Cửa sáng cho doanh nghiệp bất động sản 2019

Cập nhật: 09:06 | 02/12/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Năm 2018 đã đánh dấu những tín hiệu tích cực của thị trường bất động sản vùng ven khi các tỉnh này bắt đầu thu hút dòng vốn lớn từ các doanh nghiệp bất động sản TP.HCM “tản cư” đi tìm vùng đất mới.  

cua sang cho doanh nghiep bat dong san 2019 Vì sao doanh nghiệp bất động sản “thiệt kép” từ áp trần lãi vay 20%?
cua sang cho doanh nghiep bat dong san 2019 “Cơn sốt” thành lập mới doanh nghiệp bất động sản
cua sang cho doanh nghiep bat dong san 2019 Thị trường kinh doanh bất động sản: Người lai lãi, kẻ lô lỗ

Mới đây, Tập đoàn Nova Land công bố, năm 2019 sẽ phát triển dự án bất động sản tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Thuận. Nhìn lại những năm trước, Nova Land là doanh nghiệp chủ yếu phát triển các dự án chung cư cao cấp, dự án nhà phố, biệt thự tại TP.HCM. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018, doanh nghiệp chỉ mở bán duy nhất 1 dự án bất động sản tại quận 1, TP.HCM vào đầu tháng 11 vừa qua.

Tiếp đó là Công ty cổ phần Bất động sản Hưng Thịnh, sau khi "làm mưa làm gió" tại thị trường bất động sản TP.HCM (giai đoạn 2015 – 2017) khi mỗi năm ra mắt 5.000 - 7.000 sản phẩm nhà ở tại TP.HCM, bước sang năm 2018, Hưng Thịnh đã chuyển hướng với việc phát triển dự án duy nhất tại TP.HCM là dự án gần 4.000 căn hộ tại quận 7. Thay vào đó, doanh nghiệp này chuyển hướng về TP. Biên Hòa (Đồng Nai) với Dự án Biên Hòa NewCity, gồm hàng ngàn sản phẩm biệt thự, nhà phố. Tiếp đó, Hưng Thịnh thông báo kế hoạch năm 2019, sẽ triển khai nhiều dự án tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Địa ốc Him Lam Land cũng là cái tên được nhận định bắt đầu chuyển hướng phát triển khi năm 2017, 2018 không ghi nhận dự án mới nào tại TP.HCM. Đồng thời, mới đây, thông tin từ phía doanh nghiệp này cho biết, một dự án mới trong quý I/2019 sẽ được Công ty ra mắt tại TP. Biên Hòa và dự án Khu kinh tế mở tại huyện Bến Lức, Long An. Hai dự án này đều có diện tích hàng trăm héc-ta, cơ cấu sản phẩm đa dạng với biệt thự, chung cư, nhà phố…

cua sang cho doanh nghiep bat dong san 2019
Thị trường bất động sản Bình Dương là một trong những điểm ngắm mới của giới đầu tư TP.HCM.

Bên cạnh đó, những thương hiệu địa ốc khá có tiếng như Phú Đông Group, Hà Đô, Nam Long… cũng đã có sự dịch chuyển về các tỉnh vùng ven TP.HCM.

Theo đó, Tập đoàn Hà Đô đang hướng tới một quỹ đất tại tỉnh Bình Dương, Tập đoàn Nam Long thì tiếp tục phát triển dự án 130 ha tại Long An, Phú Đông Group vừa thâu tóm quỹ đất 6.000 m2 tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương và lên kế hoạch phát triển dự án vào năm 2019….

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (HoREA) cho rằng, việc doanh nghiệp bất động sản hướng ra các tỉnh vùng ven phát triển là câu chuyện tất yếu của thị trường khi tại vùng lõi TP.HCM đã bắt đầu chật chội. Trong khi đó, doanh nghiệp bất động sản không thể nào không có hàng bán trong cả năm trời. Nếu thị trường bất động sản TP.HCM không thể tạo ra hàng cho doanh nghiệp thì buộc họ phải di tản ra các tỉnh lân cận để phát triển.

Việc số đông doanh nghiệp hướng về thị trường vùng ven sẽ tạo ra sự phát triển bền vững và xoay trục thị trường, khiến người tiêu dùng có đa dạng lựa chọn hơn. Bởi khi TP.HCM bắt đầu nghiêng về phát triển các dự án cao cấp do giá đất, thuế phí, giá dịch vụ tăng cao tạo ra mặt bằng giá bất động sản cao hơn thì những khách hàng ít tiền, thu nhập thấp khó có thể sở hữu nhà. Những dự án ở các tỉnh giáp TP.HCM là một lựa chọn tối ưu cho số đông khách hàng bởi quỹ đất rộng, mặt bằng giá đất, thuế và giá dịch vụ thấp hơn. Đồng thời, hạ tầng giao thông kết nối ổn định khiến khoảng cách địa lý cũng gần lại.

