Thủy điện cạn nước, cổ phiếu điện "có khát" dòng tiền?

Cập nhật: 15:28 | 09/06/2023 Theo dõi KTCK trên

Nhiều hồ thủy điện rơi vào tình trạng cạn nước, gây ra nhiều áp lực đối với ngành điện lực trong giai đoạn gần đây. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu điện bắt đầu có dấu hiệu "khát" dòng tiền so với giai đoạn đầu tháng 5/2023.

Việc nhiều hồ thủy điện đang vận hành dưới mực nước chết trong thời gian gần đây đã gây ra nhiều áp lực đối với toàn ngành điện lực, từ đó ảnh hưởng tới các doanh nghiệp cũng như người dân trên cả nước.

Theo chia sẻ của ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), tính đến ngày 6/6, hầu hết hồ thủy điện lớn miền Bắc đã về mực nước chết, gồm: Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát, Hủa Na, Thác Bà. Riêng hồ thủy điện Lai Châu và Sơn La đã xuống dưới mực nước chết.

Thủy điện cạn nước, cổ phiếu điện "khát" dòng tiền
Thủy điện Hòa Bình. Nguồn: EVN.

Tại thủy điện Hòa Bình, tình trạng cũng không mấy khả quan. Theo ông Phạm Văn Vương - Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình, cho biết những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6 vừa qua do thiếu hụt nguồn nên thủy điện thường huy động công suất ở mức cao, mực nước hồ xuống khá nhanh do hầu như không có nước về trên lưu vực sông Đà. Trong chiều ngày hôm qua 8/6, mực nước hồ thủy điện Hòa Bình chỉ còn 103,45m, giảm gần 6m so với cách đây hai tuần, trong khi lưu lượng nước về hồ chỉ khoảng 40m3/s. Theo quan điểm của ông Vương, nếu vận hành liên tục tối đa thì khoảng 12 - 13 ngày hồ Hòa Bình sẽ xuống mực nước chết (80m).

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu điện bắt đầu có dấu hiệu "khát" dòng tiền sau nhịp tăng đáng kể trong tháng 5/2023. Trong giai đoạn tháng 5, cổ phiếu điện được NĐT đặc biệt quan tâm khi Quy hoạch Điện VIII chính thức được thông qua. Ngoài ra, việc tăng giá điện 3% cũng được áp dụng kể từ tháng 5. Tuy nhiên, trong đầu tháng 6, dòng tiền đã bắt đầu chốt lời và rút khỏi nhóm cổ phiếu này mặc dù có hai thông tin tích cực trên. Các cổ phiếu thuộc ngành điện như GEG, GHC, POW, NT2,.. đã cho những tín hiệu tạo đỉnh ngày càng rõ ràng hơn, minh chứng là lực bán nhóm cổ phiếu này bắt đầu mạnh hơn và đà tăng điểm đã chấm dứt, điển hình như NT2 đã vào xu hướng giảm điểm trong ngắn hạn.

Thủy điện cạn nước, cổ phiếu điện "khát" dòng tiền
Diễn biến giá cổ phiếu NT2 trong phiên giao dịch hôm nay.

Việc dòng tiền rút khỏi thể hiện kỳ vọng không mấy lạc quan của NĐT vào nhóm ngành trong ngắn hạn khi tình trạng thiếu điện đang diễn ra khắp cả nước. Tuy nhiên, về dài hạn, nhóm cổ phiếu điện vẫn còn nhiều tiềm năng tăng giá và hứa hẹn đem lại những khoản lãi lớn đối với NĐT. Agriseco Research cho rằng, trong dài hạn điện gió, điện mặt trời, điện khí sẽ được hưởng lợi trong khi điện than và thủy điện sẽ chịu nhiều tác động.

Điện gió

Trong dài hạn ngành điện gió được đánh giá khả quan do Quy hoạch điện VIII định hướng phát triển năng lượng tái tạo trong đó điện gió được đẩy mạnh phát triển. Tỷ trọng trong cơ cấu nguồn điện tăng từ 5% năm 2022 lên 19% 2030 và 29% năm 2050.

Điện mặt trời

Trong dài hạn, Agriseco Research đưa quan điểm trung lập với điện mặt trời. Đến năm 2050, điện mặt trời đặt mục tiêu tăng trưởng công suất trở lại, chiếm tỷ trọng cao nhất với 34% trong cơ cấu nguồn phát song triển vọng còn phụ thuộc vào phát triển hạ tầng có thể theo kịp công suất phát.

Thủy điện

Thủy điện được dự báo kém khả quan trong ngắn hạn do thời tiết bước vào giai đoạn El Nino với lượng mưa giảm đáng kể so với giai đoạn 2020 - 2022 - đây là yếu tố bất lợi đối với nhóm thủy điện. Trong dài hạn, quan điểm được nâng lên trung lập do thủy điện vừa và lớn đã hết tiềm năng khai thác nên sẽ tập trung vào thủy điện nhỏ. Tỷ trọng trong cơ cấu nguồn điện, giảm dần từ 28% năm 2022 xuống 20% năm 2030 và 7% năm 2050.

Điện than

Ngành điện than trong ngắn hạn được đánh giá khả quan vì vẫn là một phần trọng yếu trong hệ thống điện quốc gia (chiếm tới 1/3 tổng sản lượng điện). Tuy nhiên trong dài hạn, với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tỷ trọng nguồn điện than trong cơ cấu điện có xu hướng giảm dần và đến năm 2050 không còn sử dụng điện than để phát điện.

Điện khí

Giống như điện than, nhóm điện khí trong ngắn hạn cũng được dự báo khả quan do nhiệt điện khí được ưu tiên phát triển thay thế nhiệt điện than với tỷ trọng trong cơ cấu nguồn điện tăng từ mức 11% năm 2022 lên 25% năm 2030; bên cạnh đó khả năng phát điện từ nguồn thủy điện giảm, nhờ vậy kỳ vọng sản lượng từ nhiệt điện khí tăng. Trong dài hạn, đến năm 2050, chính phủ định hướng các nhà máy sử dụng LNG chuyển dần sang sử dụng khí Hydro do đó điện khí LNG vẫn đối mặt với cắt giảm trong tương lai. Do đó quan điểm nhóm phân tích đưa ra là trung lập.

El Nino xuất hiện, cổ phiếu điện "nổi sóng"

Nhóm cổ phiếu điện tiếp tục có diễn biến tích cực sau Quy hoạch điện VIII, cũng như tình hình tiêu thụ điện đang ở ...

Tính chuyện đường dài với cổ phiếu năng lượng

Bộ phận phân tích các công ty chứng khoán nhìn nhận, trong trung hạn các doanh nghiệp lĩnh vực xây lắp hạ tầng điện sẽ ...

Cổ phiếu ngành điện "nóng" giữa tâm điểm "cắt điện luân phiên"

Hiện tại, ngành điện đang nhận được sự quan tâm lớn vì nhiều địa phương phải cắt điện luân phiên, trên sàn chứng khoán, cổ ...

Thành An