Tháng 7: Còn niềm tin nào cho VN-Index?

Cập nhật: 10:46 | 27/07/2020 Theo dõi KTCK trên

Theo nhận định của CTCK MBS, vùng 800 - 820 điểm sẽ là vùng hỗ trợ kỹ thuật gần nhất (thấp hơn nữa là vùng 760 – 780 điểm) cho VN-Index. Đây được đánh giá là vùng hỗ trợ rất mạnh của chỉ số trong giai đoạn cuối năm 2020.

4422 vnty
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Sau hơn 3 tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, thị trường chứng khoán (TTCK) bất ngờ đón nhận "tin xấu" khi dịch COVID-19 trở lại tại Đà Nẵng vào cuối tuần trước. Ngay lập tức chỉ số VN-Index hụt hơi và kết phiên ngày 24/7 dưới mốc 830 điểm.

Trên nhiều diễn đàn, không ít nhà đầu tư tỏ ra lo ngại với diễn biến TTCK trong tuần giao dịch cuối tháng 7 (27 - 31/7), thậm chí nhiều ý kiến cho rằng VN-Index có thể trở lại đáy cũ (vùng 650 điểm).

Dù vậy, trong bối cảnh nhiều thông tin tiêu cực xuất hiện, thị trường vẫn đang có nhiều yếu tố hỗ trợ mà nhà đầu tư cần lưu ý:

Dòng tiền ETF trở lại mạnh mẽ

Yếu tố tích cực đầu tiên là sự trở lại của dòng vốn ETF sau giai đoạn bị rút ròng trong tháng 6 và đầu tháng 7. Trong tuần giao dịch vừa qua, nhiều quỹ ETFs lớn trên TTCK Việt Nam như Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF), FTSE Vietnam ETF, VFMVN30 ETF, SSIAM VNFIN Lead ETF…đều hút vốn trở lại.

Thống kê cho thấy diễn biến thị trường thường có sự đồng pha với dòng vốn ETF. Sự trở lại của dòng vốn ETF trong vài tuần gần đây sẽ là yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, thị trường còn được kỳ vọng đón nhận thêm dòng vốn từ các quỹ ETF mới thành lập như VinaCapital VN100 ETF hay SSIAM VN30 ETF.

Theo đó, VNM ETF hút ròng 5,64 triệu USD trong tuần qua, nâng tổng lượng vốn hút ròng từ đầu tháng 7 tới nay vào quỹ lên 9,21 triệu USD. Một quỹ ETF ngoại khác là FTSE Vietnam ETF cũng hút ròng 1,1 triệu USD trong tuần qua, nâng số vốn hút ròng từ đầu tháng tới nay lên 4,6 triệu USD.

Trong nước, dòng tiền cũng trở lại với các quỹ ETF nội trong đó VFMVN30 ETF hút ròng 114 tỷ đồng, VFMVN Diamond ETF hút ròng 1,2 tỷ đồng và SSIAM VNFin Lead ETF hút ròng gần 80 tỷ đồng.

Dư nợ Margin đang ở mức thấp, bớt lo ngại làn sóng force sell

Một điểm tích cực với thị trường lúc này là dòng tiền margin đang ở mức khá thấp. Thống kê dư nợ margin của 20 CTCK lớn nhất thị trường cuối quý II chỉ là 48.671 tỷ đồng, thấp hơn con số 50.733 tỷ đồng thời điểm đầu năm.

Yếu tố nào được kỳ vọng hỗ trợ thị trường trong tuần giao dịch cuối tháng 7? - Ảnh 3.

Dư nợ margin cuối quý II ở mức thấp so với nhiều quý trước dù thanh khoản thị trường tăng mạnh

Điều này có thể đến từ việc nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường (hay còn gọi là nhà đầu tư F0) giúp thanh khoản thị trường tăng cao trong khi những nhà đầu tư F0 này vẫn còn hạn chế trong việc sử dụng margin. Bên cạnh đó, việc thị trường tăng mạnh trong thời gian vừa qua cũng khiến nhiều nhà đầu tư hạ tỷ lệ margin vào giai đoạn cuối quý II.

