Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa

Cập nhật: 05:00 | 09/05/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Tối 8/5, tại Quảng trường Lam Sơn (TP Thanh Hóa), tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa và chương trình nghệ thuật với chủ đề “Tỏa sáng non sông đất nước”. Về dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, các nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trần Đức Lương, nhiều Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo một số tỉnh bạn và hàng vạn đồng bào xứ Thanh đã về dự buổi lễ.

thu tuong nguyen xuan phuc du le ky niem 990 nam thanh hoa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công trang trại bò sữa trị giá 3.800 tỷ đồng
thu tuong nguyen xuan phuc du le ky niem 990 nam thanh hoa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan Triển lãm "Thanh Hóa xưa và nay"
thu tuong nguyen xuan phuc du le ky niem 990 nam thanh hoa
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa

Phát biểu tại buổi lễ Thủ tướng bày tỏ vui mừng, đánh giá cao về Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa – một sự kiện quan trọng góp phần làm sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, giá trị đặc biệt của tỉnh Thanh Hóa.

Trong bài phát biểu Thủ tướng nhấn mạnh: Thanh Hóa là vùng đất lịch sử giàu truyền thống văn hóa. Nhắc đến xứ Thanh là nhắc đến nguồn cội của những di sản văn hóa phong phú, đa dạng với nhiều di tích có giá trị. Dòng văn hóa lịch sử sông Mã - bắt đầu từ văn hóa đồ đá cũ (núi Đọ) tới nền văn hóa đá mới (Đa Bút), văn hóa tiền kim khí (Gò Trũng, Hoa Lộc) làm nên nền văn hóa đồ đồng với “Trống đồng Đông Sơn” đã góp phần quan trọng cho kho tàng văn hóa Việt Nam phát triển rực rỡ, phong phú. Có thể nói xứ Thanh là một trong những cái nôi chứa đựng những giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu của người Việt nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng với những hình thức đặc sắc về huyền thoại, tục ngữ, ca dao, lễ tục, lễ hội, văn hóa ẩm thực... Nơi đây đã sản sinh ra những làn điệu dân ca Đông Anh, hò sông Mã, điệu khặp của người Thái, hát xường của người Mường, đồng hành cùng sử thi “Đẻ đất, đẻ nước”... Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đều thể hiện sâu sắc những gian lao, vất vả, sự lạc quan, niềm tin và khát vọng của các thế hệ con người xứ Thanh trong lao động, sản xuất và đấu tranh chống kẻ thù xâm lược.

Xứ Thanh cũng là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam (Tiền Lê, Hậu Lê, Nhà Hồ, Nhà Nguyễn). Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hóa là vùng đất “phên dậu”, “một vùng đất căn bản”, “đất bản triều”, luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế. Với truyền thống yêu nước, cách mạng của các thế hệ người dân Thanh Hóa luôn cần cù, sáng tạo trong lao động, anh dũng, quật cường trong chiến đấu, lập nên nhiều chiến công hiển hách trong lịch sử hào hùng dựng nước, chống ngoại xâm của dân tộc ta. Vùng đất này đã sản sinh ra nhiều nhân vật lịch sử anh hùng dân tộc kiệt xuất như: Triệu Thị Trinh, Lê Hoàn, Lê Lợi... Trong lịch sử khoa bảng nước nhà, xứ Thanh hiếu học đã có 1.627 các nhà khoa bảng, trong đó có 240 tiến sĩ, với nhiều tên tuổi nổi tiếng được lưu danh trên các lĩnh vực văn hóa, sử học, quân sự, ngoại giao như: Khương Công Phụ, Lê Văn Hưu, Đào Duy Từ...

Trong suốt chặng đường đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, quân và dân tỉnh Thanh Hóa đã vượt qua muôn vàn khó khăn, hy sinh gian khổ, chiến đấu kiên cường, bất khuất, góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Thanh Hóa đã huy động nhiều sức người, sức của, được xem là thủ đô văn hóa kháng chiến, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, được Bác Hồ khen ngợi “... Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Thanh Hóa đã làm tốt hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975. Nhiều tên đất, tên làng của xứ Thanh đã đi vào lịch sử như những khúc tráng ca bất tử cùng Tổ quốc và dân tộc, mãi mãi như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng như: Hàm Rồng, Nam Ngạn, Yên Vực, Đông Sơn, Đồi C4, Phà Ghép, Đò Lèn...

Càng đi sâu khám phá vùng đất, con người xứ Thanh, chúng ta càng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp, sức sống diệu kỳ của nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, nơi mạch ngầm truyền thống lịch sử vẫn đang bền bỉ chảy mãi không ngừng. Đó là: Một Thanh Hóa quật cường trong lịch sử chống ngoại xâm với hình ảnh nữ tướng Triệu Thị Trinh hiên ngang cưỡi voi xung trận, với hào khí vang dội của nghĩa quân Lam Sơn, với những Ba Đình, Mã Cao, Hùng Lĩnh, Hàm Rồng - Sông Mã. Một Thanh Hóa duyên dáng, đằm thắm mà khỏe khoắn, căng tràn sức sống với những bài thơ, điệu hò, câu hát dân ca. Một Thanh Hóa tự tin, năng động, hòa nhịp cùng sự đổi mới của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với những nhà máy, khu công nghiệp, khu du lịch đang từng ngày “thay da đổi thịt”. Quê hương Thanh Hóa của chúng ta thực sự tươi đẹp như một bức tranh sinh động hài hòa màu sắc đúng như lời thơ của Bác Hồ viết khi Người về thăm tỉnh Thanh Hóa năm 1960: Tỉnh Thanh biển bạc rừng vàng/ Ruộng đồng man mác, xóm làng liên miên.

Tự hào về vùng đất và con người xứ Thanh 990 năm lịch sử chúng ta cần trân trọng biết ơn sự cống hiến hy sinh xương máu to lớn của các thế hệ tiền nhân, của biết bao nhiêu người con ưu tú kiên trung bất khuất của quê hương Thanh Hóa và của mọi miền Tổ quốc để Thanh Hóa phát triển đúng hướng, giàu đẹp.

thu tuong nguyen xuan phuc du le ky niem 990 nam thanh hoa
Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa – một sự kiện quan

Thủ tướng cũng đánh giá cao về những thành tựu khá quan trọng của Thanh Hóa đạt được sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới như: Tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ cao trong nhiều năm liên tục. Nhiều dự án lớn đã và đang hoàn thành, đi vào vận hành, tạo sức lan tỏa cho phát triển kinh tế, nhất là Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Du lịch phát triển mạnh, có nhiều đột phá về cơ sở hạ tầng ở các khu: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa. Hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, Cảng Hàng không Thọ Xuân đi vào hoạt động có sự tăng trưởng nhanh, đặc biệt cảng Nghi Sơn ngày hôm nay đã đón chuyến tàu container đầu tiên. Bộ mặt đô thị, nông thôn, miền núi ở phía Đông và phía Tây Thanh Hóa có nhiều đổi mới, nông nghiệp nông thôn được quan tâm đầu tư mạnh mẽ với nhiều cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển bền vững. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực; công tác an sinh xã hội được bảo đảm tốt hơn; đời sống của nhân dân ngày càng đuợc nâng cao; giáo dục đào tạo, y tế được quan tâm phát triển với những thành tích cao ở tốp đầu cả nước; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng - an ninh được giữ vững. Những thành tựu này tạo ra cơ sở nền tảng vững chắc cho tỉnh nhà tiến nhanh và vững chắc trong thời gian tới.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những thành tựu to lớn, đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong những năm qua.

thu tuong nguyen xuan phuc du le ky niem 990 nam thanh hoa
Chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Tỏa sáng non sông đất nước”.

Để Thanh Hóa tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, tôi đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tỉnh cần tập trung vào 5 trụ cột tăng trưởng để có chiến lược thúc đẩy phát triển và tăng cường thu hút đầu tư, gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; nông nghiệp; y tế; đô thị hóa và cơ sở hạ tầng với trọng tâm là khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn. Cần ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động trong ngành kinh tế số.

Tiếp tục tập trung thúc đẩy tiến độ các dự án lớn đang triển khai đầu tư xây dựng trên địa bàn, có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội như: Đường ven biển, đường cao tốc, các dự án hạ tầng về du lịch, hàng không, cảng biển; nghiên cứu, có cơ chế, chính sách mới, hấp dẫn nhằm tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư những hạ tầng quan trọng.

Thứ hai, tăng cường chuyển dịch cơ cấu lao động gắn với đào tạo nghề và chuyển đổi nghề để cung cấp lao động có trình độ và tay nghề phù hợp cho các ngành công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là Khu Kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp, các khu du lịch.

Thứ ba, tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tỉnh phải xác định đến năm 2020, Thanh Hóa đứng trong tốp đầu của 15 tỉnh, thành của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Thứ tư, không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chính sách người có công với cách mạng, giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, làm tốt công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội, kịp thời giải quyết những khiếu nại, bức xúc, tố cáo của nhân dân, quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần đắc lực cùng với nhân dân cả nước bứt phá vươn lên trong hội nhập và phát triển. Đặc biệt cần quan tâm hơn nữa việc phát triển kinh tế - xã hội các địa phương phía Tây tỉnh Thanh Hóa nơi cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.

Thứ năm, tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của con người xứ Thanh với những phẩm chất quý báu là trí tuệ, năng động, đoàn kết, tình nghĩa và thủy chung. Đây là một nguồn lực lớn, rất quan trọng để tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Tỉnh cần tập trung đầu tư giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Với niềm tự hào về vùng đất thân yêu của mình, tôi mong rằng mỗi người con xứ Thanh trong và ngoài tỉnh sẽ cùng nhau khơi dậy khát vọng vươn lên, chung tay, góp sức xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với niềm tự hào và truyền thống của quê hương “Địa linh nhân kiệt”.

Kiều Vượng

Tin cũ hơn
Xem thêm