Sụt giảm giá dầu và "sức đề kháng" của doanh nghiệp dầu khí

Cập nhật: 11:14 | 24/04/2020 Theo dõi KTCK trên

KTCKVN - Với diễn biến giá dầu giảm sâu và đột ngột như hiện nay, nhóm cổ phiếu thượng nguồn từ khai thác, phụ trợ khai thác, cho thuê dàn khoan hay lọc dầu như BSR, PVD, PVS được nhận định sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất và khó phục hồi nếu giá dầu duy trì ở vùng giá thấp. Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp phân phối, bán hàng như GAS và PLX gặp khó khăn ngắn hạn, nhưng có thể chuyển giao sang giá bán, mặc dù có độ trễ nhất định.

Ngày 20/4, tại thị trường Mỹ, giá dầu thô giao tháng 5 đóng cửa ở mức âm 37,6 USD/thùng. Sau đó, giá phục hồi, ngày 22/4, giá dầu WTI là 12,78 USD/thùng, giá dầu Brent là 18,78 USD/thùng, trong khi mức giá cuối tháng 1 khoảng 60 USD/thùng.

Nguyên nhân giá dầu âm được giới đầu tư giải thích là do sản lượng tiêu thụ thấp, tồn kho cao, khả năng chứa dầu không còn nhiều, trong khi nhu cầu tiêu thụ dự báo sẽ chỉ tăng vào giai đoạn tháng 6, tháng 7 khi các chính phủ mở cửa trở lại nền kinh tế.

Nhiều dự báo cho rằng, giá dầu sẽ tiếp tục giao dịch ở mức thấp cho tới khi nền kinh tế tái khởi động trở lại vào cuối quý II, đầu quý III/2020. Ðiều này vô hình trung sẽ gây nên những thách thức lớn với các doanh nghiệp dầu khí trong nước.

sut giam gia dau va suc de khang cua doanh nghiep dau khi

Nhóm lọc dầu lỗ lớn

Dẫn nguồn tinnhanhchungkhoan.vn, giá dầu lao dốc, các doanh nghiệp lọc dầu bị ảnh hưởng mạnh nhất trong chuỗi giá trị ngành dầu khí bởi chi phí đầu tư nhà máy lọc dầu lớn, giá thành sản phẩm cao, hiện giá dầu khai thác của Việt Nam cao hơn nhiều giá dầu thế giới nên càng khai thác càng lỗ.

Việt Nam có hai doanh nghiệp lọc dầu lớn, trong đó Lọc hóa dầu Nghi Sơn chưa lên sàn chứng khoán, thông tin còn hạn chế, còn Lọc hóa dầu Bình Sơn (UpCOM: BSR) đang được giao dịch trên UpCOM nhưng không phải tới thời điểm này mới gặp khó khăn.

Trong năm 2019, kết quả kinh doanh của BSR cải thiện về giá trị tuyệt đối, lợi nhuận đạt 2.873 tỷ đồng nhưng biên lợi nhuận vẫn thấp. Quý I/2020, doanh nghiệp báo lỗ 2.347,5 tỷ đồng. BSR đang đối mặt với hai thách thức lớn.

Thứ nhất, giá dầu giảm sâu và tiếp tục giao dịch ở mức thấp, trong khi tồn kho tính tới 31/3/2020 là 9.127 tỷ đồng, chiếm 19,2% tổng tài sản. Thách thức thứ hai đến từ các chi phí cố định cấu thành sản phẩm. Doanh nghiệp có tổng tài sản cố định 23.861 tỷ đồng, chiếm 50% tổng tài sản, trong đó chủ yếu là máy móc thiết bị lọc dầu với nguyên giá ban đầu là 39.224 tỷ đồng, mới khấu hao 20.010 tỷ đồng, còn lại 19.213,8 tỷ đồng, điều này gây nên chi phí duy trì, bảo dưỡng nhà máy và chi phí khấu hao lớn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có tổng nợ vay 8.407 tỷ đồng, chiếm 17,7% tổng tài sản. Có thể thấy, chi phí cố định đang là gánh nặng đối với BSR.

Với hai thách thức trên, kết quả kinh doanh quý II của BSR được dự báo sẽ xấu hơn quý I nếu giá dầu không quay đầu tăng trở lại.

Nhóm phụ trợ ngành khai thác dầu gặp nhiều khó khăn

sut giam gia dau va suc de khang cua doanh nghiep dau khi

Ðối với nhóm doanh nghiệp liên quan tới khai thác dầu khí như Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) hay Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HOSE: PVD) giá dầu giảm có tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh.

Với PVD, hoạt động kinh doanh chính là cung cấp dịch vụ khoan dầu, doanh nghiệp đang vận hành 4 giàn khoan, trong đó 3 giàn phục vụ thị trường Malaysia.

Năm ngoái, giá cho thuê giàn khoan bình quân từ 57.000 - 58.000 USD/ngày, giá cho thuê ở khu vực ASEAN tính đến cuối năm là 69.000 - 70.000 USD/ngày, giá dầu Brent khi đó dao động từ 59 - 66 USD/thùng, nhưng hiện tại, giá dầu đã giảm xuống dưới 19 USD/thùng.

Nếu giá dầu không tăng mạnh trở lại, các chủ đầu tư Maylaysia có thể trì hoãn việc thuê giàn khoan và điều này sẽ tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của PVD.

Tại PVS, trong năm 2019, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận gộp 993,5 tỷ đồng trong đó, mảng dịch vụ cơ khí, đóng mới và xây lắp chiếm 26,9%; mảng căn cứ cảng chiếm 25,3%; dịch vụ cung ứng tàu chứa và xử lý dầu thô chiếm 14,7%; dịch vụ tàu kỹ thuật dầu khí chiếm 12,8%; dịch vụ lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng công trình dầu khí biển chiếm 10,5%...

Với diễn biến giảm mạnh của giá dầu hiện nay, mảng xử lý dầu thô, cung cấp tàu chứa… của PVS có thể bị ảnh hưởng tiêu cực cho tới khi giá dầu hồi phục.

Nhóm phân phối dầu khí có thể chuyển giao rủi ro

Nhóm doanh nghiệp liên quan tới kinh doanh các sản phẩm từ dầu mỏ như khí gas, xăng dầu thông qua kênh phân phối tới tay người tiêu dùng bao gồm Tổng Công ty Khí Việt Nam (HOSE: GAS), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (HOSE: PLX).

sut giam gia dau va suc de khang cua doanh nghiep dau khi

GAS và PLX có hoạt động kinh doanh chính là bán lẻ xăng dầu, vận chuyển và phân phối khí, không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá dầu, nhưng trong ngắn hạn có thể bị ảnh hưởng bởi hàng tồn kho.

Kết thúc năm tài chính 2019, PLX hoàn thành 110% kế hoạch lợi nhuận trước thuế, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính tạo ra là 8.445 tỷ đồng.

Quý I/2020, doanh nghiệp ước đạt doanh thu 28.449 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận âm 572 tỷ đồng vì phải trích lập dự phòng giảm giá tồn kho do giá dầu bất ngờ giảm mạnh.

Dự kiến cả năm, doanh thu đạt khoảng 177.087 tỷ đồng, lợi nhuận 3.534 tỷ đồng, giảm lần lượt 6,6% và 24,4% so với năm 2019.

Tại GAS, việc độc quyền phân phối khí đảm bảo dòng tiền về doanh nghiệp mỗi năm hơn 12.000 tỷ đồng, nhờ đó gia tăng được lượng tiền mặt. Nếu như năm 2016, lượng tiền mặt là 19.436 tỷ đồng, chiếm 34,25% tổng tài sản, thì tới năm 2019 tăng lên 29.391 tỷ đồng, chiếm 47,21% tổng tài sản.

Trong báo cáo quý I/2020, GAS cho biết, doanh thu đạt 17.094 tỷ đồng, lợi nhuận 2.351 tỷ đồng, lần lượt giảm 8,3% và 23,3% so với cùng kỳ năm 2019, hoàn thành 25,8% kế hoạch doanh thu và 35,4% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Trong năm nay, GAS đặt kế hoạch doanh thu 66.163 tỷ đồng, lợi nhuận 6.636 tỷ đồng, lần lượt giảm 11,8% và 45,1% so với năm ngoái.

Mặc dù kết quả kinh doanh quý đầu năm suy giảm, nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh chính vẫn tạo ra cho GAS 2.408 tỷ đồng, giúp lượng tiền và đầu tư tài chính tăng từ 29.391 tỷ đồng lên 31.168 tỷ đồng, chiếm 47,6% tổng tài sản.

Với hoạt động kinh doanh chủ yếu nằm ở khâu cuối cùng của chuỗi giá trị ngành dầu khí, biến động giá dầu sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của PLX và GAS trong ngắn hạn. Tuy nhiên, khi giá dầu giao dịch ổn định trở lại, cả hai doanh nghiệp này đều có thể dễ dàng chuyển giao biến động giá tới tay người tiêu dùng cuối cùng.

sut giam gia dau va suc de khang cua doanh nghiep dau khi Kinh tế Việt từ hiện tượng giá xăng dầu...

KTCKVN - "Khi giá xăng dầu suy giảm, Việt Nam có thể nhập khẩu dầu với giá rẻ hơn. Điều này sẽ làm giảm giá ...

sut giam gia dau va suc de khang cua doanh nghiep dau khi Lọc hóa dầu Bình Sơn báo lỗ vượt 2.300 tỉ đồng trong quý I/2020

KTCKVN - CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCOM – Mã chứng khoán: BSR) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2020. ...

sut giam gia dau va suc de khang cua doanh nghiep dau khi Giá dầu phá vỡ mọi dự đoán, hàng loạt “đại gia” ngành dầu mỏ có nguy cơ phá sản

KTCKVN - Một kịch bản chưa có tiền lệ xảy ra trong lịch sử ngành dầu khí khi người khai thác dầu phải trả 37,63 ...

Quốc Trung

Tin cũ hơn
Xem thêm