Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh:

Vì sao BOT Chơn Thành - Đức Hòa bị xem xét dừng hoạt động?

Cập nhật: 09:37 | 13/06/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa theo hình thức hợp đồng BOT có điểm đầu thuộc huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương và điểm cuối tại km82+574, giao với đường tỉnh ĐT 825 và tuyến tránh Hậu Nghĩa tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An... vừa được Chính phủ chỉ đạo xem xét dừng triển khai.  

vi sao bot chon thanh duc hoa bi xem xet dung hoat dong

Hàng chục nghìn tỷ đổ về Quảng Trị: Định hình một nền kinh tế biển

vi sao bot chon thanh duc hoa bi xem xet dung hoat dong

Minh bạch 61 dự án BOT giao thông sau kiểm toán

vi sao bot chon thanh duc hoa bi xem xet dung hoat dong

Hà Nội công bố danh sách 16 dự án bị chấm dứt hoạt động

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa giao Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm xem xét, quyết định việc dừng triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa theo hình thức hợp đồng BOT.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề phát sinh theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để thu xếp nguồn vốn, thực hiện đầu tư theo đúng quy định.

vi sao bot chon thanh duc hoa bi xem xet dung hoat dong
Từ năm 2011, Dự án buộc phải dừng, giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/NQ - CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ

Được biết, ngày 29/03/2019, Bộ Giao thông - Vận tải đã có Công văn số 2900/BGTVT - ĐTCT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép dừng triển khai Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa theo hình thức BOT do phương án tài chính dự án không khả thi để có thể kêu gọi các nhà đầu tư tham gia.

Trước đó vào tháng 06/2015, trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép bộ này được chuyển đổi hình thức đầu tư các hạng mục còn lại của Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành - Đức Hóa theo hình thức BOT. Năm 2016, Bộ GTVT đã phê duyệt Đề xuất dự án đầu tư theo hình thức BOT đối với các hạng mục còn lại của tuyến Chơn Thành - Đức Hòa đã bị tạm đình hoãn, giãn tiến độ cách đó 5 năm, trong đó đề xuất hình thức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo lượt (thu phí hở).

Tuy nhiên, hình thức thu phí dịch vụ như trên có hạn chế là chỉ đáp ứng được tính công bằng tương đối (người dân ở gần trạm thu phí đi quãng đường ngắn, nhưng vẫn phải trả phí). Bên cạnh đó, để hoàn vốn dự án sẽ cần tới 2 trạm thu phí, nên dễ dẫn tới nguy cơ vấp phải phản ứng của các chủ phương tiện và người dân địa phương.

Đó là lý do khiến Bộ GTVT đã phải xin Thủ tướng giao Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh tiếp tục nghiên cứu triển khai hoàn thiện, nâng cấp tuyến Chơn Thành - Đức Hòa theo quy mô cao tốc 4 làn xe và áp dụng hình thức thu giá dịch vụ theo km để đảm bảo tính công bằng cho người sử dụng.

Kết quả nghiên cứu tiền khả thi được tư vấn công bố tháng 06/2018 cho thấy, để hoàn thiện, nâng cấp tuyến Chơn Thành - Đức Hòa có chiều dài 73,55 km đạt tiêu chuẩn cao tốc 4 làn xe hạn chế, bề rộng mặt đường 17 m, hệ thống hầm chui, cầu vượt... cần tối thiểu 6.964 tỷ đồng. Với mức phí dịch vụ sử dụng đường bộ khởi điểm là 1.900 đồng/xe tiêu chuẩn/km, thời gian hoàn vốn Dự án dự kiến là 24 năm 3 tháng.

Sau khi cập nhật lại lãi suất huy động theo Thông tư số 88/2018/BTC quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với các dự án PPP; đơn giá, định mức mới về vận hành, khai thác và bảo trì đường bộ, tổng mức đầu tư dự án đã vọt lên 7.135 tỷ đồng.