Với tỷ lệ margin trên thị trường ít như hiện nay, lo ngại làn sóng "Force Sell" như cuối quý I bởi ảnh hưởng của dịch phần nào được giảm bớt.

Hiệu ứng từ "lãi suất thấp"

Giữa tháng 5/2020, NHNN đã thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ thông qua việc giảm 50 điểm cơ bản các loại lãi suất điều hành. Theo đánh giá của CTCK Mirae Asset, hành động trên đã có những tác động tích cực đến thị trường tiền tệ, qua đó kích thích tín dụng và đối tượng được lợi chính sẽ là doanh nghiệp.

Mặt trái của việc giảm lãi suất điều hành là nguy cơ tạo lãi suất thực âm. Trong trường hợp lạm phát kỳ vọng năm 2020 ở mức 4%, người gửi tiền sẽ là đối tượng chịu thiệt. Do đó, người dân có xu hướng rút vốn ra và tìm kiếm những kênh đầu tư thay thế như vàng, bất động sản, chứng khoán…

Có thể thấy từ tháng 3 tới nay, nhà đầu tư "F0" đã ồ ạt mở tài khoản với số lượng gần 140 nghìn tài khoản chỉ sau 4 tháng, góp phần quan trọng giúp thị trường hồi phục. Với việc dịch COVID-19 đang có dấu hiệu trở lại, cùng với kinh nghiệm kiểm soát tốt dịch bệnh của Chính phủ, chúng ta có thể kỳ vọng dòng tiền từ kênh tiết kiệm sẽ một lần nữa trở lại TTCK.

Kỳ vọng VN-Index sẽ ổn định tại vùng 760 - 780 điểm

Trong báo cáo mới được công bố, CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng, nếu làn sóng COVID-19 quay trở lại Việt Nam thì tác động của nó đối với thị trường tiềm năng sẽ không nhiều như với khoảng thời gian đầu diễn ra dịch bệnh. Trong trường hợp VN-Index diễn biến tương tự như Hangseng thì chỉ số ước tính sẽ dời về khu vực 770 - 780 điểm. Đây cũng là vùng hỗ trợ của chỉ số nên có thể xuất hiện lực cầu bắt đáy tại vùng này.

Về mặt thời gian, BSC đánh giá sự bi quan của thị trường có thể kéo dài từ 2 - 3 tuần.

Chung quan điểm, CTCK MBS cho rằng, việc tiếp tục chống dịch và thực hiện các biện pháp cách ly có lẽ sẽ được kích hoạt trở lại.

MBS đánh giá vùng 800 - 820 điểm sẽ là vùng hỗ trợ kỹ thuật gần nhất, thấp hơn chút nữa là vùng 760 – 780 điểm. Đây được đánh giá là vùng hỗ trợ rất mạnh của VN-Index.

MBS cho rằng, nhịp chỉnh này sẽ là cơ hội cho nhịp hồi phục về cuối năm. Do đó nhà đầu tư cẩn trọng nhưng không nên bi quan khi chỉ số về các vùng hỗ trợ này.

Chuyển động cổ phiếu trên HOSE từ ngày 17 - 24/7: DAT tiếp tục bứt tốc

Với mức tăng gần 40% so với tuần trước, cổ phiếu DAT của CTCP Đầu tư Du lịch và Phát triển Thủy sản (HOSE: DAT) tiếp ...

Chuyển động khối ngoại từ ngày 20 - 24/7 trên HOSE: Hơn 500 tỷ đã "bốc hơi"

Kết tuần giao dịch từ ngày 20 - 24/7, khối ngoại tiếp tục rút ròng hơn 516 tỷ đồng khỏi sàn HOSE. Đây đã là ...

Chứng khoán phiên chiều ngày 24/7: "Đánh rơi" gần 30 điểm, VN-Index test lại đỉnh cũ tháng 6

Phiên giao dịch cuối tuần (ngày 24/7) khép lại với sắc đỏ chiếm lĩnh các chỉ số. VN-Index giảm 3,22% về mức 829,16 điểm trong khi HNX-Index ...

Quốc Trung