Thế giới Di động (MWG) lãi gần 4.000 tỷ đồng năm 2020, tăng trưởng gấp 6 lần so với thời điểm niêm yết

Cập nhật: 15:45 | 01/02/2021 Theo dõi KTCK trên

CTCP Đầu tư Thế Giới Di Dộng (HOSE - Mã: MWG) công bố báo cáo kết quả kinh doanh cả năm 2020 cho thấy cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng, bất chấp những khó khăn từ dịch bệnh toàn cầu cùng với tình hình thiên tai liên tục diễn ra tại Việt Nam.

Lợi nhuận ròng HAGL ‘lao dốc’ năm 2020, nợ phải trả gần 27.000 tỷ đồng

Lợi nhuận FPT Retail giảm 95% trong năm 2020, cổ phiếu FRT ‘nằm sàn’ liên tục

2841-mwg-1
Tăng trưởng về doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế và số lượng cửa hàng của Thế giới Di động từ khi niêm yết cổ phiếu MWG.

Cụ thể, trong năm 2020 Thế giới Di động (MWG) ghi nhận doanh thu đạt 108.546 tỷ đồng và 3.920 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 6% và 2% so với năm 2019. Đặc biệt, trong suốt giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid, chưa một tháng nào MWG phải ghi nhận lỗ.

Để đạt được kết quả như trên, ngoài nỗ lực tối ưu chi phí, việc cải thiện biên lợi nhuận gộp có đóng góp vô cùng quan trọng, đạt mức 22,1% và là mức cao nhất trong lịch sử từ khi thành lập của nhà bán lẻ số 1 Việt Nam.

Ngoài mặt hàng chính điện thoại, điện máy, MWG còn đẩy mạnh khai thác các ngành hàng có biên lợi nhuận tốt và còn dư địa tăng trưởng như đồng hồ với hơn 500 điểm bán, mang về gần 1.600 tỷ đồng (gấp đôi so với năm 2019) từ 1,2 triệu sản phẩm bán ra.

MWG còn bán máy tính xách tay với 26 trung tâm Laptop và hơn 1.000 điểm trưng bày sản phẩm trong TGDĐ & ĐMX đóng góp hơn 3.500 tỷ đồng (tăng hơn 40% so với năm 2019). Với kết quả này, MWG ước tính chiếm gần 30% thị phần MTXT tại Việt Nam năm 2020.

Với sản phẩm gia dụng, sự tập trung khai thác nhóm sản phẩm có giá trị tiêu thụ lớn là quạt điện, máy lọc nước và nồi cơm điện trong năm 2020 giúp nhóm này mang về hơn 3.500 tỷ đồng (tăng hơn 20% so với năm 2019) và đóng góp tới gần 50% doanh số gia dụng nói chung.

Đáng chú ý, trong báo cáo, MWG nhắc đến “nỗ lực không ngừng thử nghiệm để tìm ra động lực tăng trưởng mới cho tương lai” khi nói về chuỗi Điện máy xanh Supermini và Bluetronics.

Cụ thể, chuỗi Điện Máy Xanh Supermini sau 6 tháng triển khai đã phát triển thần tốc với 302 cửa hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân vùng nông thôn tại 61/63 tỉnh thành. Không chỉ tăng nhanh về số lượng (mở mới 200 cửa hàng chỉ trong 2 tháng cuối năm), chuỗi này đã đóng góp hơn 850 tỷ đồng doanh thu lũy kế cho Công ty, tương đương doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đạt ổn định hơn 1 tỷ đồng/ tháng. Kết quả kinh doanh khả quan của Điện Máy Xanh Supermini là tiền đề giúp Công ty tự tin nhân rộng mô hình này lên đến 1.000 điểm bán cuối năm 2021.

