Tài chính xanh

Vàng không đến từ mỏ: Điều ít người biết đằng sau mỗi sản phẩm của PNJ

Nguyễn Đăng 18/05/2025 17:45

Toàn bộ vàng PNJ sử dụng trong năm 2024 là vàng tái chế. Quy trình sản xuất cũng được thiết kế để tiết kiệm nước, tái chế thạch cao, bao bì và kiểm soát phát thải.

Trong ngành kim hoàn, vàng thường được xem là tài nguyên quý cần khai thác và tinh luyện từ mỏ. Tuy nhiên, theo Báo cáo Phát triển Bền vững 2024 của Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ), toàn bộ lượng vàng được sử dụng trong hoạt động sản xuất trang sức của doanh nghiệp này đều đến từ nguồn tái chế.

vàng pnj
Năm 2024, PNJ duy trì sử dụng 100% nguyên vật liệu vàng tái chế

Báo cáo cho biết PNJ duy trì tỷ lệ sử dụng 100% vàng tái chế trong năm 2024. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp không sử dụng vàng khai thác mới từ các mỏ nguyên khai, mà chủ yếu thu hồi vàng từ sản phẩm cũ, nguồn cung tái chế và các kênh hợp pháp đã được kiểm định lại. Đây là một trong những nỗ lực nhằm giảm áp lực lên tài nguyên tự nhiên và hạn chế tác động môi trường từ khai thác vàng – một hoạt động vốn tiêu tốn nhiều nước, năng lượng và hóa chất.

Ngoài vàng, quy trình sản xuất tại PNJ cũng áp dụng một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tài nguyên và giảm thiểu chất thải. Báo cáo ghi nhận năm 2024, PNJ đã cùng đơn vị xử lý đã tái chế 94% tương đương 115,8 tấn rác thải không nguy hại thành vật liệu đầu vào cho ngành xây dựng, điển hình là sản xuất gạch. Doanh nghiệp cũng tái sử dụng hơn 5.000 m³ nước từ hệ thống xử lý nước thải, giảm tải cho nguồn cấp nước sạch trong sản xuất. Trong khâu đóng gói, PNJ đã sử dụng khoảng 600 kg bao bì tái chế, chiếm khoảng 10% tổng lượng bao bì sử dụng trong năm.

Liên quan đến chuỗi cung ứng kim loại quý, PNJ cho biết họ áp dụng hệ thống kiểm định nội bộ để đảm bảo chất lượng nguyên vật liệu. Vàng và kim loại quý được kiểm tra hàm lượng theo theo tiêu chuẩn TCVN 7055:2014, TCVN 9875:2017 trước khi đưa ra thị trường. Doanh nghiệp cũng khẳng định không sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, và triển khai hoạt động thu hồi sản phẩm từ khách hàng để tái chế kim loại quý, tạo vòng đời thứ hai cho sản phẩm.

Trong cùng năm, tổng phát thải khí nhà kính của PNJ là 18.308 tCO₂e, tăng 5% so với năm trước do mở rộng hệ thống cửa hàng, nhưng cường độ phát thải trên mỗi đơn vị sản phẩm đã giảm từ 0,13 tCO₂e/m² năm 2023 xuống 0,12 tCO₂e/m².

Việc áp dụng vàng tái chế không chỉ là biện pháp kỹ thuật mà còn phản ánh sự dịch chuyển trong cách tiếp cận giá trị của sản phẩm: từ vật chất thuần túy sang sự cân nhắc về tác động môi trường và tính minh bạch. Trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu ngày càng đòi hỏi chứng chỉ về nguồn gốc nguyên liệu, trách nhiệm xã hội và khí thải carbon, việc làm chủ chuỗi giá trị bền vững có thể trở thành yếu tố then chốt để duy trì khả năng cạnh tranh.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Vàng không đến từ mỏ: Điều ít người biết đằng sau mỗi sản phẩm của PNJ
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO