VCBS chỉ ra những nhân tố chi phối lợi nhuận ngân hàng trong năm 2020

Cập nhật: 17:05 | 30/12/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Theo VCBS lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2020 sẽ phụ thuộc vào khả năng tăng trưởng tín dụng và chất lượng tài sản. Theo đó, nhóm ngân hàng đã đáp ứng chuẩn Basel II có khả năng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận.

vcbs chi ra nhung nhan to chi phoi loi nhuan ngan hang trong nam 2020

Nhiều ngân hàng hé lộ kết quả kinh doanh năm 2019 với những con số khá lạc quan

vcbs chi ra nhung nhan to chi phoi loi nhuan ngan hang trong nam 2020

Lợi nhuận các ngân hàng năm 2019 đã cho kết quả kinh doanh khả quan?

vcbs chi ra nhung nhan to chi phoi loi nhuan ngan hang trong nam 2020

Top 10 ngân hàng có lợi nhuận dẫn đầu năm 2019

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa công bố báo cáo về ngành ngân hàng với nhận định kết quả kinh doanh của các nhà băng trong năm 2020 sẽ phụ thuộc vào khả năng tăng trưởng tín dụng và chất lượng tài sản.

Với các ngân hàng đã đảm bảo được các tỉ lệ an toàn hoạt động của NHNN, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao sẽ là bàn đạp cho tăng trưởng của nhóm này, trong khi chất lượng tài sản tốt giúp giảm trích lập dự phòng rủi ro nhưng vẫn có thể duy trì tỉ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao. Vì vậy, các ngân hàng này có khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng của lợi nhuận.

Ngược lại, nhóm các ngân hàng cần cải thiện các tỉ lệ an toàn sẽ gặp những áp lực nhất định lên nguồn vốn. Trong đó, các ngân hàng đang tái cơ cấu sẽ đưa ra lựa chọn hoặc tăng trưởng tín dụng thấp trong nhiều năm, hoặc đẩy mạnh quá trình xử lí nợ tồn đọng để tạo đà tăng cho những năm tiếp theo.

vcbs chi ra nhung nhan to chi phoi loi nhuan ngan hang trong nam 2020
Ảnh minh họa

Tăng trưởng tín dụng chững lại trong quí III

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 24/9/2019, tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng 8,64%, huy động vốn tăng 9,03% và tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 8,58% so với đầu năm.

Thống kê số liệu của những năm trước đó cho thấy con số tăng trưởng thực tế đến ngày cuối cùng của tháng 9 sẽ cao hơn con số công bố này. Như năm 2018, số tăng trưởng tín dụng chốt quí III là 10,33%, cao hơn số công bố ngày 20/9/2018 tới 0,81%, chỉ trong 6 ngày làm việc cuối quí.

Tuy vậy, dù có đẩy mạnh giải ngân trong ba ngày làm việc cuối tháng (tính từ 24/9/2019), dự tính con số tăng trưởng tín dụng 9 tháng 2019 cũng sẽ chỉ quanh 9%, là mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kì 4 năm gần đây.

Tổng giải ngân tín dụng toàn xã hội trong quí III ước khoảng 120 ngìn tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với mức 226 nghìn tỉ đồng trong quí I/2019 và 305 nghìn tỉ đồng trong quí II/2019.

Về cơ cấu tín dụng, theo số liệu đến tháng 7/2019 từ NHNN, hầu hết các lĩnh vực đều tăng trưởng yếu hơn so với cùng kì năm 2019 trong đó lĩnh vực công nghiệp và thương mại ghi nhận mức tăng trưởng chỉ 5,92% và 8,02%, thấp hơn rất nhiều so với con số cùng kì năm 2018.

Các lĩnh vực nông lâm thủy sản, xây dựng, vận tải và viễn thông đều tăng trưởng thấp hơn so với cùng kì năm trước. Duy chỉ có lĩnh vực hoạt động dịch vụ khác tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt 9,55%, cao hơn nhiều so với 7,41% của tháng 7/2018 và tín dụng tiêu dùng cũng được xếp vào nhóm này.

Lợi nhuận ngân hàng đang phân hóa

Tổng lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm nay của 27 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính đạt 54.383 tỉ đồng, tăng gần 18% so với cùng kì năm trước.

10 ngân hàng lớn có lợi nhuận lớn nhất gồm Vietcombank, Techcombank, VietinBank, BIDV, VPBank, ACB, HDBank, VIB và TPBank đã chiếm tới 84% tổng lợi nhuận của 27 ngân hàng, đạt 45.563 tỉ đồng.

Hai quí đầu năm 2019 chứng kiến sự phân hóa rõ rệt trong tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng. Cụ thể, có tới 9 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm, 5 ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận dưới 10% và có 13 ngân hàng tăng trên 10%.

Ở nhóm 3 ngân hàng thương mại nhà nước, trong khi Vietcombank vẫn thể hiện được "phong độ" ổn định với mức lợi nhuận kỉ lục hơn 11.300 tỉ đồng (tăng 41% so với cùng kì) thì VietinBank và BIDV chững lại thậm chí tuột dốc.