4306-mwg-3
Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động - Ông Nguyễn Đức Tài và CEO Thế Giới Di Động - Ông Đoàn Văn Hiểu Em

Còn với Bluetronics, đã có mặt tại 8/25 tỉnh thành tại Campuchia với tổng số 37 cửa hàng. Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đạt 1,2 tỷ đồng/tháng vào tháng 12/2020. Tổng doanh thu của mảng kinh doanh này tại Campuchia năm 2020 tăng 80% so với năm 2019. Mục tiêu của Bluetronics là trở thành nhà bán lẻ số 1 về thiết bị di động và sản phẩm điện tử tiêu dùng tại Campuchia trong năm 2021 với khoảng 80 điểm bán trên toàn quốc.

Chuỗi Bách Hoá Xanh tăng gấp đôi doanh thu trong năm 2020

Năm 2020, Bách Hóa Xanh (BXH) ghi nhận mức doanh thu tăng gấp đôi so với năm 2019, đạt 21.260 tỷ đồng và đóng góp xấp xỉ 20% trong tổng doanh số của MWG. Theo MWG, trong năm 2020, BHX là động lực tăng trưởng chính của kênh cửa hàng hiện đại tại Việt Nam.

Thị phần hàng tiêu dùng nhanh của BHX đã vượt mức 10% tại khu vực thành thị nói chung và trên 20% tại riêng TP HCM.

MWG cho biết, sự tăng trưởng vượt trội của BHX so với thị trường nằm ở 2 yếu tố: (i) mở rộng mạnh mẽ hệ thống cửa hàng tại nhiều tỉnh thành Nam Bộ và Nam Trung Bộ; (ii) tăng trưởng doanh số tích cực của các cửa hàng cũ.

3240-mwg-2
Tăng trưởng về số lượng cửa hàng và doanh thu chuỗi của Bách Hóa Xanh.

Tại thời điểm 31/12/2020, BHX có 1.719 cửa hàng có mặt tại 24/63 tỉnh thành, tăng 711 điểm bán so với cuối năm 2019. Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng BHX đạt xấp xỉ 1,25 tỷ đồng/ tháng.

Biên lợi nhuận gộp của BHX trong năm 2020 đạt trên 24%, tăng 5% so với năm 2019. Với biên lợi nhuận gộp này, BHX đã có lời EBITDA (chưa bao gồm khấu hao) ở cấp độ cửa hàng và trung tâm phân phối.

Sau 6 tháng thử nghiệm, mô hình cửa hàng diện tích lớn 500m2 và cung cấp 6.000 - 8.000 lựa chọn hàng hóa (phần lớn nâng cấp từ các cửa hàng hiện hữu đang kinh doanh tốt) được lựa chọn là động lực tăng trưởng doanh thu cho chuỗi BHX trong năm 2021.

Cuối tháng 12, BHX có tổng cộng 182 cửa hàng diện tích lớn hiện diện tại 19 tỉnh thành, trong đó có 1/3 số cửa hàng đặt tại TP HCM. Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng 500m2 tại TP HCM đạt xấp xỉ 3 tỷ đồng/tháng và tính chung cho cả hệ thống là 2,5 tỷ đồng/tháng do BHX đang triển khai mô hình này với mật độ dày đặc hơn và mở rộng ra thị trường tỉnh.

Mục tiêu đến cuối năm 2021, BHX sẽ có hơn 500 cửa hàng diện tích lớn đến từ cả nâng cấp và mở mới, phân bố khắp các đô thị khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

Riêng kênh BHX online, tính đến cuối 12/2020, với 20 trung tâm phân phối, BHX online phục vụ trung bình 7.000 giao dịch mỗi ngày cho khách hàng tại 11 tỉnh thành, những ngày cao điểm lên đến 10.000 đơn hàng.

Cuối năm 2020, An Khang có 68 nhà thuốc đang hoạt động (trong đó có 53 điểm bán mới, được sắp xếp đi cùng với mô hình BHX diện tích lớn).

Lâm Tuyền