Vừa bị cưỡng chế về thuế, VN Đà Thành lại được BHXH 'bêu' tên vì nợ kéo dài

Cập nhật: 09:34 | 08/02/2023 Theo dõi KTCK trên

Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành vừa bị Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng liệt kê trong danh sách doanh nghiệp nợ lớn, kéo dài trên địa bàn.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Đà Nẵng vừa công khai danh sách các doanh nghiệp nợ lớn, kéo dài tính đến hết ngày 31/1/2023. Trong số này, có sự góp mặt của Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành.

Cụ thể, VN Đà Thành đang nợ BHXH hơn 387,9 triệu đồng (chưa tính tiền lãi). Trong đó, gồm 334,7 triệu đồng tiền nợ BHXH, Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; nợ bảo hiểm y tế 44,7 triệu đồng và nợ tiền bảo hiểm thất nghiệp 15,6 triệu đồng.

Trước đó vào cuối năm 2022, Cục Thuế TP Đà Nẵng đã ban hành quyết định Cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành. Lý do, doanh nghiệp này nợ tiền thuế đã quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định. Tổng số tiền bị cưỡng chế là 153.791.981 đồng.

Một khu thương mại và dịch vụ mua sắm của VN Đà Thành tại Buôn Hồ, Đắk Lắk. Ảnh: VN Đà Thành Group
Một khu thương mại và dịch vụ mua sắm của VN Đà Thành tại Buôn Hồ, Đắk Lắk. Ảnh: VN Đà Thành Group

Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành là doanh nghiệp khá tiếng tăm có trụ sở tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.

Doanh nghiệp này từng thực hiện loạt dự án bất động sản như: Khu đô thị Đông Nam đường Trần Hưng Đạo, TX. Buôn Hồ, Đắk Lắk; Khu đô thị Tân An, TP Buôn Mê Thuột; Khu đô thị Bắc khu hành chính Núi Thành, Quảng Nam; Dự án Tổ hợp chung cư VN Đà Thành, TP Buôn Mê Thuột; Dự án Coco Rivergarden, Quảng Nam; Dự án Khu công viên kết hợp dịch vụ Giải trí Cẩm Châu – Hội An (Vườn Phố Hội)…

Nhiều ông lớn nợ hàng tỷ đồng

Trong danh sách mới công bố của BHXH Đà Nẵng, dễ nhận ra một loạt doanh nghiệp đã từng được ‘bêu’ tên trong nhiều lần trước đó với số tiền nợ cộng dồn lại rất lớn.

Đội sổ trong nhiều năm nay vẫn là Chi nhánh II - Công ty CP công nghiệp Quảng An I tại Đà Nẵng (nợ hơn 7,9 tỷ đồng, chưa tính lãi); Công ty Cơ khí ô tô và thiết bị điện Đà Nẵng (6,6 tỷ đồng); Công ty TNHH Empire Hospitalit (6,4 tỷ đồng); Công ty TNHH trang trí nội thất & quảng cáo Sài Gòn DAD (4,9 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Cơ khí - Lắp máy Sông Đà - Chi nhánh 5 (3,7 tỷ đồng); í nghiệp Sông Đà 10.2 - Công ty Cổ Phần Sông Đà 10 (3,7 tỷ đồng); Công ty TNHH Hòa Bình - Chi nhánh Đà Nẵng (3,7 tỷ đồng)…

Tổng cộng, 152 doanh nghiệp trong danh sách công bố đang nợ BHXH Đà Nẵng tổng số tiền hơn 86,1 tỷ đồng (chưa tính tiền lãi).

BHXH Đà Nẵng cho biết, tình trạng nợ tiền bảo hiểm của các đơn vị sử dụng lao động khá nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây bất ổn tình hình xã hội trên địa bàn.

“Chậm đóng, trốn đóng và chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHTN là một trong những hành vi bị nghiêm cấm tại Luật BHXH số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014; không đóng hoặc đóng không đầy đủ BHYT là vi phạm Luật BHYT số 25/2008/QH12 ngày 14/11/2008 và Luật số 46/2014/QH13 ngày 13 tháng 6 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Các hành vi này tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đề nghị các đơn vị sử dụng lao động vì quyền lợi thiết thực của người lao động, vì an sinh xã hội trên địa bàn thành phố, thực hiện nghiêm túc pháp luật BHXH, BHYT, BHTN”, BHXH Đà Nẵng cho biết.

Tỷ suất lợi nhuận yếu của VN Đà Thành

Theo tìm hiểu của phóng viên, Tập đoàn VN Đà Thành là một doanh nghiệp tư nhân có vai vế trên thị trường địa ốc, được thành lập vào ngày 14/8/2012 tại TP. Đà Nẵng; tiền thân là Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại VN Đà Thành.

Vốn điều lệ sáng lập của Đà Thành khá khiêm tốn ở mức 20 tỷ đồng, góp bởi 5 cá nhân gồm Trần Quốc Bảo (1983), Nguyễn Thị Thanh Thủy (1980), Phan Thị Năm (1969), Võ Thị Thu Nga (1970) và Nguyễn Thị Thanh Hương (1972). Trong đó, ông Bảo là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 58%, theo sau là bà Thủy (38%) và bà Năm (8%).

Sau gần thập kỷ lăn lộn thương trường, đến nay vốn điều lệ của Đà Thành đã lên đến 1.000 tỷ đồng. Đợt tăng vốn gần đây nhất là hồi cuối tháng 9/2019, ghi nhận bước nhảy vọt gấp đôi từ mức 500 tỷ đồng.

Hiện chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc là ông Bảo - người nắm giữ 91% vốn, tương đương 910 tỷ đồng; còn lại 8% cổ phần Đà Thành thuộc về bà Năm, phó tổng giám đốc thường trực doanh nghiệp.

Theo lời giới thiệu của doanh nghiệp, thị phần Đà Thành đã và đang hướng tới là khu vực miền Trung - Tây Nguyên với mục tiêu mang tới sản phẩm địa ốc cho các khách hàng là người có thu nhập thấp. Chính từ quan điểm này, thời gian qua, Đà Thành đã liên tục mở rộng quỹ đất của mình tại các tỉnh Đắk Lắk, Quảng Nam, Đà Nẵng.

Để phục vụ cho chiến lược gia tăng quỹ đất, đầu tư thực hiện dự án mới, các cổ đông của Đà Thành hay cụ thể là doanh nhân Trần Quốc Bảo đã liên tiếp rót thêm hàng trăm tỷ đồng để cải thiện và nâng cao năng lực tài chính của doanh nghiệp.

Thông tin mà phóng viên có được cho thấy, năm 2016, phần lớn tài sản của Đà Thành đến từ các khoản nợ, chiếm tới gần 120 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 50,9 tỷ đồng, tương ứng hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 2,3 lần (hệ số D/E).

Tuy nhiên, sự chênh lệch này dần được cân bằng qua các năm nhờ các đợt tăng vốn liên tiếp của giới chủ doanh nghiệp. Cụ thể, năm 2017 - 2020, hệ số D/E lần lượt ở mức 0,84 lần, 0,86 lần, 0,37 lần và 0,3 lần. Lúc này, tổng tài sản cũng tăng nhanh từ 576 tỷ đồng (năm 2017) lên 1.325 tỷ đồng (năm 2020).

Nhưng một điểm gợn, đó là Đà Thành luôn duy trì khoản phải thu ngắn hạn ở mức cao cho thấy dấu hiệu đang bị chiếm dụng vốn (sẽ được nói kĩ trong bài sau). Đồng thời, khả năng sinh lợi của doanh nghiệp cũng khá nghèo nàn.

Kết quả kinh doanh 5 năm gần đây cho thấy, doanh thu thuần của Đà Thành tăng nhanh từ 83,8 tỷ đồng (năm 2016) lên mức "đỉnh" 268,7 tỷ đồng (năm 2018) và dần chững lại cho đến năm vừa qua với gần 250 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế lại khá ít ỏi với 1,3 tỷ đồng, 2,5 tỷ đồng, 6,9 tỷ đồng, 4,7 tỷ đồng và 1,1 tỷ đồng. Như vậy, tỷ suất sinh lời trên doanh thu bình quân cả giai đoạn là khoảng 1,7%, tức lãi hơn 1 đồng cho mỗi 100 đồng doanh thu.

Tương tự, tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) của doanh nghiệp thấp nhất là 0,08%, phản ánh sự bi quan trong hiệu quả sử dụng tài sản của Đà Thành.

Cao Thái