TPBank và MBBank được công nhận đạt chuẩn Basel II

Cập nhật: 16:56 | 17/04/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - 5 ngân hàng đầu tiên trong đó có Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công nhận đạt chuẩn Basel II.  

tpbank va mbbank duoc cong nhan dat chuan basel ii Ngân hàng Hàn Quốc rục rịch triển khai Basel III
tpbank va mbbank duoc cong nhan dat chuan basel ii Ngân hàng đua “tốt nghiệp” Basel II
tpbank va mbbank duoc cong nhan dat chuan basel ii Tuân thủ Basel II: M&A ngân hàng sẽ có sự chuyển biến

Basel II là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, sử dụng khái niệm "3 trụ cột" bao gồm: Yêu cầu vốn tối thiểu, Giám sát của cơ quan quản lý và Công bố thông tin trong quản trị ngân hàng. Hiệp ước Basel II là chuẩn mực quốc tế mà hệ thống các Ngân hàng Thương mại Việt Nam đang hướng đến từng bước áp dụng, nhằm tăng cường an toàn và hiệu quả hoạt động.

Tại Việt Nam, 2 văn bản quan trọng do NHNN ban hành để hướng dẫn cụ thể việc triển khai Basel II là Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn và Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ.

tpbank va mbbank duoc cong nhan dat chuan basel ii
TPBank được công nhận đạt chuẩn Basel II. Ảnh minh họa

TPBank đạt chuẩn Basel II trước thời hạn

TPBank vừa được Thống đốc NHNN trao quyết định áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (phương pháp tiêu chuẩn của Basel II) kể từ 1/5/2019. Để đạt được Basel II, các ngân hàng cần đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về quản trị rủi ro nhằm đảm bảo an toàn trong các hoạt động kinh doanh.

Đây là chuẩn mực mà hệ thống ngân hàng Việt Nam đang hướng tới, đảm bảo hoạt động ổn định và tăng cường hiệu quả hoạt động. Hiện mới chỉ có 5 nhà băng tại Việt Nam được NHNN công nhận đạt chuẩn Basel II.

Theo ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank, ngân hàng đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về quản trị rủi ro nhằm đảm bảo an toàn trong các hoạt động kinh doanh do NHNN đưa ra.

Cụ thể, TPBank đã chủ động nghiên cứu, thực thi Basel II, tham gia tích cực các nội dung của NHNN và cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng triển khai cho các ngân hàng thực thi Basel II như tính toán tác động định lượng, thực hiện báo cáo định kỳ triển khai Basel II, tham gia tích cực các chương trình đào tạo do NHNN và các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp tổ chức trong suốt 3 năm. Đạt chuẩn Basel II sẽ giúp TPBank có nhiều thuận lợi hơn trong việc triển khai các mô hình kinh doanh mới, đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng.

Trước khi NHNN đưa ra lộ trình áp dụng Basel II, TPBank cũng đã sớm xây dựng cơ chế quản trị rủi ro chặt chẽ nhằm đảm bảo các hoạt động của ngân hàng an toàn, minh bạch, ổn định. Những kinh nghiệm trong việc xây dựng cơ chế quản trị rủi ro nội bộ đã giúp ngân hàng sớm đáp ứng các yêu cầu về mặt kỹ thuật của việc tính toán hệ số an toàn vốn theo hướng dẫn của NHNN và rất nhanh đạt chuẩn Basel II so với các ngân hàng trong cùng hệ thống.

Tại Việt Nam, trước đây NHNN cũng đã chỉ định 10 ngân hàng tham gia thí điểm áp dụng Basel II, nhưng trước khó khăn trong việc tăng thêm vốn tự có cũng như nhiều vấn đề khác nên thời hạn áp dụng Basel II cho nhóm thí điểm đã phải điều chỉnh, lùi về năm 2020.

MB được công nhận đạt chuẩn Basel II

NHNN phê duyệt ngân hàng MB đạt chuẩn Basel II áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN, quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 1/5/2019. Theo quyết định này, MB là ngân hàng tiên phong đáp ứng chuẩn mực Basel II tại thị trường Việt Nam.

