Dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam gây hoang mang cho người chăn nuôi

Cập nhật: 15:04 | 20/02/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chính thức công bố thông tin: Tại Việt Nam đã phát hiện có 8 ổ dịch ASF tại 2 tỉnh Thái Bình và Hưng Yên. Lãnh đạo cục Thú y đã cảnh báo về các nguyên nhân có thể làm cho bệnh dịch này lây lan ra diện rộng.  

dich ta lon chau phi vao viet nam gay hoang mang cho nguoi chan nuoi Nguy cơ cao lây nhiễm dịch tả lợn châu Phi sang Việt Nam
dich ta lon chau phi vao viet nam gay hoang mang cho nguoi chan nuoi Chủ động ngăn chặn nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi
dich ta lon chau phi vao viet nam gay hoang mang cho nguoi chan nuoi Hà Nội: Chủ động ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm

Dịch xuất hiện tại Việt Nam

Cục Thú y cho biết, tại thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên), đã phát hiện virus gây bệnh ASF tại 2 hộ chăn nuôi là hộ ông Dương Văn Vũ (Đội 5, thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, TP.Hưng Yên) và hộ ông Lê Xuân Tình (thôn Khoá nhu 2, xã Yên Hoà, Yên Mỹ).

Ngay khi nhận được thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Trung ương, địa phương và chính quyền các cấp của địa phương thực hiện tiêu hủy toàn bộ 33 con lợn của hộ chăn nuôi ông Dương Văn Vũ và 101 con lợn của hộ ông Lê Xuân Tình; tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực hộ có dịch, đường ra vào ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao.

dich ta lon chau phi vao viet nam gay hoang mang cho nguoi chan nuoi
Dịch tả lợn ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước.

Ngành NNPTNT tỉnh Hưng Yên đã khẩn cấp thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn vùng có dịch; tổng rà soát tình hình các đàn lợn trên địa bàn xã và các địa phương khác trên địa bàn. Tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm các hộ chăn nuôi lợn xung quanh hộ có dịch.

Sau khi xét nghiệm, tại địa bàn lân cận hộ chăn nuôi của gia đình ông Vũ cho kết quả âm tính. Riêng kết quả xét nghiệm đàn lợn tại khu vực lân cận gia đình ông Tình đang chờ kết quả xét nghiệm.

Tại tỉnh Thái Bình, đã phát hiện có 6 hộ chăn nuôi thuộc 4 thôn thuộc xã Đông Đô, huyện Hưng Hà có bệnh ASF.

Đến thời điểm này, 123 con lợn của các hộ chăn nuôi đã bị tiêu hủy hoàn toàn. Cơ quan thú y và chính quyền địa phương đã thực hiện tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực hộ có dịch, đường ra vào ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao; thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn vùng có dịch; tổng rà soát tình hình các đàn lợn trên địa bàn xã và các địa phương khác trên địa bàn.

Đáng mừng là sau khi tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm các hộ chăn nuôi lợn xung quanh hộ có dịch, kết quả đều âm tính.

Lây lan nhanh, gây hoang mang cho người chăn nuôi

Dịch ASF lần đầu xuất hiện tại Kenya, sau đó lây lan nhanh chóng tại nhiều nước châu Phi.

Năm 1957, dịch bệnh tả lợn châu Phi lần đầu được báo cáo tại châu Âu và gần đây, đầu tháng 8/2018 virus đã bùng phát tại Trung Quốc, quốc gia sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới và được phát hiện tại Mông Cổ vào cuối tháng 1.

Virus ASF gây ra bệnh sốt xuất huyết ở lợn với khả năng lây lan nhanh ở mọi lứa tuổi, loại lợn và tỉ lệ tử vong lên tới 100% đối với những con lợn nhiễm bệnh. Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), dịch bệnh hiện chưa có vacxin phòng chống, nhưng không gây nguy hiểm cho con người.

Dịch ASF một khi xuất hiện sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành chăn nuôi tại khu vực đó.

Tại Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Ban, ngành liên quan tăng cường công tác chống buôn lậu lợn và các sản phẩm của heo từ nước ngoài vào Việt Nam; tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển heo và sản phẩm lợn bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc qua biên giới, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới.

Đồng thời, tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn tại địa phương. Ngoài ra, thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh tại các cửa khẩu và địa bàn có nguy cơ cao.

Cùng với đó, các địa phương như TP HCM, Lào Cai, Bình Dương, Đồng Nai, Hưng Yên đã ban hành kế hoạch ứng phó dịch, cùng với chủ động dự trù nơi tiêu hủy, chôn, đốt lợn và sản phẩm lợn khi cần thiết, đặc biệt trong các trường hợp phải tiêu hủy số lượng lớn.

Dịch ASF được báo cáo khiến người chăn nuôi hoảng loạn và dễ dàng xảy ra tình trạng bán tháo tại khu vực xuất hiện ổ dịch.

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi heo tỉnh Đồng Nai, bán tháo là cách để bảo vệ đồng vốn của người chăn nuôi nhưng bán tháo heo khỏe là một chuyện, còn nếu là heo bệnh thì là một mối nguy cho ngành chăn nuôi.

“Người nông dân không nên quá sốt ruột, hoang mang làm náo loạn thị trường. Những ngày này nếu bán tháo thì giá sẽ xuống vì với người chăn nuôi, giá nào cũng sẽ bán và đối với thương lái thì đây là cơ hội để họ ép giá”, ông Đoán khuyến nghị.

Vì vậy, người chăn nuôi cần tỉnh táo, theo dõi sát tin tức, tuân thủ qui định và hướng dẫn của cơ quan chức năng địa phương để có quyết định đúng đắn nhất.

Nguyễn My

Tin cũ hơn
Xem thêm