt 436 nghìn tỷ đồng, cao hơn 52 nghìn tỷ đồng. Các dự án được giải ngân chủ yếu là các dự án giao thông chuyển tiếp giai đoạn trước. Các dự án giai đoạn 2021 – 2025 đang trong quá trình chuẩn bị thủ tục đầu tư dự án để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2023. Dự kiến các dự án trọng điểm giai đoạn 2021 – 2025 như cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 sẽ khởi công từ tháng 1 năm 2023. Bên cạnh đó, việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội cùng với chính sách hỗ trợ lãi suất 2% tiến độ chưa đạt kỳ vọng. Chương trình phục hồi mới giải ngân được 60.000 tỷ, khoảng 20% trên tổng quy mô. Chính phủ đã lập ra các Ban chỉ đạo, các tổ công tác triển khai chương trình, và các văn bản, Nghị quyết giúp đẩy mạnh triển khai các dự án.

Agriseco: Đầu tư công 2023 và những cơ hội trên thị trường chứng khoán

Hiện nay, vốn NSNN chưa giải ngân gửi tại các tổ chức tín dụng còn khá lớn với khoảng 900.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 300.000 nghìn tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại. Đây là số dư ngân sách lớn nhất trong các năm gần đây do tiến độ giải ngân đầu tư còn thấp và tồn kho ngân quỹ từ các năm trước chuyển sang.

Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023

Tăng tốc giải ngân đầu tư công vốn NSNN năm 2023: Tổng mức vốn NSNN kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đã nâng lên 2,87 triệu tỷ đồng, tăng 44% so với số thực hiện giai đoạn 2016-2020. Mức vốn này đã được Quốc hội thông qua vào ngày 28/7/2021, tập trung vào các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, vành đai 3 TPHCM, vành đai 4 Hà Nội. Với tốc độ giải ngân chậm năm 2021-2022, ước tính lượng giải ngân đầu tư công bình quân giai đoạn 2023-2025 để hoàn thành kế hoạch cả giai đoạn khoảng 600 – 700 nghìn tỷ đồng. Do đó, năm 2023 sẽ là năm bản lề các dự án đầu tư công được đẩy mạnh sau khi bị đình trệ bởi dịch Covid – 19, giá nguyên vật liệu tăng cao. Trong năm 2023, Chính phủ nâng tổng vốn đầu tư công lên 700 nghìn tỷ đồng (+25% so với KH2022). Số vốn này đã bao gồm vốn cho các dự án trong Chương trình phục hồi và phát tiển kinh tế xã hội.

Giải ngân vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH: Chương trình có tổng quy mô 347.000 tỷ đồng với 2 năm thực hiện 2022-2023 và năm 2022 mới chỉ giải ngân được khoảng 20%. Số vốn kỳ vọng sẽ được giải ngân mạnh trong năm 2023, trong đó vốn chi phát triển hạ tầng chiếm tỷ trọng lớn nhất (33%) trong tổng quy mô nhưng hiện tại vẫn chưa giải ngân được.

Hạ tầng giao thông kỳ vọng được tập trung giải ngân: Chính phủ đang tập trung dồn lực xây dựng các dự án hạ tầng, giao thông trọng điểm. Mức phân bổ vốn NSNN cho hạ tầng giao thông chiếm gần 50% kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025. Mới đây, Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư thêm 5 dự án giao thông trọng điểm (Vành đai 3 TP. HCM, Vành đai 4 TP. Hà Nội, cao tốc Châu Đốc – Trần Đề, Khánh Hòa – Buôn Mê Thuột, Biên Hòa – Vũng Tàu trong cuộc họp QH khóa XV nâng tổng dự án đầu tư lên 6 với tổng mức đầu tư 392.644 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 – 2025.

Các dự án trọng điểm tập trung trong năm 2023: Dự kiến sẽ có 4 dự án trọng tâm được triển khai và đẩy mạnh gồm Dự án chuyển tiếp cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1; cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2; cảng hàng không sân bay quốc tế Long Thành; vành đai 3. Cụ thể, dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 với 12 dự án thành phần sẽ bắt đầu khởi công từ tháng 1/2023. Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư và trong năm 2023 sẽ tiến hành xây dựng đường băng và nhà ga. Dự án Vành đai 3 TP. HCM đã giải phóng mặt bằng được 95% và kỳ vọng đến giữa năm 2023 sẽ khởi công dự án này. Ngoài ra, một số dự án như Vành đai 4, cao tốc Châu Đốc, Khánh Hòa cũng được dự kiến khởi công vào giữa năm 2023.

Các nhóm ngành hưởng lợi

Việc tập trung đẩy mạnh đầu tư công kỳ vọng sẽ tạo ra các tác động lan tỏa đến nhiều nhóm ngành như vật liệu xây dựng, xây dựng, bất động sản dân cư, bất động sản khu công nghiệp và logistics. Đầu tư công được coi là động lực tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các đầu kéo tiêu dùng, xuất khẩu chịu ảnh hưởng do áp lực lạm phát, tỷ giá tăng và kinh tế toàn cầu biến động. Theo tính toán của Tổng cục thống kê, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước thì GDP tăng thêm 0,058%.

- Nhóm vật liệu xây dựng được hưởng lợi trực tiếp ngay sau giai đoạn giải phóng mặt bằng, bước vào triển khai dự án cho đến khi hoàn thành hoạt động xây dựng dự án. Mặc dù vậy, đặc thù của từng ngành khiến mức độ hưởng lợi của các doanh nghiệp là khác nhau. Với ngành thép, doanh nghiệp cung ứng thép xây dựng được hưởng lợi. Với các ngành mà chi phí vận chuyển tác động lớn đến khả năng tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp như xi măng và đá xây dựng, các doanh nghiệp có thị phần lớn và có vị trí gần các dự án đang triển khai sẽ được hưởng lợi tốt hơn phần còn lại của ngành.

