Tính chuyện đường dài với cổ phiếu năng lượng

Cập nhật: 14:32 | 25/05/2023 Theo dõi KTCK trên

Bộ phận phân tích các công ty chứng khoán nhìn nhận, trong trung hạn các doanh nghiệp lĩnh vực xây lắp hạ tầng điện sẽ được hưởng lợi rõ ràng nhất nhờ khối lượng công việc tăng khá cao, đặc biệt là doanh nghiệp xây lắp trong các nhóm ngành điện khí và năng lượng tái tạo...

Lĩnh vực nào hưởng lợi sớm nhất?

Quy hoạch điện VIII chính thức được Chính phủ phê duyệt (ngày 15/5) đã mở ra một chương mới cho ngành điện Việt Nam. Sự chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ đồng thời tạo nên áp lực tài chính lớn hơn để đáp ứng những nhu cầu phát triển về nguồn điện. Trên thị trường chứng khoán, nhóm các doanh nghiệp xây lắp điện dự báo sẽ được hưởng lợi sớm nhất từ chính sách nói trên, kế sau đó đó là các nhà phát triển điện gió và điện khí. Bằng chứng là nhóm cổ phiếu này có nhịp tăng khá mạnh, tuy nhiên cũng có phần khá chóng vánh. Theo các chuyên gia, diễn biến này cho thấy dòng tiền trên thị trường hiện nay vẫn đang tìm kiếm những mã đầu cơ là chính, do triển vọng tăng trưởng của các nhóm ngành này phải nhìn trong tương lai dài hạn.

Tính chuyện đường dài với cổ phiếu năng lượng
Quy hoạch điện VIII chính thức được Chính phủ phê duyệt đã mở ra một chương mới cho ngành điện Việt Nam.

Bộ phận phân tích các công ty chứng khoán nhìn nhận, trong trung hạn các doanh nghiệp lĩnh vực xây lắp hạ tầng điện sẽ được hưởng lợi rõ ràng nhất nhờ khối lượng công việc tăng khá cao, đặc biệt là doanh nghiệp xây lắp trong các nhóm ngành điện khí và năng lượng tái tạo.

Công ty CP Chứng khoán VnDirect cho biết, trong dài hạn hơn, một số doanh nghiệp dầu khí dự kiến cũng sẽ được hưởng lợi do tham gia vào lĩnh vực xây lắp điện gió ngoài khơi. Ngoài ra, một số doanh nghiệp điện khí nói chung và điện khí LNG nói riêng có triển vọng tươi sáng hơn do sở hữu dự án đã được phê duyệt trong quy hoạch bao gồm Nhơn Trạch 3&4 (POW), LNG Long Sơn (PGV, TV2), Ô Môn 3,4 (GE2). Dù vậy, VnDirect cũng đánh giá Quy hoạch điện VIII sẽ khó thực hiện hơn Quy hoạch điện VII điều chỉnh do sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn điện giá cao như điện khí và điện năng lượng tái tạo, trong khi các công nghệ thay thế nhiên liệu đầu vào như hydro, amoniac cho các nhà máy nhiệt điện vẫn chỉ đang ở giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm. Bên cạnh đó, đối với nhóm năng lượng tái tạo, VnDirect cho rằng, hiện còn quá sớm để đánh giá, vì chính sách giá năng lượng tái tạo mới là yếu tố làm rõ ràng hơn triển vọng của nhóm ngành.

Theo quan điểm từ Công ty CP Chứng khoán Bản Việt, Quy hoạch điện VIII cung cấp pháp lý vững chắc cho việc phát triển dự án Lô B, qua đó mang lại lợi ích cho nhiều doanh nghiệp dầu khí. Theo nhìn nhận từ một số đơn vị, Luật Dầu khí sửa đổi có hiệu lực từ 01/07/2023 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều dự án dầu khí trong nước khởi công từ năm 2024, trong đó có dự án Lô B.

Ở góc nhìn thận trọng, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam nhìn nhận, với Quy hoạch điện VIII, nhóm doanh nghiệp khai thác than đá trên sàn chứng khoán có thể bị ảnh hưởng do nhu cầu không còn nhiều như trước. Trong khi đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như Licogi16, BCG, GEX… có thể hưởng lợi trong tương lai.

Ông Phương cũng lưu ý Quy hoạch điện VIII có lộ trình khá dài, từ năm 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050, do đó sẽ chưa thể có tác động ngay trong ngắn hạn với các cổ phiếu trên sàn chứng khoán. “Những ảnh hưởng hiện tại chỉ mang yếu tố tâm lý do sự phấn khích của nhà đầu tư nhỏ và cả nhà đầu tư lớn nhân cơ hội mua trước, tạo làn sóng ngắn hạn trên thị trường”, ông Phương nhấn mạnh.

