Vietcombank thông báo rời lịch tổ chức ĐHĐCĐ, đâu là nguyên nhân?

Cập nhật: 13:57 | 03/03/2024 Theo dõi KTCK trên

Ngoài thay đổi về thời gian, Vietcombank cũng phê duyệt bổ sung nội dung về "Tờ trình về Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025" vào danh sách nội dung dự kiến họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) vừa phát đi thông báo việc điều chỉnh thời gian dự kiến tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024.

Vietcombank thông báo rời lịch tổ chức ĐHĐCĐ, đâu là nguyên nhân?
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB)

Theo đó, thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay sẽ được điều chỉnh chậm lại một ngày, từ ngày 26/4 (thứ Sáu) sang ngày 27/4 (thứ Bảy). Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự họp đại hội cũng được thay đổi từ ngày 26/3 sang ngày 27/3, thời gian cụ thể và địa điểm tổ chức vẫn được giữ nguyên.

Về nguyên nhân rời lịch tổ chức đại hội năm nay được Vietcombank đưa ra là để đảm bảo công tác chuẩn bị tổ chức đại hội.

Ngoài thay đổi về thời gian, Vietcombank cũng phê duyệt bổ sung nội dung về "Tờ trình về Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu VCB giai đoạn 2021-2025" vào danh sách nội dung dự kiến họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.

Trước đó, theo thông báo của Vietcombank, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 sẽ thông qua các tờ trình như: Báo cáo Hội đồng Quản trị, Ban Điều hành, Ban Kiểm soát về hoạt động kinh doanh năm 2023, định hướng năm 2024; Tờ trình về phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2022; Tờ trình về thông qua báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán và phương án phân phối lợi nhuận năm 2023; Thù lao HĐQT và Ban Kiểm soát,…

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022., Vietcombank thống nhất phương án tăng vốn điều lệ thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, trích các quỹ năm 2022 để báo cáo xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước.

Năm 2022, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ kiểm toán của ngân hàng này đạt hơn 29.387 tỷ đồng. Sau khi trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ là 1.470 tỷ đồng, quỹ dự phòng tài chính là 2.939 tỷ đồng và quỹ khen thưởng, phúc lợi là 3.291 tỷ đồng, Vietcombank sẽ dùng hết 21.680 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế còn lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông.

Trong năm 2023, Vietcombank cũng đã hoàn thành tăng vốn từ lợi nhuận 2020 và lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 18,1%, đưa vốn điều lệ lên gần 55.891 tỷ đồng.

Với mức vốn hiện tại và giá trị chia cổ tức bằng cổ phiếu hơn 21.680 tỷ đồng, ước tính tỷ lệ thực hiện quyền chia cổ tức bằng cổ phiếu của Vietcombank sẽ là 38,79%, tương đương phát hành thêm khoảng 2,17 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu.

Sau khi hoàn tất chia cổ tức năm 2022, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng lên mức hơn 77.571 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, trong quý 4/2023, ngân hàng này ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan khi các mảng kinh doanh chính đều ghi nhận sụt giảm mạnh thu nhập.

Cụ thể, mảng kinh doanh cốt lõi của ngân hàng là thu nhập lãi thuần ghi nhận mức giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước, xuống chỉ còn 12.801 tỷ đồng.

Trong khi đó, lãi thuần từ dịch vụ và kinh doanh ngoại hối cũng ghi nhận giảm lần lượt 22,4% và 24,9% so với cùng kỳ, xuống chỉ còn 1.810 tỷ đồng và 892,5 tỷ đồng. Mảng mua bán chứng khoán kinh doanh ghi nhận lỗ hơn 6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 4 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, diểm sáng tăng trưởng lợi nhuận đến từ các hoạt động kinh doanh khác với lãi thuần tăng 37% so với cùng kỳ, mang về cho Vietcombank 410 tỷ đồng. Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần cũng ghi nhận tăng trưởng 56,3%, ghi nhận đạt 50,5 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, với quy mô nhỏ, đà tăng của hai mảng này không thể bù đắp được phần sụt giảm của các mảng kinh doanh chính sụt giảm. Chính vì vậy, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đã giảm 14,5%, đạt gần 15.959 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng chi phí hoạt động của ngân hàng lại tăng tới 26,3%, ghi nhận ở mức 5.752 tỷ đồng.

Theo đó, sau khi khấu trừ đi chi phí hoạt động, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietcombank đã “lao dốc” tới 27,6% trong quý cuối năm, ghi nhận đạt gần 10.209 tỷ đồng.

Trong kỳ, Vietcombank hoàn nhập dự phòng rủi ro tín dụng gần 1.487 tỷ đồng. Đây cũng là động lực giúp mức giảm của lợi nhuận được thu hẹp, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ghi nhận đạt 11.693 tỷ đồng, giảm gần 6% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung cả năm 2023, bức tranh tài chính của Vietcombank cũng có nét tương đồng so với quý cuối năm khi thu nhập giảm, lợi nhuận trước thuế vẫn tăng nhờ cắt giảm hơn 1/2 chi phí dự phòng rủi ro trong năm.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế cảm năm 2023 của Vietcombank đạt 41.244 tỷ đồng, chỉ thực hiện được 96% mục tiêu 43.000 tỷ đồng lãi trước thuế đã đề ra cho cả năm 2023.

Tính tới thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của Vietcombank mở rộng nhẹ 1,4% so với thời điểm hồi đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 10,9% lên hơn 1,27 triệu tỷ đồng.

Ở phía nguồn vốn, các khoản nợ Chính phủ và NHNN giảm đến 97% (chỉ còn 1,679 tỷ đồng), tiền vay TCTD khác tăng 90% (19,875 tỷ đồng), tiền gửi khách hàng tăng 12% (gần 1.4 triệu tỷ đồng).

Về chất lượng tài sản, số dư nợ xấu của ngân hàng cũng tăng vọt lên 12.455 tỷ đồng, tăng 59% so với thời điểm hồi đầu năm, kéo theo tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này từ 0,68% hồi đầu năm tăng lên 0,98%.

Đáng chú ý, trong bối cảnh nợ xấu tăng tới gần 60% so với thời điểm hồi đầu năm, nhưng số dư dự phòng rủi ro chỉ tăng gần 16%, điều này khiến cho tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng giảm từ hơn 300% về 230%.

Vietcombank tuyển dụng 71 cán bộ chi nhánh đợt 2/2024

Ứng viên cần theo dõi sát thời gian để chuẩn bị nộp hồ sơ và lên kế hoạch ôn luyện.

Cổ phiếu VCB biến động dữ dội sau thông tin Vietcombank chuẩn bị chia cổ tức

Sau khi hoàn tất việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ tại Vietcombank sẽ tăng lên mức 77.571 tỷ đồng, xếp thứ ...

Đình Tư