+ Về mức độ cải thiện biên lợi nhuận của các doanh nghiệp VLXD (thép, xi măng), biến động chi phí nguyên liệu đầu vào như giá than có thể ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành. Mặc dù vậy, sự kiện Trung Quốc mở cửa trở lại được dự báo sẽ đem lại những hiệu ứng tích cực cho 1 vài nhóm ngành VLXD như thép và xi măng. Trong khi giá thép có thể sẽ dừng đà giàm và dần bước vào chu kỳ tăng giá trở lại, nhu cầu và điều kiện nhập khẩu của clinker của Trung Quốc được cải thiện sẽ làm giảm bớt áp lực dư cung của thị trường xi măng khu vực phía Bắc.

- Nhóm xây dựng hạ tầng kỳ vọng hưởng lợi trực tiếp khi các dự án đầu tư công trọng điểm đi vào triển khai. Một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm nhu cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 và 2, sân bay Long Thành được triển khai sẽ giúp các nhà thầu xây dựng (đặc biệt là những nhà thầu có kinh nghiệm thi công dự án).

+ Tuy nhiên, rủi ro của ngành tới từ việc: (1) Giá nguyên vật liệu có thể tăng trở lại, trong bối cảnh Trung Quốc đang mở cửa nền kinh tế làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ thép, (2) Thời tiết giai đoạn đầu năm vẫn có khả năng mưa nhiều, ảnh hưởng tới tiến độ thi công chung, tuy nhiên rủi ro này có thể được tháo gỡ trong nửa cuối năm khi xác suất thời tiết nắng ráo cao hơn

- Ngành bất động sản có thể được hưởng lợi gián tiếp ngay từ khi quy hoạch của các dự án đầu tư công lớn được thông qua. Điều này sẽ thu hút nhu cầu về bất động sản và nhà ở tại các khu vực, tỉnh thành lân cận với các dự án khi cơ sở hạ tầng được kỳ vọng hoàn thiện.- Các địa phương tiềm năng trong giai đoạn tới có thể kể tới: Miền Bắc (Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh), Miền Nam (tứ giác kinh tế Đông Nam bộ: Tp. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, BR-VT). Một số doanh nghiệp có dự án lớn tại các khu vực trên: VHM, NVL, KDH, NLG, DIG, HDC, DXG.

+ Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bên cạnh đó ngành bất động sản cũng đang đối mặt với nhiều rủi ro khác như trái phiếu doanh nghiệp, sửa đổi pháp lý, chính sách tín dụng thắt chặt. Việc hưởng lợi gián tiếp từ đầu tư công khó có thể trung hoà được các rủi ro kể trên trong ngắn hạn. Vì thế chúng tôi duy trì quan điểm Thận trọng cho nhóm ngành này và chưa đưa ra khuyến nghị trong phạm vi báo cáo.

- Nhóm BĐS KCN kỳ vọng thu hút thêm dòng vốn FDI đầu tư vào khu công nghiệp khi cơ sở hạ tầng giao thông, cao tốc được hoàn thiện sẽ giúp tăng tính liên thông giữa các vùng, các KCN.

+ Trong năm 2023, bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục hưởng lợi từ dòng vốn dịch chuyển nhà máy sản xuất, hiệp định FTAs ký kết, các chính sách thu hút FDI. Tuy nhiên, dòng vốn FDI mới vào Việt Nam khả năng chưa thể phục hồi nhanh được khi kinh tế toàn cầu biến động, lạm phát tăng cao ảnh hưởng dòng vốn đầu tư của các quốc gia. Do đó, nhóm doanh nghiệp có lợi thế về quỹ đất sẵn sàng cho thuê và năng lực tài chính ổn định kỳ vọng sẽ hưởng lợi.

- Ngành logistics kỳ vọng có thể hưởng lợi gián tiếp khi đầu tư công được thúc đẩy, cơ sở hạ tầng được cải thiện. Các tuyến cao tốc sau khi hoàn thiện sẽ khiến hoạt động logistics thuận lợi hơn nhiều, qua đó là chất xúc tác để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài.

+ Các đại dự án như Sân bay Long Thành cũng được kỳ vọng sẽ giúp nhóm vận tải hàng hóa, hàng khách khách được hưởng lợi từ gia tăng công suất khai thác.

Xem chi tiết báo cáo của Agriseco tại đây >>>>

Agriseco Research: Sự kiện Silicon Valley Bank phá sản chỉ tác động ngắn hạn tới tâm lý nhà đầu tư

Trong báo cáo mới đây, Agriseco Research đưa ra đánh giá mức độ ảnh hưởng sự kiện ngân hàng Silicon Valley (SVB) phá sản tới ...

Lợi nhuận các nhóm ngành được dự báo ra sao trong quý I/2023?

Thị trường chứng khoán đã trải qua năm 2022 nhiều biến động với áp lực từ cả trong nước và quốc tế. Kết thúc năm ...

Chứng khoán Agribank (Agriseco) báo cáo triển vọng lợi nhuận các ngành Q1/2023

Theo Chứng khoán Agribank (Agriseco), lợi nhuận trong Q1/2023 có thể suy giảm do: Mức nền cao của cùng kỳ năm ngoái khi sốt đất ...

Nguyễn Hoàng