Phân bổ dòng tiền theo cơ cấu nguồn tiền

Theo các chuyên gia, sự ra đời của Quy hoạch điện VIII không hẳn là đánh dấu cho sự “hết thời” của nhóm điện than. Nhóm này được đánh giá khả quan trong ngắn hạn do vẫn là một phần trọng yếu trong hệ thống điện quốc gia (chiếm tới 1/3 tổng sản lượng điện); và khả năng phát từ nguồn thủy điện sẽ giảm, kỳ vọng giá phát điện và sản lượng huy động nhiệt điện than tăng. Dĩ nhiên, nhóm này có triển vọng kém khả quan trong dài hạn do mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tỷ trọng nguồn điện than trong cơ cấu điện có xu hướng giảm dần và đến năm 2050 không còn sử dụng điện than để phát điện.

Tương tự điện than, nhóm điện khí trong ngắn hạn cũng được dự báo khả quan do ưu tiên phát triển thay thế nhiệt điện than với tỷ trọng trong cơ cấu nguồn điện tăng từ mức 11% năm 2022 lên 25% năm 2030; bên cạnh đó khả năng phát điện từ nguồn thủy điện giảm, nhờ vậy kỳ vọng sản lượng từ nhiệt điện khí tăng.

Đội ngũ phân tích Agriseco Research đưa ra quan điểm trung lập trong ngắn hạn với nhóm điện gió: Điểm cộng là nhóm này được ưu tiên phát triển thay thế cho điện mặt trời đến năm 2030 với tỷ trọng trong cơ cấu nguồn phát tăng từ 5% lên 19%; song điểm trừ là cơ chế giá mới cho các dự án điện gió chuyển tiếp giảm hơn 20% so với giá FIT sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của các doanh nghiệp. Trong dài hạn, ngành điện gió được đánh giá khả quan do Quy hoạch điện VIII định hướng tỷ trọng điện gió trong cơ cấu nguồn điện tăng từ 5% năm 2022 lên 19% năm 2030 và 29% năm 2050.

Đối với điện mặt trời, Agriseco Research nhận định, trong ngắn hạn sẽ kém khả quan do sự phát triển nhanh trong giai đoạn 2019 - 2021 dẫn đến quá tải lưới điện. Do đó, các dự án chưa giao chủ đầu tư, trước mắt sẽ bị trì hoãn và xem xét sau. Công ty này nhận định, “thời” của điện mặt trời phải nhìn trong dài hạn. Bởi đến năm 2050, điện mặt trời đặt mục tiêu tăng trưởng công suất trở lại, chiếm tỷ trọng cao nhất với 34% trong cơ cấu nguồn phát. Song triển vọng của nhóm này cũng phụ thuộc vào phát triển hạ tầng có thể theo kịp công suất phát hay không.

Đáng chú ý, nhóm xây lắp điện được đánh giá tích cực trong cả ngắn và dài hạn. Agriseco Research nhận định, Quy hoạch điện VIII tạo hành lang pháp lý triển khai các dự án truyền tải điện, qua đó kỳ vọng đơn đặt hàng xây lắp mới sẽ được ký trong nửa cuối năm 2023. Vốn đầu tư trung bình cho hệ thống lưới điện lên tới 1,5 tỷ USD/năm giai đoạn 2021 - 2030; và 1,9 tỷ USD/năm giai đoạn 2031 - 2050 tạo động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp xây lắp, tư vấn khi các gói thầu thi công lưới điện tăng, tuy nhiên cơ hội sẽ phân hóa vào các doanh nghiệp có năng lực triển khai dự án tốt và tình hình tài chính lành mạnh. Cơ hội đầu tư với các cổ phiếu nhóm này là PC1, TV2, PVS.

Lãi suất giảm, tâm lý thận trọng vẫn đeo bám nhà đầu tư chứng khoán

Thời gian gần đây, thông tin giảm lãi suất không còn tác động quá mạnh đến thị trường chứng khoán khi thị trường phản ứng ...

Chứng khoán phiên sáng 25/5: Tiền vào mã nhỏ, sắc đỏ lấn át

Thị trường chứng khoán phiên giao dịch sáng nay 25/5, chỉ số VN-Index tiếp tục dao động trong biên độ hẹp quanh tham chiếu do ...

Thị trường chứng khoán ngày 25/5/2023: Tín hiệu kỹ thuật phiên chiều

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam dẫn nguồn Vietstock đưa ra những phân tích tín hiệu kỹ thuật phiên chiều ngày ...

Nhật Hải