Bộ GTVT cho biết, quy mô phương án đầu tư đã là tối thiểu để khai thác theo tiêu chuẩn đường cao tốc; chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá đã tính là 0% nên không thể cắt giảm quy mô và tổng mức đầu tư dự án.

Để đảm bảo tính khả thi tài chính, Bộ GTVT đã đẩy mức phí sử dụng đường bộ khởi điểm tại Dự án lên tới 2.100 đồng/xe tiêu chuẩn/km (cao hơn 600 đồng/km so với tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông) nhưng thời gian hoàn vốn vẫn kéo dài tới 32 năm. Bộ GTVT lo ngại mức phí 2.100 đồng/xe tiêu chuẩn/km đã vượt quá sức chi trả của người dân, trong khi thời gian hoàn vốn lên tới 32 năm cũng là quá dài, rất khó thu hút nhà đầu tư bỏ vốn vào Dự án Xây dựng cao tốc Chơn Thành - Đức Hòa.

Tại Công văn số 2900, Bộ Giao thông - Vận tải cũng đã kiến nghị Thủ tướng giao bộ này nghiên cứu đầu tư hoàn thiện công trình bằng nguồn vốn ngân sách để tránh lãng phí đầu tư.

Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt dự án đầu tư vào cuối năm 2017, thực hiện bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Tuyến đường này là một dự án thành phần của Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, có tổng chiều dài toàn tuyến 83 km, đi qua các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An.

Được biết tuyến đường này chính thức triển khai thi công từ quý IV/2009, nhưng đến năm 2011, Dự án buộc phải dừng, giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/NQ - CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ. Dự án chỉ tiếp tục thi công 3 gói thầu (gói 1, 2, 42) để nối thông tuyến 10 km từ Quốc lộ 14 đến Quốc lộ 13 thuộc tỉnh Bình Phước, các gói thầu còn lại tạm dừng triển khai thi công.

vi sao bot chon thanh duc hoa bi xem xet dung hoat dong

Ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, về tổng thể, Dự án mới hoàn thiện 10/83 km, 73 km còn lại mới xong nền đường, nên chưa thể đưa vào khai thác. Đại diện chủ đầu tư Dự án quan ngại, nếu không được triển khai đầu tư hoàn chỉnh, ngoài việc lãng phí hàng ngàn tỷ đồng đã đầu tư, các cấu kiện bê tông cốt thép, nền đường sẽ hư hỏng nặng sau gần 7 năm đình hoãn.

“Nếu được bố trí khoảng hơn 1.700 tỷ đồng bằng nguồn vượt thu ngân sách, thì Dự án có thể đưa vào khai thác ngay trong năm 2020, mở ra cơ hội lớn cho việc kết nối liên vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên”, lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh mong đợi.

Dự án đường Hồ Chí Minh có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng, điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), dài 3.183 km, tuyến chính dài 2.499 km, nhánh phía Tây dài 684 km.

Theo kế hoạch, đến năm 2020 dự án đường Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành các dự án thành phần để nối toàn tuyến đường với quy mô 2 làn xe.

Sau năm 2020, nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc, phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án này đang gặp khó khăn về vốn, đặc biệt là việc tìm kiếm hơn 35.000 tỷ đồng vốn cho giai đoạn 2 của dự án (từ 2016-2020) là một bài toán khó khi mà ngân sách đang khó khăn và các dự án BOT lại đối diện nhiều phản ứng từ dư luận.

"Số vốn còn lại hơn 35.678 tỷ đồng (34% vốn dự án) giai đoạn 2016 - 2020 của dự án trên cần tiếp tục huy động từ các nguồn khác nhau, trong đó gánh nặng về phân bổ vốn từ trái phiếu Chính phủ là hơn 11.320 tỷ đồng, yêu cầu huy động vốn từ BOT cần đạt hơn 18.700 tỷ đồng, còn lại hơn 5.600 tỷ đồng là số vốn chưa cân đối được nguồn cung", báo cáo của Bộ Giao thông cho hay.

Minh Thuận

Tin cũ hơn
Xem thêm