Xóa bỏ xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ: Gom "công nghệ" - "truyền thống" vào chung một giỏ!

Cập nhật: 16:48 | 16/10/2018 Theo dõi KTCK trên

Với quy định tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP vừa được Bộ GTVT trình Chính phủ mới đây, nếu được thông qua, thì loại hình xe hợp đồng ứng dụng công nghệ được người dân ưa chuộng bấy lâu nay như Grab, Fastgo… sẽ bị xóa sổ vì buộc phải khoác áo “Taxi”.

Kéo lùi công nghệ

Nếu như tại bản Dự thảo Nghị định được Bộ GTVT trình vào cuối tháng 7 trước đó, Bộ GTVT đã cởi bỏ tư duy bảo thủ, tiếp nhận công nghệ vào lĩnh vực vận tải, với quy định xe hợp đồng điện tử thì tại Tờ trình Chính phủ mới nhất này, Bộ GTVT lại “khép”.

Theo đó, dự thảo đưa ra, tất cả những loại hình xe hợp đồng dưới 9 chỗ không được sử dụng hợp đồng điện tử, nếu muốn sử dụng giao kết điện tử thì phải gắn mào “Taxi”. Như vậy, nếu được thông qua thì hàng chục nghìn xe hợp đồng ứng dụng điện tử như Grab, Fastgo hiện nay sẽ phải chuyển thành taxi.

Ngoài ra, những doanh nghiệp chuyên về công nghệ như Grab, Fastgo hay Go-Viet cũng sẽ trở thành doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

xoa bo xe hop dong dien tu duoi 9 cho gom cong nghe truyen thong vao chung mot gio
Xe công nghệ sẽ được gắn mào như taxi truyền thống?

Có thể thấy, Bộ GTVT chủ trì, chắp bút soạn thảo Dự thảo Nghị định này đang rơi vào tình thế “bí”, tắc từ từ duy tới giải pháp, loay hoay trong việc định danh và quản lý loại hình vận tải mới.

Và, thay vì không định danh để quản lý được thì Bộ GTVT chọn cách, gói hết lại, gom chung vào một giỏ. Theo các chuyên gia kinh tế cũng như công nghệ, Dự thảo Nghị định này cho thấy tư duy quản lý của người chắp bút không thay đổi theo cái mới, không chấp nhận cái mới, có lợi mà buộc cái mới phải đi vào khuôn khổ của cái cũ.

Một loại hình kinh doanh vận tải văn minh, công khai, minh bạch từ giá cước đến lộ trình, người dân được hưởng lợi và ủng hộ, Nhà nước quản lý và thu thuế nhưng lại cố “nhét” vào một khuôn khổ quản lý đã lỗi thời, lạc hậu.

Tại sao Bộ GTVT không thay đổi tư duy quản lý, bảo hộ cái cũ, trong khi cái mới có lợi hơn cho người tiêu dùng?. Câu hỏi này có lẽ chỉ Bộ GTVT mới có thể trả lời thấu đáo.

Đáng nói, khi cả thế giới ưu tiên cho công nghệ thì Bộ GTVT lại đang muốn kéo lùi tất cả với quy định trong dự thảo Nghị định mới này. Đó là, các xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi sẽ chỉ được thực hiện hợp đồng giấy, không được thực hiện hợp đồng điện tử.

Quy định làm biến đổi bản chất công nghệ

Trao đổi về việc này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bày tỏ, đừng vì chưa định danh được mà không tạo điều kiện cho những loại hình xe công nghệ như Grab, Uber hoạt động.

Cần tạo môi trường cạnh tranh thật bình đẳng, không vì taxi truyền thống lạc hậu, không thay đổi mà lại quản lý như nhau. Phải làm sao vừa đảm bảo đáp ứng công nghệ hiện đại, đảm bảo lợi ích người tiêu dùng và vừa phải tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, đó mới là cái khó và cái cần của người làm quản lý.

Cũng theo chuyên gia này, quản lý Grab và Uber như taxi truyền thống là rất bất hợp lý, không đảm bảo môi trường bình đẳng; không phát triển được loại hình vận tải áp dụng công nghệ mới.

Ngoài ra, việc ghép chung doanh nghiệp cung cấp các ứng dụng công nghệ kết nối vào vai trò của một nhà cung cấp dịch vụ vận tải và phải chịu sự quản lý của cơ quản quản lý ngành là Bộ GTVT sẽ triệt tiêu chuyên môn hóa, gây ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển nền tảng.

Vì thế mạnh của các đơn vị nền tảng có ưu thế trong việc xử lý hệ thống dữ liệu lớn, kết hợp với trí tuệ nhân tạo, để đưa ra đề xuất kết nối hành khách với phương tiện gần nhất và đề xuất hiệu quả nhất về giá cước cho mỗi chuyến đi nên việc buộc các doanh nghiệp công nghệ phải đáp ứng điều kiện của toàn bộ quá trình kinh doanh vận tải là một sự bất công, không hợp lý. “Quy định này không những làm biến đổi bản chất hoạt động của nền tảng, mà còn triệt tiêu phần lớn những ưu điểm công nghệ mang lại, biến nền tảng thành một kênh liên lạc đơn thuần”- chuyên gia Ngô Trí Long nhận định.

Cũng theo chuyên gia này, định danh họ là công ty vận tải, yêu cầu doanh nghiệp công nghệ phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh và điều kiện hoạt động như một hãng taxi truyền thống sẽ làm biến đổi bản chất của đơn vị cung cấp hoạt động, tạo gánh nặng cho việc thực thi.

Khi đó, các doanh nghiệp như Grab sẽ phải phình bộ máy, tăng chi phí thuê mặt bằng, chi phí quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng xe, chi phí lương thưởng, chế độ đãi ngộ cho nhân viên...

Tất cả chi phí sẽ được doanh nghiệp áp vào giá thành, triệt tiêu lợi ích của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời, cản trở sáng tạo công nghệ số, xóa bỏ kinh tế chia sẻ”- ông Long bày tỏ.

Hải Dương

Theo An ninh thủ đô

Tin liên quan