Tài chính xanh

"Tự cung tự cấp", Hòa Phát đang vận hành vòng tuần hoàn khép kín như thế nào?

Nguyễn Đăng 17/05/2025 11:40

Tự chủ tới 90% điện năng cho luyện thép, Hòa Phát đang vận hành hệ thống sản xuất tuần hoàn khép kín giúp giảm phát thải và tăng lợi thế xuất khẩu xanh.

Trong bối cảnh ngành thép toàn cầu đối mặt với áp lực cắt giảm phát thải và chuyển đổi sang mô hình sản xuất bền vững, việc một doanh nghiệp tại Việt Nam có thể tự cung cấp tới 90% nhu cầu điện phục vụ sản xuất thép được xem là đáng chú ý. Đây là kết quả mà Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) đạt được trong năm 2024, theo nội dung được nêu trong báo cáo thường niên của doanh nghiệp này.

hpg.jpg
Hòa Phát tự chủ 90% điện sản suất thép

Năm 2024, sản lượng thép thô của Hòa Phát đạt 8,7 triệu tấn, tăng 30% so với năm trước. Mức tăng trưởng này diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn kiểm soát hiệu quả chi phí năng lượng, nhờ vận hành mô hình sản xuất tuần hoàn khép kín, đặc biệt tại các khu liên hợp như Dung Quất. Theo đó, các nhà máy luyện thép của Hòa Phát tận dụng nhiệt dư từ quá trình luyện than cốc để phát điện, đồng thời thu hồi khí than sinh ra trong quá trình luyện gang và thép để sử dụng làm nhiên liệu cho nồi hơi công nghiệp.

Việc tái sử dụng các nguồn năng lượng nội sinh này không chỉ giúp giảm nhu cầu sử dụng điện lưới, mà còn góp phần cắt giảm lượng phát thải khí CO₂ – một yếu tố quan trọng trong bối cảnh Việt Nam và nhiều nước đang đẩy mạnh thực thi các cam kết giảm phát thải theo Thỏa thuận Paris. Việc chủ động năng lượng cũng giúp doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào điện từ nguồn nhiệt điện – vốn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu điện năng tại Việt Nam hiện nay.

Hệ thống sản xuất tại Dự án Dung Quất 2 – một trong những dự án trọng điểm của Hòa Phát – được trang bị công nghệ luyện – đúc – cán liên tục đến từ châu Âu. Công nghệ này cho phép rút ngắn các công đoạn trung gian trong chuỗi sản xuất, qua đó nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng và giảm tổn thất nhiệt. Khi kết hợp với cơ chế tận dụng nhiệt dư và khí than để phát điện, hệ thống này giúp tối ưu hóa nguồn năng lượng sẵn có trong quá trình vận hành.

Trong bối cảnh quốc tế siết chặt các quy định về phát thải, khả năng tự chủ năng lượng trở thành một lợi thế cạnh tranh. Từ năm 2026, Liên minh châu Âu sẽ chính thức triển khai Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), theo đó các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào EU sẽ phải nộp chứng chỉ carbon tương ứng với lượng phát thải trong quá trình sản xuất. Với hơn 2,63 triệu tấn thép xuất khẩu trong năm 2024 – tương đương 31% tổng doanh thu – Hòa Phát thuộc nhóm doanh nghiệp Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơ chế này.

Bên cạnh việc tối ưu vận hành sản xuất, Hòa Phát đã tiến hành kiểm kê khí nhà kính theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 14064-1:2018 và ISO 14067:2018. Đến tháng 1/2025, hơn 10 công ty thành viên đã được tổ chức BSI (Anh Quốc) cấp chứng nhận kiểm kê phát thải. Động thái này được xem là một bước chuẩn bị cho việc tham gia thị trường tín chỉ carbon trong nước – dự kiến được thí điểm từ năm 2025 theo lộ trình của Chính phủ.

      Nổi bật
          Mới nhất
          "Tự cung tự cấp", Hòa Phát đang vận hành vòng tuần hoàn khép kín như thế nào?
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO