Rước họa vào thân từ miếng dán xăm môi giá rẻ

Cập nhật: 11:07 | 14/09/2023 Theo dõi KTCK trên

Miếng dán xăm môi được bán với giá 10.000 – 15.000 đồng là các bạn trẻ hoàn toàn có thể biến đôi môi của mình trở thành màu da báo; nửa đỏ, nửa đen hay phát quang trong bóng tối. Thế nhưng, theo các chuyên gia hóa chất xăm, những miếng dán rẻ tiền này chủ yếu làm từ nhựa polymer. Chì, mực xăm có thể làm từ than hoặc các phẩm màu lạ rất độc hại.

Miếng dán xăm môi: Siêu rẻ, siêu độc

Dạo quanh một số chợ đêm, chợ sinh viên, những mặt hàng làm đẹp này được bày bán công khai, la liệt và đương nhiên là không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Theo lời quảng cáo của một chủ ki-ốt mỹ phẩm tại chợ, loại dán môi tiện ích này gần đây được khá nhiều bạn trẻ yêu thích bởi sử dụng đơn giản lại rẻ tiền. “Chỉ cần đo và cắt tỉa sao cho phù hợp, chiều dài rộng của môi, sau đó bóc lớp nilon phía trên, dán ngược miếng dán lên môi và họa tiết hình xăm sẽ được in lên môi”. Quả thật, khác với các phương pháp tô son, kẻ vẽ truyền thống, miếng xăm môi này sử dụng rất đơn giản, hơn nữa, nó còn có thể tạo ra vô vàn hình trang trí khác nhau.

Rước họa vào thân từ miếng dán xăm môi giá rẻ
Miếng dán xăm môi siêu tốc rẻ tiền tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Giá của những sản phẩm này phải nói là rất rẻ, hợp túi tiền của đông đảo các bạn học sinh, sinh viên, chỉ từ 5.000 đến 30.000 đồng cho 1 – 3 miếng dán, trong khi đó, giá của các sản phẩm chính hãng phải từ 150.000 đến 350.000 đồng tùy loại. Mỗi miếng dán trôi nổi này được bọc trong bao nilon đơn giản. Thông tin sản phẩm hết sức sơ sài, chỉ có vài dòng giới thiệu chung chung, không có hạn sử dụng cũng như thành phần cơ bản. Ở một số quầy hàng, miếng dán xăm môi này được bán kèm cùng một lọ hóa chất tẩy trang, đó là một dung dịch trong như nước rất giống với Acetone nhưng lại có tác dụng tẩy nhanh chóng màu xăm trên môi.

Trước đó, người viết đã có dịp đến thăm khu chợ đêm nhộn nhịp ở làng Phùng Khoang, đây cũng được coi là địa chỉ quen thuộc của các tín đồ giá rẻ, từ quần áo, giày dép, mũ nón cho đến các mặt hàng mỹ phẩm. Trong không khí nhộn nhạo của buổi chợ đêm, hai cô sinh viên trẻ tuổi hứng thú chọn miếng xăm môi yêu thích. Dường như, các bạn trẻ này hoàn toàn chỉ mua theo sở thích và cảm tính chứ không hề chú ý đến nhãn mác, chất lượng hay những nguy hiểm có thể gặp phải khi sử dụng sản phẩm. Khi được hỏi là có biết loại xăm này được làm từ gì, xuất xứ từ đâu, tác hại của hóa chất lên da như thế nào, thì các em chỉ biết lắc đầu.

Miếng dán làm từ nhựa, than và hóa chất lạ

Theo thông tin từ những người bán hàng, món hàng này thường chỉ đắt khách dịp lễ hay hội hè, ví dụ như vào ngày Halloween, giáng sinh hay tiệc tùng, sinh nhật,... các bạn trẻ thích tự làm đẹp, khiến mình trở nên nổi bật hơn. Khách hàng cũng chủ yếu là các bạn học sinh, sinh viên, những người ít tiền nhưng luôn thích trải nghiệm điều mới lạ. Cũng vì muốn thể hiện bản thân, Hồng Liên - sinh viên năm cuối và các bạn trong nhóm đã rủ nhau tìm mua miếng dán xăm môi siêu tốc này dùng thử, nay ánh kim, mai ánh tím, rồi lại chấm bi, da báo. Thích thì chơi, các bạn trong nhóm của Liên cũng không thể ngờ có một ngày phải vào Bệnh viện Da liễu điều trị chứng ngứa ngáy, lở loét vùng môi, vô cùng khó chịu.

Rước họa vào thân từ miếng dán xăm môi giá rẻ
Mỹ phẩm được bày bán nhộn nhạo ngoài chợ

Chung hoàn cảnh như Liên là trường hợp của Bích Ngọc: Chỉ ngay sau một giờ làm đẹp bằng miếng xăm này, Ngọc đã cảm thấy rất lạ, ngứa ngáy khắp miệng, cả mặt rần rần như có kiến bò. Nghe nói từ trước là phải rửa bằng dung dịch đi kèm và kì cọ một chút mới sạch, nhưng Ngọc vừa nhúng môi vào nước, lớp màu trên môi đã gần như bị biến dạng, chợt giật mình lo sợ vì không biết mình đã “ăn” bao nhiêu mực xăm rồi.

