Ngân hàng

Vàng là “kênh trú ẩn” nhưng dùng sai cách có thể bị phạt cả trăm triệu đồng

Nguyễn Đăng 18/05/2025 09:42

Việc sử dụng hoặc kinh doanh vàng sai quy định có thể khiến cá nhân, tổ chức đối mặt với mức phạt nặng.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo lần thứ 3 của Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Việc sửa đổi này nhằm cập nhật những thay đổi của Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024, đồng thời tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật, đảm bảo tính răn đe và phù hợp với thực tiễn quản lý hiện nay.

mua bán vàng
Cá nhân dùng vàng để thanh toán có thể bị phạt tiền đến 20 triệu đồng

Một trong những nội dung trọng tâm của dự thảo là quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng. Theo đó, hành vi sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán bị cảnh cáo ngay từ lần đầu và nếu tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần, cá nhân vi phạm có thể bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.

Đối với các tổ chức, doanh nghiệp không có giấy phép nhưng vẫn thực hiện mua bán vàng miếng, dự thảo đề xuất áp dụng mức phạt từ 300 đến 400 triệu đồng. Đây là mức phạt cao nhất được đề cập trong lĩnh vực vàng nhằm ngăn chặn tình trạng kinh doanh trái phép và bảo vệ sự minh bạch của thị trường.

Ngoài ra, nếu không niêm yết công khai giá mua – bán vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ tại các địa điểm giao dịch như quy định, hoặc sản xuất vàng trang sức mà không công bố tiêu chuẩn áp dụng, không ghi nhãn hàng hóa đúng luật, tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt từ 30 đến 40 triệu đồng.

Mức phạt từ 80 đến 100 triệu đồng cũng được đề xuất cho các hành vi như mang vàng xuất nhập cảnh không đúng quy định, ngoại trừ những vi phạm thuộc lĩnh vực hải quan.

Đặc biệt, dự thảo còn bổ sung hình thức xử phạt bổ sung, bao gồm tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng trong thời hạn từ 6 đến 9 tháng hoặc giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu dùng để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong thời hạn từ 9 đến 12 tháng, tùy theo mức độ vi phạm.

Mới đây, trước diễn biến phức tạp của thị trường vàng trong nước và quốc tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 64, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước triển khai khẩn trương các biện pháp quản lý và ổn định thị trường vàng.

Thủ tướng nêu rõ, dù thời gian qua Chính phủ đã liên tục ban hành Nghị quyết, Chỉ thị và Công điện nhằm kiểm soát thị trường vàng, nhưng một số bất cập nội tại vẫn chưa được xử lý triệt để. Trong bối cảnh giá vàng thế giới biến động mạnh do ảnh hưởng từ bất ổn địa chính trị toàn cầu, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế đã có xu hướng tăng trở lại sau giai đoạn kiểm soát ổn định hồi đầu tháng 4.

Theo chỉ đạo mới, Ngân hàng Nhà nước phải theo dõi sát giá vàng, cả trong nước và quốc tế, đồng thời chủ động triển khai các biện pháp ổn định thị trường, nhằm ngăn ngừa tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất và an toàn tài chính quốc gia.

Đáng chú ý, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương ban hành kết luận thanh tra đối với các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng kinh doanh vàng, xử lý nghiêm các sai phạm theo Quyết định số 324/QĐ-TTGSNH2 ngày 17/5/2024. Kết quả thanh tra phải được báo cáo lên Thủ tướng trong tháng 5.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan gấp rút hoàn thiện đề xuất sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Dự thảo nghị định mới này cần được trình Chính phủ theo thủ tục rút gọn ngay trong tháng 6.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Vàng là “kênh trú ẩn” nhưng dùng sai cách có thể bị phạt cả trăm triệu đồng
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO