"Thượng đế" dễ dãi và cả tin đang tạo đất sống cho cà phê “bẩn”

Cập nhật: 10:18 | 15/09/2023 Theo dõi KTCK trên

Vì lợi nhuận, các đối tượng xấu sẵn sàng dùng các loại “nguyên liệu” như đậu nành, bắp cùng các chất phụ gia, hóa chất độc hại để cho ra lò những mẻ cà phê thượng hạng. Theo các chuyên gia y tế, trong các loại hóa chất đó, có nhiều chất gây ung thư, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng. Và hằng ngày đang có hàng triệu người phải uống các chất... cực độc này.

Sự dễ dãi của người tiêu dùng

Các chuyên gia y tế cho rằng, theo thói quen hoặc do sự dễ dãi và cả tin, cũng như thiếu thông tin, đa số người tiêu dùng Việt đang có những nhận thức không đúng đắn về chất lượng cà phê. Theo họ một ly cà phê ngon phải đảm bảo ba yếu tố: Bọt nhiều (bọt trắng), đậm đặc (sánh) và đen. Nhưng thực tế, cà phê nguyên chất không thể tạo ra ba yếu tố này. Cà phê nguyên chất chỉ có màu nâu cánh gián (đậm hoặc nhạt, tùy theo phong cách của từng nhà sản xuất), khi pha nước thường trong, không sánh và một ít bọt nâu từ cà phê.

Giá rẻ cũng chính là cơ sở cho các loại cà phê “bẩn”, cà phê “đểu” có đất sống trong thời buổi hiện nay. Theo ông Đoàn Triệu Nhạn, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, mỗi năm cả nước tiêu thụ khoảng 56 ngàn tấn cà phê. Trong đó, có ít nhất 1/3 số cà phê nói trên có sử dụng các loại phụ gia. Thế nhưng, đang có một thực tế rằng, người nông dân trồng cà phê đã nhiều phen điêu đứng vì giá cà phê lên xuống thất thường. Trong khi đó, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất thì liên tục leo thang. Dù vậy, các nhà sản xuất, nhà phân phối vẫn sống... khỏe re.

Ông Trần Trung Dũng, một người từng có nhiều năm phân phối cà phê tại thị trường các tỉnh phía Nam cho biết: “Việc thu lợi nhuận từ sản xuất cà phê theo công thức bắp, đậu nành + hóa chất = cà phê đã đem lại nguồn thu khổng lồ. Theo đó, mỗi ký cà phê bán ra chừng 30 – 40 ngàn đồng nhưng các yếu tố cho sản xuất khoảng chừng 5 – 10 ngàn/kg cà phê là cao lắm. Đó là chưa kể nó vào các quán cà phê lại sinh lời lên tới 300 – 400 trăm ngàn là bình thường. Vì một ly cà phê chỉ cần bán ra với giá 10 – 15 ngàn đồng thôi là đủ lời”.

Thực tế cho thấy, có không ít các quán cà phê vỉa hè đang sử dụng loại cà phê này. Vào giữa năm 2016, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas) đã công bố kết quả khảo sát về thức uống cà phê tại bốn tỉnh, thành gồm Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương và Sóc Trăng. Kết quả cho thấy trong 253 mẫu cà phê được khảo sát có tới 30,04% có hàm lượng caffeine rất thấp (dưới 1g/l). Đặc biệt có tới năm mẫu hoàn toàn không chứa caffeine.

Các mẫu khảo sát này được mua ngẫu nhiên tại các điểm kinh doanh cà phê khác nhau gồm: Quán cà phê lịch sự, quán cóc, căn tin bệnh viện, cà phê xe đẩy và cà phê vỉa hè. Đáng chú ý nhóm cà phê không có caffeine hoặc hàm lượng không đáng kể chủ yếu được bày bán tại các quán cà phê vỉa hè, xe đẩy, căn tin bệnh viện, trường học. Theo Vinatas, kết quả khảo sát nhanh này chủ yếu mới phản ánh về cà phê đang được cung cấp cho phân khúc bình dân. Vì vậy, để có cái nhìn toàn diện hơn về thị trường cà phê pha ở Việt Nam, nhất là về chất lượng, vệ sinh an toàn… thì cần có những nghiên cứu về nhiều chỉ tiêu hơn và ở địa bàn rộng hơn.

Rước họa vào thân

Sự dễ dãi của người tiêu dùng và công tác giám giát sát, kiểm tra chưa chặt chẽ chính là cơ sở để các loại cà phê “bẩn” tấn công người tiêu dùng. Bởi, tất cả những thành phần độc hại không thể thiếu trong các loại cà phê này tạo thành một dòng sản phẩm cà phê rất “đặc thù” với hàng loạt những mối nguy hiểm không giới hạn đến sức khỏe người tiêu dùng. Ví như với việc sử dụng bắp (ngô) và đậu nành được rang cháy khét cùng đường caramen sẽ tạo ra khoảng gần 21 loại độc tố có hại cho cơ thể. Trong đó có các chất: acrylamide, heterocylic amines, HCAs… là những chất gây ung thư.

Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu khoa học vì lợi ích của cộng đồng (CSPI) tại Mỹ vừa đưa ra báo cáo về nguy cơ gây ung thư của các chất tạo màu caramel thường sử dụng trong công nghiệp chế biến thực phẩm. Chất tạo màu caramel có công thức hóa học là 4-methylimidazole (4-MI), được tạo ra thông qua quá trình biến đổi hóa học có liên quan đến ammonia-sulfite. Độc tính của 4-MI gây ra ung thư trên chuột. Đó là caramel được phép dùng trong công nghiệp thực phẩm, còn cái thứ caramel trôi nổi mua ở chợ để chế cà phê giả là caramel chế từ gỉ đường chứa đầy độc tố, kinh khủng gấp nhiều lần so với thứ CSPI cảnh báo.

Hoặc chất CNC tạo sánh, nếu là loại được sử dụng cho công nghiệp, có khả năng gây ung thư vì chứa nhiều tạp chất độc hại. Ngay cả loại dùng cho thực phẩm, nếu dùng quá liều cũng độc hại. Theo quy định, việc chế biến thực phẩm, thức uống sử dụng các chất như tạo màu, tạo bọt, tạo thơm… phải được sự cho phép của Bộ Y tế. Chất nào không được phép thì tuyệt đối không được cho vào. Tất cả sản phẩm đều phải công bố hàm lượng, tiêu chuẩn sản phẩm trên nhãn mác, bao bì. Thế nhưng, việc bao bì, nhãn mác “qua mặt” cơ quan chức năng là rất dễ dàng.

Theo giáo sư Phạm Ngọc Sơn, phó chủ tịch Liên hiệp hội khoa học - kỹ thuật TP.HCM, chủ tịch Hội hóa học TP.HCM thì tinh cà phê mà các cơ sở chế biến đang sử dụng hiện nay đa phần là tinh tổng hợp, chủ yếu được làm từ hóa chất mà ra. Tuy nhiên, cũng cần phải phân biệt rõ là phẩm màu dùng trong công nghiệp khác xa với phẩm màu dùng trong thực phẩm. Dù cùng một công thức nhưng phẩm màu dùng trong công nghiệp có chứa nhiều tạp chất và các kim loại độc hại hơn. Ngoài những hóa chất, phụ gia, phẩm màu độc hại thì việc rang cháy đậu nành để cho giống cà phê thật sẽ làm phân hủy các thành phần dinh dưỡng và nó sẽ sản sinh ra các chất rất độc hại cho người sử dụng.

Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Văn Oai cho biết, đậu nành và bắp là hai loại ngũ cốc có hàm lượng dinh dưỡng tốt cho cơ thể nhưng khi đã rang cháy để giống “cà phê thật” thì nó lại có tác dụng gây nhiều loại bệnh cho người sử dụng, kể cả bệnh ung thư. Đó là chưa kể các loại hóa chất khác mà các cơ sở chế biến dùng để trộn vào nhằm tạo mùi và hương vị như cà phê thì mức độ nguy hại còn có thể gia tăng hơn nhiều.

Bác sĩ Trần Văn Ký, Hội khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm Việt Nam (chi nhánh phía Nam) cũng nhìn nhận, tình trạng sử dụng phụ gia, phẩm màu độc hại, trôi nổi hiện nay là rất phổ biến, cơ quan chức năng không quản lý hết được. Các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm thường dùng phụ gia, phẩm màu công nghiệp để cho vào thực phẩm. Bởi, nó rẻ hơn nhiều lần so với phụ gia cùng loại dùng trong thực phẩm. Đáng sợ nhất của phẩm màu, phụ gia công nghiệp vì nó chứa rất nhiều tạp chất, các kim loại nặng như thủy ngân, chì, asen... Nếu dùng lâu dài, các độc chất này tích tụ sẽ giết dần mòn cơ thể và chúng có nguy cơ gây ung thư.

Riêng kháng sinh chloramphenicol được những đối tượng xấu dùng nhiều trong chế biến cà phê, nếu dùng không đúng thì không chỉ làm lờn thuốc mà nó còn độc cho gan và làm suy tủy, ảnh hưởng lên thận. Với đường hóa học Sodium Cyclamate, loại đường có độ ngọt gấp 50 lần so với đường mía thông thường, bị cấm sử dụng trong thực phẩm vì nó có nguy cơ gây ung thư cho người sử dụng. Nó cũng có nguy cơ gây hội chứng Down, ảnh hưởng trên thai phụ. Thử nghiệm ở chuột, người ta nhận thấy đường Cyclamate còn gây cao huyết áp và làm teo tinh hoàn...

Rước họa vào thân từ miếng dán xăm môi giá rẻ

Miếng dán xăm môi được bán với giá 10.000 – 15.000 đồng là các bạn trẻ hoàn toàn có thể biến đôi môi của mình ...

Bóc trần sự thật chữa đau dạ dày bằng mật ong và tinh bột nghệ

Lâu nay, dân gian ta vẫn rần rần rỉ tai nhau về tác dụng "thần thánh" của mật ong và tinh bột nghệ với người ...

Bóc trần sự thật về trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi vận mệnh

Phẫu thuật thẩm mỹ như nâng mũi, gọt hàm, cắt mí… để làm đẹp, nhưng không ít người đã lạm dụng với ảo tưởng thay ...

Phương Nga