Qua tìm hiểu, phần lớn các bạn trẻ sử dụng các loại mỹ phẩm xăm môi hay các loại mỹ phẩm làm đẹp rẻ tiền, trôi nổi khác, phần lớn là do không lường hết các mối nguy hại có thể gặp phải khi sử dụng. Họ chỉ nghĩ đơn giản đó là trang trí ngoài da, không đau đớn nên an toàn. Thêm vào đó là tính tò mò, muốn được trải nghiệm nên càng khiến họ dễ bị cuốn theo không kiểm soát. Theo các chuyên gia về xăm, nguyên liệu thường được dùng để tạo nên màu sắc sặc sỡ cho hình dán là nhựa polymer và chứa nhiều chì để tăng độ bám dính, ngoài ra còn có thể có cả mực xăm làm từ than, phẩm màu lạ, rất độc hại. Thêm vào đó, những miếng dán có khả năng tạo độ bóng hoặc phát quang thường được làm từ loại mực UV có chứa chất hyaluronic acid rất độc đối với làn da. Nếu sử dụng thường xuyên, nó sẽ làm tăng nguy cơ gây kích ứng da, làm phồng rộp những phần da nhạy cảm.

Đối với các cơ sở xăm chuyên nghiệp, kể cả xăm vĩnh viễn, xăm phun hay xăm dán thì các nguyên liệu thường được nhập khẩu từ các nước có nền công nghệ tiên tiến như Mỹ, Nhật, Ý, Đức, Anh... Tuy giá cao - có thể lên đến cả triệu đồng - nhưng đảm bảo về chất lượng và độ an toàn. Các miếng dán rẻ tiền thường kém chất lượng, mau phai và để lại những biến chứng phụ gây mẩn đỏ, ngứa. Da ở môi vốn là nhạy cảm, dễ tổn thương, khi tiếp xúc với hóa chất trong thời gian dài, các tế bào da bị bào mỏng nhanh chóng, gây ra các triệu chứng bong tróc, lở loét. Hơn nữa, khu vực xung quanh môi cũng là điểm kết của các đầu dây thần kinh cảm giác và các mao mạch, nên môi dễ bị chảy máu và dễ bị ung thư da hơn bất cứ nơi nào khác trên cơ thể.

Rước họa vào thân từ miếng dán xăm môi giá rẻ
Lở loét do sử dụng miếng dán

Các bác sĩ tại Phòng khám da liễu cho biết, thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận điều trị cho không ít trường hợp bị dị ứng do dùng các miếng dán xăm mình và miếng dán xăm môi gây ra. Phần lớn đều là các bạn nữ ở tuổi vị thành niên. Theo các bác sĩ, việc dán miếng dán có chứa hóa chất độc hại lên môi là vô cùng nguy hiểm. Khi ăn uống, nói chuyện, những hóa chất trong miếng dán sẽ thấm vào cơ thể gây ngộ độc. Có thể coi đây là một cách bỏ độc dược liều nhẹ vào thức ăn, không gây chết ngay nhưng khi độc phát tác thì đã ăn sâu vào lục phủ ngũ tạng. Đã có những bệnh nhân nhập viện trong tình trạng dị ứng nặng, thậm chí sốc phản vệ do hóa chất trong miếng dán. Có không ít người lại vào viện với khuôn mặt sưng phù, quanh môi đỏ, phù nề, nhiều mụn mủ nổi dày đặc quanh miệng, chảy nước, khi đó cần nhiều biện pháp can thiệp sâu, phức tạp thì mới có thể loại bỏ hết được.

Tác hại khôn lường

Theo bác sĩ Trần Thế Viện, giảng viên Bộ môn Da liễu Trường ĐH Y Dược TP. HCM, môi là vùng bán niêm mạc. Da bình thường có nhiều lớp tế bào (hơn 16 lớp), các tuyến mồ hôi và các nang lông, riêng da vùng môi chỉ có 3-5 lớp tế bào, không có nang lông và tuyến mồ hôi nên da vùng môi khá mỏng, không có lớp nước và dầu để giữ ẩm. Do đặc điểm cấu tạo như vậy, nên da môi giảm khả năng ức chế các tác nhân gây bệnh, giảm khả năng điều hòa nhiệt độ tại chỗ, vì thế môi dễ bị khô và nứt nẻ. Ngoài ra, các đầu tận cùng của dây thần kinh cảm giác và các mao mạch rất sát bề mặt môi, nên môi rất nhạy cảm, dễ bị chảy máu và dễ bị ung thư da hơn bất cứ nơi nào khác trên cơ thể. Những hóa chất độc hại trong những miếng dán xăm môi có thể gây độc và dị ứng bất cứ lúc nào đối với người có cơ địa mẫn cảm. Chưa kể, sử dụng miếng dán xăm ở môi, khi ăn uống hay nói chuyện, hóa chất và mực in có trong các miếng dán sẽ theo nước bọt đi vào bên trong cơ thể, dễ gây ra ngộ độc.

Làm việc này tưởng nghịch lý nhưng lại khiến chuyện “vợ chồng” trở nên nồng ấm hơn

Theo kết luận từ những cuộc nghiên cứu xã hội, các nhà khoa học đã đưa ra một bí mật rất bất ngờ, tưởng nghịch ...

Lý giải vì sao tình yêu đồng tính thường không bền lâu

Với nhiều người, tình yêu của những người đồng tính thường khó bền vì đó là những mối quan hệ chỉ nhằm thoả mãn các ...

Biết được bí mật này, đời sống gối chăn của vợ chồng bạn sẽ trở nên tuyệt vời hơn

Tuyệt chiêu đề có mối quan hệ vợ chồng ngày một mặn nồng là một trong những vấn đề đóng vai trò quan trọng mà ...

Phương Nga