“Thanh lọc” thị trường khi thẻ “rác” đang phổ biến

Cập nhật: 10:33 | 01/11/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Có khoảng hơn 70 triệu thẻ thanh toán nội địa công nghệ từ đang lưu hành sẽ hoàn toàn “biến mất” vào năm 2021 khi các ngân hàng bắt đầu chuyển sang phát hành thẻ chip. Đây không chỉ là cơ hội “thanh lọc” thị trường khi thẻ “rác” đang phổ biến, mà còn là cơ hội để thẻ “ATM” được trả lại tên “thẻ thanh toán” với chức năng cơ bản là thanh toán các dịch vụ trong nước.

thanh loc thi truong khi the rac dang pho bien

Nghiêm túc tổ chức triển khai quá trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip

thanh loc thi truong khi the rac dang pho bien

Sớm chuyển đổi sang thẻ chip để không mất tiền khi sử dụng thẻ ATM

thanh loc thi truong khi the rac dang pho bien

Vi vu Hàn Quốc với chương trình tri ân khách hàng của HDBank

Hồi giữa năm nay, Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam (VBCA) phối hợp với Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và 7 ngân hàng đầu tiên gồm: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, Sacombank, TPBank, ABBank chính thức công bố ra mắt sản phẩm thẻ chip nội địa của các ngân hàng. Không chỉ đảm bảo tính năng an toàn, bảo mật cao hơn mà thẻ chip nội địa có thể tích hợp ứng dụng các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt với các ngành khác như giao thông, bảo hiểm, y tế, giáo dục và dịch vụ công...

thanh loc thi truong khi the rac dang pho bien
Ảnh minh họa

Theo đại diện NAPAS, thẻ chip nội địa đáp ứng đầy đủ các yếu tố kỹ thuật về an toàn, bảo mật theo tiêu chuẩn quốc tế EMV, giúp hạn chế các rủi ro về gian lận giả mạo trong thanh toán thẻ. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đã khẳng định: việc chuyển đổi thẻ chip nội địa là xu thế tất yếu của các nước trong khu vực và quốc tế, trước tình trạng tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng và tập trung vào các thị trường chưa thực hiện chuyển đổi công nghệ chip.

Trên thực tế, những công nghệ được giới thiệu cũng không có gì mới mẻ, bởi đã được các ngân hàng Việt cũng giới thiệu từ lâu với các dòng thẻ tín dụng gắn tên của các tổ chức thẻ quốc tế như Visa, Mastercard hay JCB. Dù vậy, hầu hết các ngân hàng đều khẳng định rằng đây là một sự kiện đặc biệt quan trọng của ngành thẻ Việt Nam, khi thẻ quốc tế và thẻ nội địa đã không còn nhiều khác biệt.

Theo đại diện NAPAS, hiện Việt Nam có 48 ngân hàng phát hành thẻ nội địa với số lượng khoảng 76 triệu thẻ, hơn 261.000 máy POS và 18.600 máy ATM. Trong đó, phần lớn máy POS đã tuân theo tiêu chuẩn EMV nên việc triển khai thẻ chip nội địa trên các thiết bị chấp nhận thẻ sẽ không quá phức tạp.

Nhìn từ góc độ này, việc chuyển công nghệ từ thẻ từ sang thẻ chip cũng đồng thời là cơ hội để thị trường “thanh lọc” lại tình trạng thẻ “rác” diễn ra trong nhiều năm nay tại Việt Nam. Thẻ “rác”, hay còn gọi là thẻ không kích hoạt hoặc thẻ không sử dụng, từ lâu đã trở thành vấn nạn trên thị trường khi nhiều nhân viên ngân hàng chạy đua mở thẻ để lấy chỉ tiêu. Con số thống kê của Hiệp hội Ngân hàng vào năm ngoái cho thấy các loại thẻ “rác” chiếm đến 41,7% trong tổng số 132 triệu thẻ ngân hàng.

Bên cạnh kỳ vọng vào sự loại bỏ các thẻ “rác”, thẻ thanh toán nội địa còn được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi thành xã hội không tiền mặt mà cơ quan quản lý đang muốn hướng đến, khi được tích hợp thêm nhiều ứng dụng thanh toán khác nhau.

Theo đại diện NAPAS, thẻ thanh toán nội địa lần này cho phép người dùng quẹt thẻ (hoặc “chạm” thẻ với công nghệ không tiếp xúc) mà không cần xác nhận lại mã PIN hay ký tên như thẻ tín dụng với các khoản thanh toán có giá trị nhỏ (tùy từng ngân hàng thiết lập ngưỡng thanh toán).

Chưa hết, trong tương lai, thẻ thanh toán nội địa sẽ là nền tảng quan trọng để tích hợp các dịch vụ thanh toán không tiền mặt khác như dịch vụ y tế, giáo dục, giao thông, bảo hiểm và các dịch vụ công. Thậm chí có thể hợp tác với các tổ chức thẻ quốc tế để phát hành thẻ chip đa năng dùng cả trong và ngoài nước. Đây được xem là những giá trị mới mẻ được cộng thêm cho các thẻ thanh toán nội địa, giúp người dân có thêm sự lựa chọn mới trong khâu thanh toán sản phẩm và dịch vụ.

Hoài Dương