Xem xét việc bổ sung quy định về hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Cập nhật: 10:53 | 03/09/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Tại phiên họp toàn thể lần thứ 11, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã thẩm tra dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là việc bổ sung chương mới hoàn toàn vào luật quy định về hộ kinh doanh và đề nghị phải có đánh giá, cân nhắc đối với quy định này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề trong dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi)

Sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp: VAFI gửi tâm thư lên Bộ trưởng

Còn nhiều dư địa để đổi mới Luật Doanh nghiệp

Trình bày Tờ trình tại phiên họp thẩm tra dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, theo quy định hiện hành, khoản 2 Điều 212 Luật Doanh nghiệp đã giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết đăng ký và hoạt động của hộ kinh doanh. Chính phủ đã ban hành Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, trong đó có nội dung về đăng ký và hoạt động của hộ kinh doanh. Đánh giá các quy định này cho thấy một số khiếm khuyết như hộ kinh doanh không rõ ràng về địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự; quyền kinh doanh bị giới hạn trong phạm vi cấp huyện; chỉ được sử dụng dưới 10 lao động; không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện… Chính những hạn chế pháp lý này dẫn đến cản trở hộ kinh doanh tận dụng và phát huy tối đa cơ hội kinh doanh, không phát huy hết được lợi ích của nguồn lực đầu tư dưới hình thức hộ kinh doanh.

Dự thảo Luật bổ sung 1 chương, chương VIIa về hộ kinh doanh gồm các điều 187a, điều 187b và điều 187c thay vì giao hoàn toàn cho Chính phủ quy định như hiện nay. Dự thảo Luật quy định theo hướng tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của hộ kinh doanh bên cạnh các loại hình pháp lý khác là doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp; không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh.

Quy định rõ địa vị pháp lý hộ kinh doanh, trách nhiệm dân sự của chủ hộ kinh doanh đảm bảo phù hợp với Bộ luật Dân sự; hộ kinh doạnh sẽ do một cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng kí; bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh như chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện…Trên cơ sở quy định của Luật, Chính phủ tiếp tục quy định chi tiết về tổ chức quản lý, hoạt động nhằm đảm bảo môi trường thể chế phù hợp với tính chất và quy mô của hộ kinh doanh, bình đẳng giữa tất cả các loại hình doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cũng cho hay, việc bổ sung quy định về hộ kinh doanh không làm phát sinh tác động tiêu cực đến hoạt động của hộ kinh doanh, không phát sinh thủ tục hành chính và các hộ kinh doanh đang hoạt động không phải đăng ký lại hoặc không phải đổi giấy chứng nhận đăng kí hoạt động đã được cấp.

Xem xét việc bổ sung quy định về hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp

Điều hành thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo lại đề nghị các đại biểu cân nhắc kỹ và cho ý kiến về nội dung này, bởi hiện hoạt động của hộ kinh doanh còn nhiều hạn chế như về tính minh bạch, về thuế khoán, không đóng bảo hiểm cho người lao động,... nên nếu đưa vào luật phải có hướng quy định như thế nào giải quyết được việc thực hiện chính sách khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp không thành công thời gian qua.

Tán thành với việc đưa hộ kinh doanh vào điều chỉnh trong Luật Doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng đây là một trong những đột phá lần sửa đổi Luật này. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phân tích, Luật hiện hành điều chỉnh cho 10% GDP - 700.000 doanh nghiệp tư nhân; còn 30% GDP khu vực tư nhân đóng góp (của hộ kinh doanh) thì lại không trong phạm vi điều chỉnh của Luật. Do đó, cần có quy định bao trùm hộ kinh doanh là một chủ thể trong nền kinh tế Việt Nam và đúng theo tinh thần của Hiến pháp – các chủ thể kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng trước pháp luật.

Việc hộ kinh doanh được quy định trong Luật sẽ bảo đảm tốt hơn các quyền lợi, khắc phục được những hạn chế trong tiếp cận chính sách hỗ trợ, chính sách tín dụng, vấn đề bảo vệ thương hiệu, sở hữu trí tuệ… cùng với đó đặt ra trách nhiệm cao hơn cho hộ kinh doanh.

Khẳng định vai trò, đóng góp của hộ kinh doanh trong nền kinh tế là rất lớn với 30% vào GDP, tạo ra 8 triệu việc làm, song Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng cho rằng nếu sửa Luật thì phải xác định rõ mục tiêu điều chỉnh, quy định hộ kinh doanh vào luật có giải quyết được tình trạng thất thu ngân sách bởi hiện nay hộ kinh doanh mới chỉ đóng góp khoảng 1,6% ngân sách, vấn đề bảo hiểm xã hội cho người lao động tại các hộ kinh doanh…

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng cho biết, hiện nay việc thực hiện khuyến khích hộ kinh doanh lên doanh nghiệp không hiệu quả là do chính sách thuế bất bình đẳng giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp. Thuế môn bài đối với hộ kinh doanh không bình đẳng với thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp rồi đến thủ tục đăng kí thành lập từ doanh nghiệp siêu nhỏ cũng rất phức tạp. Do đó, đã đến lúc cần tổng kết, đánh giá hoạt động của hộ kinh doanh để làm sao có những quy định phù hợp.

Trong khi đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi bày tỏ băn khoăn với các quy định về hộ kinh doanh được thể hiện trong dự thảo Luật. Đại biểu cho rằng nội hàm các quy định của dự thảo Luật so với quy định hiện hành không khác biệt khi hộ kinh doanh vẫn đang được xác định là chủ thể kinh doanh hợp pháp có đăng kí kinh doanh và có phải đóng thuế. Do đó, cần làm rõ quy định đăng kí kinh doanh của hộ kinh doanh trong dự thảo Luật cụ thể hơn, kĩ hơn hay ưu việt hơn so quy định hiện hành không? Các quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh trong dự thảo đều là những quyền đang có mà chưa thấy rõ khả năng tiếp cận vốn tăng hơn, thuận lợi hơn hay những quyền mới, nghĩa vụ mới chưa thể hiện đúng như định hướng đề ra.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi cho rằng, để thực hiện được mục tiêu cả nước đạt 1 triệu doanh nghiệp, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên thành lập doanh nghiệp thì phải có những biện pháp khuyến khích phù hợp thì trong dự thảo lần này cần phải xem xét, đánh giá các chính sách, biện pháp thực hiện thời gian qua liệu đã đúng hướng. Bên cạnh đó, cần phải có quy định về kế toán đơn giản cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ để hộ kinh doanh khi chuyển đổi lên doanh nghiệp không phải lo ngại phải có sổ sách kế toán chuẩn mực như hiện nay.

Băn khoăn không rõ đưa quy định về hộ kinh doanh vào luật này để làm gì, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế Bùi Thị Quỳnh Thơ đặt vấn đề, nếu đưa vào để được hưởng lợi chính sách thì chính sách cho cả 5 triệu hộ liệu có dàn trải? Theo đại biểu thì cần có tiêu chí để hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành doanh nghiệp để quản lý và có chính sách hỗ trợ.

Liên quan đến vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh đặt vấn đề, nếu công nhận ngay hộ kinh doanh là doanh nghiệp thì việc dùng tên gọi “Luật Doanh nghiệp” là hợp lý, song nếu coi hộ kinh doanh chỉ là một hình thức kinh doanh bên cạnh các loại hình doanh nghiệp thì nên đổi tên thành "Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh".

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến phát biểu tại phiên họp để có tiếp thu và giải trình, trên cơ sở đó Ủy ban Kinh tế sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra dự án Luật.

Anh Khang T/h

Tin cũ hơn
Xem thêm