Lợi nhuận FPT Retail giảm 95% trong năm 2020, cổ phiếu FRT ‘nằm sàn’ liên tục

Cập nhật: 06:49 | 31/01/2021 Theo dõi KTCK trên

Cả năm 2020, FPT Retail đạt 14.666 tỷ đồng doanh thu và 10 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, 28 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt giảm 12%, 95% và 90% so với năm 2019. Đi cùng với kết quả kinh doanh sụt giảm là diễn biến kém tích cực của cổ phiếu FRT trong tuần qua.

HSG liên tục giảm sâu, Hoa Sen muốn mua lại 22 triệu cổ phiếu quỹ

Lợi nhuận PVOIL quý IV tăng gấp 10 lần, vẫn không bù nổi lỗ cả năm

Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail - Mã: FRT) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020, với doanh thu thuần đạt 3.937 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn bán hàng giảm 8%, lợi nhuận gộp tăng nhẹ 4% lên 538,6 tỷ đồng trong kỳ.

Trong kỳ, chi phí tài chính giảm 56% xuống 18 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay của FPT Retail ghi nhận mức giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp thì lại đồng loạt tăng, lần lượt là 1% và 8%.

Kết quả, FPT Retail báo lãi sau thuế quý IV/2020 đạt 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 26 tỷ đồng.

3607-z-frt-1
Kết quả kinh doanh quý IV và năm 2020 của FPT Retail. (Nguồn: Báo cáo tài chính FPT Retail).
4045-z-frt-2
Lợi nhuận của FPT Retail "lao dốc". (Nguồn: HH tổng hợp từ BCTC của FPT Retail)

Lũy kế cả năm 2020, FPT Retail đạt 14.666 tỷ đồng doanh thu và 10 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, 28 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt giảm 12%, 95% và 90% so với năm 2019.

Kế hoạch của năm 2020, FPT Retail đã đặt mục tiêu doanh thu 15.320 tỷ đồng và 220 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, với kết quả đạt được năm 2020, FPT Retail thực hiện được 94% mục tiêu về doanh thu và không đạt kế hoạch về lợi nhuận.

Lãnh đạo FPT Retail cho biết, lợi nhuận FPT Retail giảm 95% do chuỗi nhà thuốc Long Châu đang trong giai đoạn đầu tư, mở rộng.

Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của FPT Retail đạt hơn 5.390 tỷ đồng, giảm 1.203 tỷ đồng so với ngày đầu năm. Tiền và tương đương tiền giảm 150 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả giảm gần 1.149 tỷ đồng, chủ yếu do vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đi xuống hơn 1.213 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả trên tổng nguồn vốn cuối năm 2020 là gần 77%.

Trên thị trường chứng khoán, đi cùng với kết quả kinh doanh sụt giảm là diễn biến kém tích cực của cổ phiếu FRT trong tuần qua.

Cổ phiếu FRT có chuỗi giảm liên tiếp từ ngày 25/1 đến nay, trong đó 2 phiên 27-28/1 giảm sàn liên tiếp. Qua đó kéo mã này từ ngưỡng 32.xxx đồng xuống còn 26.200 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên ở mức lớn, đạt tới 1.884.800 đơn vị.

4752-frt-1
Cổ phiếu FRT gây thất vọng với nhà đầu tư. (Nguồn: Cafef)

Hoàng Hà