Ngoài ra, ý kiến từ nhiều chuyên gia cho rằng, kích thị trường bất động sản các tỉnh vùng ven phát triển mạnh trong năm 2019 là một ý đồ của lãnh đạo TP.HCM trong chiến lược phát triển vùng TP.HCM.

Thực tế, thành phố hiện đã có khoảng 13 triệu dân sinh sống, thị trường bất động sản vùng lõi phát triển mạnh sẽ tiếp tục thu hút di dân tự do, tạo ra gánh nặng lên hạ tầng và nhiều hệ lụy khác. Trong đó, dân số tăng sẽ khiến thu nhập bình quân thấp đi, các yếu tố dân sinh, hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục… sẽ phải chịu áp lực lớn hơn. Trong khi đó, nếu để mật độ dân số giãn dần ra các tỉnh, sẽ tạo cho TP.HCM dư địa phát triển tốt hơn.

Chính vì vậy, việc các tỉnh vùng ven xoay trục làm mũi nhọn cho thị trường bất động sản TP.HCM là phương án được cả chính quyền, người dân và doanh nghiệp cổ vũ.

Bài toán quy hoạch mở rộng dần hoàn thiện

cua sang cho doanh nghiep bat dong san 2019
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Theo tôi, việc thị trường bất động sản 2019 chuyển dần về các tỉnh lân cận TP.HCM là đúng với hướng quy hoạch mà Thủ tướng Chính phủ đề ra trong bản điều chỉnh quy hoạch Vùng TP.HCM mở rộng 2030 tầm nhìn 2050.

Việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM lần này không chỉ đáp ứng mong muốn của TP.HCM mà còn là sự kết nối chặt chẽ giữa các tỉnh, thành phố vệ tinh; đồng thời xác định được thế mạnh của từng địa phương, từng khu vực.

Đặc biệt là vai trò trung tâm của TP.HCM để các tỉnh trong Vùng TP.HCM phát triển nhanh, bền vững, chia sẻ những khó khăn, thách thức và gắn kết trong việc phân bố các vùng, nhằm phát huy được tiềm năng thế mạnh của từng tỉnh, thành phố như phát triển du lịch, văn hóa - giáo dục, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp, thương mại dịch vụ và công nghệ thông tin.

Sự dịch chuyển là tất yếu

cua sang cho doanh nghiep bat dong san 2019
Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần PropertyX

Theo tôi, việc doanh nghiệp dịch chuyển ra các tỉnh lân cận TP.HCM phát triển dự án là chuyện bình thường. Trong kinh doanh, yếu tố thị trường luôn phải đặt lên hàng đầu và việc thoát khỏi một khu vực đã quá chật chội để tìm một thị trường mới là đương nhiên.

Ở thị trường tỉnh, nhất là những tỉnh lân cận TP.HCM là một thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng, với nhu cầu nhà ở người dân tại đây dần tăng cao, mức thu nhập cũng cải thiện hơn rất nhiều. Trong khi đó, từ trước đến nay các tỉnh này lại luôn thiếu dự án các bất động sản bài bản với đầy đủ tiện ích sống.

Chính vì vậy, khi doanh nghiệp chuyển hướng về các tỉnh này phát triển đồng nghĩa với việc sẽ dễ dàng hơn trong việc bán hàng, thêm vào đó tạo thêm những lựa chọn mới tốt hơn, cao cấp hơn cho khách hàng tại địa phương đó.

Cuộc cạnh tranh bắt đầu

cua sang cho doanh nghiep bat dong san 2019
Ông Trần Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Cát Tường Long An

Trước đây, thị trường bất động sản tỉnh thường được các doanh nghiệp trong tỉnh chủ động phát triển. Chính vì áp lực khách hàng, áp lực cạnh tranh khá ít nên doanh nghiệp có thể độc quyền tương đối trong phát triển thị trường.

Tuy nhiên, khi thị trường đón nhận những doanh nghiệp mới, những dòng sản phẩm mới sẽ tạo ra tính cạnh tranh cao hơn nhiều và điều này đang diễn ra. Tất nhiên, thế khó thuộc về doanh nghiệp nhưng thị trường nói chung và người mua sẽ hưởng lợi với những dòng sản phẩm mới, đa dạng hơn, tiện ích nhiều hơn và sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ tạo cho thị trường một bộ mặt mới, bền vững hơn.

Bên cạnh đó, sẽ có những cái bắt tay giữa các doanh nghiệp với nhau. Đó là cái bắt tay của doanh nghiệp trong tỉnh có quỹ đất nhưng không có vốn triển khai, trong khi đó các doanh nghiệp mới có vốn nhưng cần có quỹ đất triển khai. Chính những điều này sẽ tạo ra một thị trường sôi động, xứng tầm và tạo ra một bộ mặt quy hoạch hoàn thiện, đồng bộ giữa TP.HCM với các tỉnh lân cận.

Quân Vương

Tin cũ hơn
Xem thêm