Thanh toán không dùng tiền mặt: Liệu có được như mong muốn?

Cập nhật: 16:28 | 13/05/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN – Nhiều người lo ngại chủ trương 100% trường học, bệnh viện... trên địa bàn TP. HCM phải ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt sẽ khó đạt mục tiêu đề ra. Trong khi đó, các BV, cơ sở giáo dục dù có thực hiện nhưng kết quả không như mong muốn, thậm chí có nơi chỉ làm cho có.  

thanh toan khong dung tien mat lieu co duoc nhu mong muon Tiết kiệm, sử dụng đơn giản nhờ tài khoản thanh toán
thanh toan khong dung tien mat lieu co duoc nhu mong muon Sử dụng tiền mặt của người Việt vẫn còn phổ biến
thanh toan khong dung tien mat lieu co duoc nhu mong muon Giới hạn cho ví điện tử: Tiêu không quá 100 triệu đồng/tháng

Dùng tiền mặt vẫn được ưa chuộng

UBND TP. HCM vừa ban hành Quyết định về kế hoạch triển khai Nghị quyết số 02 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Trong đó, yêu cầu đến tháng 12/2019, 100% trường học, bệnh viện (BV), các công ty điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn phối hợp với các ngân hàng (NH), tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên di động, máy POS.

thanh toan khong dung tien mat lieu co duoc nhu mong muon
Thanh toán không dùng tiền mặt: Liệu có được như mong muốn? (Ảnh minh họa)

Tại BV Đại học Y Dược TP. HCM, từ cuối năm 2018 cũng đã triển khai việc đăng ký khám bệnh trực tuyến trên website và ứng dụng (app) trên điện thoại thông minh, máy tính bảng. Đặc biệt, người bệnh có thể thanh toán chi phí khám chữa bệnh trực tuyến bằng các loại thẻ ATM, thẻ tín dụng... trên phần mềm và nhận phiếu khám bệnh qua email hoặc tin nhắn điện thoại. Thay vì dùng thẻ để "quẹt" hay trả tiền qua app, họ sẵn sàng xếp hàng chờ ở cây ATM để rút tiền rồi mang đến quầy chờ đến lượt để thanh toán chi phí khám chữa bệnh.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc BV Nhi Đồng 1, BV đã triển khai việc thanh toán viện phí qua thẻ từ lâu nhưng nhìn chung vẫn ít người lựa chọn. Theo ông, việc thanh toán viện phí qua thẻ có nhiều cái lợi và sẽ là xu hướng chung nhưng để tiến tới thanh toán viện phí 100% qua thẻ thì cần có lộ trình chứ chưa thể làm ngay được. Một trong những rào cản ở các BV là lượng bệnh nhân từ các tỉnh, thành tới rất nhiều và phần lớn đối tượng này không dùng thẻ.xxZ.

Quy định “nằm trên giấy”

Một số trường học trên địa bàn TP. HCM từ năm học 2014 - 2015 đã thí điểm đề án thanh toán học phí không sử dụng tiền mặt (đề án SSC), còn gọi là thẻ học đường. Đến năm 2017, TP triển khai 100% các trường thu học phí qua thẻ, tương ứng với phát hành 1 triệu thẻ SSC đến cả bậc tiểu học, THCS.

Các ngân hàng (NH) khi tham gia đề án phải cam kết không thu phí sử dụng thẻ ít nhất trong 6 tháng đầu, sau đó thu theo biểu phí của NH. Nếu phụ huynh không thỏa mãn với dịch vụ thẻ có thể ngưng sử dụng sau 6 tháng. Riêng bậc tiểu học, khi đã có hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục xây dựng lộ trình để triển khai nhưng không áp dụng đồng loạt.

Quy định là thế nhưng đến nay, tại TP. HCM rất ít trường triển khai được việc thu phí qua thẻ. Nhiều phụ huynh có thói quen trả học phí bằng tiền mặt, dù trường có máy POS hoặc nhận chuyển khoản. Theo lãnh đạo nhiều trường học, việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường thực sự khó khăn và khó đạt được kết quả như ý. Tại hầu hết các trường, việc thanh toán học phí và các khoản đóng góp khác lâu nay vẫn thực hiện theo phương pháp truyền thống là phụ huynh đến trường đóng.

Thực tế, chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt đã được nhà nước khuyến khích từ nhiều năm chứ không phải đến nay mới thực hiện. Tuy nhiên, người dân vẫn chuộng thanh toán tiền mặt. Theo báo cáo "Số hóa tiền mặt tại ASEAN - Ý nghĩa đối với các nhà quản lý nguồn vốn doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tương lai" do NH Standard Chartered công bố, tỷ lệ người dân (từ 15 tuổi trở lên) ở Việt Nam có tài khoản NH, thẻ tín dụng, thẻ ATM khá thấp so với các nước trong khu vực. Tỷ lệ người dân có tài khoản NH ở Việt Nam chỉ 30,8%, trong khi tỷ lệ khách hàng chọn trả tiền mặt khi mua hàng trực tuyến lên tới 90,17%...

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - NH Nhà nước, thừa nhận rào cản lớn nhất về việc áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt là thói quen của người tiêu dùng. Nhiều người vẫn giữ thói quen dùng tiền mặt, dù áp dụng công nghệ, những ứng dụng thanh toán mang lại sự tiện lợi hơn rất nhiều.

Theo các chuyên gia, lãnh đạo NH, để thúc đẩy các kênh thanh toán không dùng tiền mặt cần sự quán triệt mạnh mẽ từ trên xuống, bởi thời gian qua, nhiều đơn vị đôi khi chỉ làm cho có. Chưa kể cơ sở hạ tầng về quản trị, công nghệ của một số doanh nghiệp dịch vụ công, BV, trường học rất kém vì không được đầu tư mới trong thời gian dài. Bởi thanh toán không tiền mặt không chỉ là quẹt thẻ, trả tiền qua thẻ mà còn cả hệ sinh thái của doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ công về quản trị hệ thống, kết nối dữ liệu đồng bộ, tích hợp thêm nhiều tính năng như đặt lịch hẹn, chăm sóc khách hàng qua mạng…

Chuyên gia tài chính - TS Huỳnh Trung Minh cũng cho rằng, việc bắt buộc thanh toán điện tử để giảm tỷ lệ tiền mặt trong tổng thanh toán là cần thiết sau một thời gian dài tự nguyện. Trên thực tế, đã có những tín hiệu tích cực gần đây, khi các BV, trường học bắt tay với tổ chức tín dụng phát triển khách hàng theo vòng đời, làm thẻ học đường, thẻ khám chữa bệnh tích hợp từ khi còn đi học đến lớn vẫn tiếp tục sử dụng dịch vụ của NH. Trong khi NH có lượng khách hàng mới, tiềm năng thì BV, trường học cũng không tốn quá nhiều chi phí quản lý, tiết kiệm nguồn nhân lực. Nhưng quan trọng là quyết tâm của lãnh đạo các đơn vị nhằm tạo lợi ích cho học sinh, phụ huynh, bệnh nhân thấy để sử dụng. Tránh tình trạng BV, trường học năm nay yêu cầu bệnh nhân, học sinh mở thẻ với NH này, năm sau chuyển sang NH khác…

Văn Khương