Cụ thể, lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận VietinBank chỉ tăng 1,3% với 5.335 tỉ đồng; còn lợi nhuận BIDV giảm 4% xuống 4.772 tỉ.

Trong các NHTM cổ phần đang niêm yết, sự phân hóa còn diễn ra còn diễn ra mạnh mẽ hơn khi hình thành hai nhóm tăng trưởng.

Nhóm tăng trưởng mạnh lợi nhuận như LienVietPostBank (tăng 81%), TPBank (tăng 58%), VIB (tăng 58%), SHB (tăng 53%), Sacombank (tăng 47%) và MBBank (tăng 27%).

Nhóm thứ hai gồm những ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận thấp hay sụt giảm như Techcombank (tăng 9%), HDBank (tăng 7,2%), Kienlongbank (tăng 0,6%), BacABank (tăng 0,4%), VPBank (giảm 0,8%), ABBank (giảm 7%) và Eximbank (giảm 29%).

Ở các ngân hàng chưa niêm yết, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cũng diễn biến trái chiều khi xuất hiện những ngân hàng tăng mạnh như MSB (tăng 192%), SeABank (tăng 69%), SCB tăng 43%….

Đồng thời cũng có cả các ngân hàng sụt giảm lợi nhuận mạnh như VietABank (giảm 21%), VietABank giảm 19%, VietCapitalBank (giảm 18%), OCB (giảm 14%).

Basel II sẽ tạo ra sự phân hóa

Với khả năng tăng trưởng tín dụng, VCBS cho rằng giới hạn tăng trưởng được cấp và thu nhập lãi thuần của các ngân hàng sẽ phụ thuộc việc đáp ứng chuẩn Basel II của NHNN hay không.

Theo VCBS, những ngân hàng đã được NHNN công nhận đáp ứng chuẩn Basel II theo Thông tư 41/2016 sẽ tiếp tục được ưu tiên trong việc cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng. Với các ngân hàng còn lại, do vốn tự có chưa đủ lớn để đáp ứng nhu cầu tăng của tín dụng, nhu cầu tăng vốn là cấp thiết để đáp ứng Basel II và các tỉ lệ an toàn khác.

"Tín dụng sẽ tập trung phần lớn vào các TCTD có chất lượng tài sản tốt và tín dụng sẽ kém khả quan đối với các TCTD chưa xử lí xong nợ tồn đọng", Nhóm phân tích VCBS nhận định.

Bên cạnh đó, việc thắt chặt có lộ trình các tỉ lệ an toàn hoạt động sẽ đòi hỏi các ngân hàng cần có sự cân đối nguồn vốn, điều đó tạo áp lực lên chi phí vốn của các ngân hàng. Trong khi lãi suất cho vay dự báo được duy trì ổn định, vì vậy, ngành ngân hàng có thể gặp khó khăn trong việc mở rộng biên lãi ròng (NIM) trong năm 2020.

Tuy nhiên, NIM có thể nới rộng hơn đối với các ngân hàng có khả năng cải thiện lợi suất sinh lời của tài sản sinh lãi thông qua mở rộng phân khúc bán lẻ hoặc giảm chi phí vốn thông qua tăng tỉ lệ tiền gửi không kì hạn (CASA). Ngoài ra, xu hướng mở rộng danh mục cho vay đến phân khúc bán lẻ của hệ thống sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2020 nhằm cho phép các ngân hàng cải thiện lợi suất cho vay và giảm thiểu rủi ro tập trung.

"Những ngân hàng có khả năng nâng cao tỉ trọng của phân khúc bán lẻ trên tổng dư nợ sẽ có thể cải thiện lợi suất sinh lời của tái sản sinh lãi nhờ việc cơ cấu lại danh mục tín dụng để hướng đến nhóm sản phẩm có lợi suất cho vay cao hơn", báo cáo phân tích cho biết.

Chất lượng tài sản sẽ ảnh hưởng tới đà tăng trưởng lợi nhuận

Ngoài khả năng tăng trưởng tín dụng, VCBS cho rằng chất lượng tài sản cũng là một yếu tố tác động mạnh tới lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2020.

Theo đó, nhóm các ngân hàng đã hoàn thành việc xử lí nợ tồn đọng như Vietcombank, ACB, MBBank, Techcombank và VIB có lợi thế rõ ràng để duy trì đã tăng trưởng trong dài hạn do không còn phải trích lập lượng lớn dự phòng rủi ro cho các khoản nợ tồn đọng giúp lợi nhuận không bị ăn mòn.

Mặt khác, VCBS dự báo tỉ trọng của thu nhập dịch vụ trong tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm tới.

"Hoạt động bancassurance sẽ giúp nhiều ngân hàng cải thiện lợi nhuận, không chỉ từ phí trả trước của đối tác bảo hiểm mà còn từ khả năng phân phối dịch vụ bảo hiểm tới tệp khách hàng của ngân hàng đó", nhóm phân tích VCBS cho biết.

Hoài Dương