Việc được NHNN phê duyệt cho MB khẳng định năng lực quản trị rủi ro của ngân hàng đã đáp ứng được những tiêu chuẩn quốc tế khắt khe trong lĩnh vực tài chính, vươn lên sánh ngang về chất lượng quản trị với các nước phát triển trong khu vực và trở thành một trong những ngân hàng TMCP không chỉ năng động trong kinh doanh, đồng thời an toàn trong hoạt động và đáp ứng tiêu chuẩn quản trị tiên tiến.

Trên quan điểm quản trị hiện đại, sự phát triển thành công của một định chế tài chính luôn có dấu ấn song hành cùng nền tảng quản trị rủi ro vững mạnh; Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, hoạt động quản trị rủi ro tại MB đã trở thành một thương hiệu có uy tín lớn trên thị trường tài chính Việt Nam, được các tổ chức và các đơn vị xếp hạng tín nhiệm quốc tế như Moody/Fitch, Ngân hàng Nhà nước đánh giá có năng lực quản trị tốt, uy tín, có vai trò trong việc dẫn dắt thị trường.

Những kết quả ứng dụng từ triển khai Basel II đã giúp hoạt động quản trị rủi ro không chỉ dừng lại ở việc nhận diện, đưa ra những giải pháp giảm thiểu rủi ro mà còn được thể hiện trong hiệu quả quản trị kinh doanh, đảm bảo nền tảng vững chắc, an toàn cho MB trong việc triển khai các mô hình kinh doanh mới và nâng cao năng lực dự báo tốt những rủi ro tiềm ẩn, làm sơ cở cho việc bảo toàn và phát triển bền vững các giá trị của tổ chức.

Sự thành công đó gắn liền với việc MB luôn ý thức và tập trung thực thi các giải pháp hướng tới tuân thủ hoàn toàn Basel II, trong đó tiêu biểu từ việc mô hình quản trị liên tục được kiện toàn: Tách bạch, phân cấp rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị theo mô hình 3 vòng bảo vệ đảm bảo không chồng chéo, nâng cao trách nhiệm nhận diện, đánh giá, theo dõi và kiểm soát rủi ro ở tất cả các khâu; Hệ thống văn bản, quy định của MB cũng đã được rà soát, hoàn thiện đáp ứng yêu cầu Basel II và quy định của NHNN (theo Thông tư 13/2018/TT-NHNN và Thông tư 41/2016/TT-NHNN).

Mô hình, công cụ đo lường rủi ro được xây dựng đồng bộ cho các rủi ro trọng yếu: Dự án đo lường rủi ro tín dụng được tập trung triển khai với cường độ cao theo tiêu chuẩn nâng cao của Basel II, kết quả của dự án liên tục được ứng dụng vào hoạt động kinh doanh giúp nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng. Bên cạnh đó, các công cụ đo lường rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng, … liên tục được MB nâng cấp và ứng dụng nhằm dự báo chính xác và giảm thiểu rủi ro.

Quản trị dữ liệu, ứng dụng công nghệ trong quản trị rủi ro: Là một nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động ngân hàng nói chung, hoạt động quản trị rủi ro nói riêng trong thời đại 4.0. Việc ứng dụng công nghệ trong quản trị rủi ro giúp gắn kết kinh doanh với quản trị, hiện thực hóa chức năng quản trị rủi ro trong mọi hoạt động của ngân hàng. Đặc biệt, việc xây dựng phần mềm tính toán tự động tỷ lệ an toàn vốn ngoài việc đảm bảo quản trị tuân thủ còn hỗ trợ mạnh mẽ việc quản trị, phân bổ vốn và công tác tác quản trị dữ liệu của MB.

Đặc biệt, MB là ngân hàng luôn đề cao và kiên định xây dựng văn hóa quản trị rủi ro. Điều này giúp MB có một hệ thống quản trị rủi ro chủ động, được nhận thức và thực thi có trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Quản trị rủi ro vượt trội luôn là nền tảng trọng yếu ở các giai đoạn chiến lược của MB và cũng là chuyển dịch rất quan trọng trong nhóm 4 chuyển dịch chiến lược của MB giai đoạn 2017 - 2021 mà trong đó, triển khai và ứng dụng Basel II là cốt lõi. Việc phê duyệt của NHNN công nhận MB đáp ứng chuẩn Basel II theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN khẳng định MB là một trong các ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam và xứng danh “năng động trong kinh doanh, chắc chắn trong công tác phòng ngừa và hạn chế rủi ro”.

Hoài Dương