Sức nóng cạnh tranh của thị trường cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng cao?

Cập nhật: 08:00 | 30/11/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Trong năm 2020 có thể các ngân hàng như OCB, MSB, SeABank, ABBank, Saigonbank, Nam A Bank, VietABank... sẽ thông qua kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán, sức nóng cạnh tranh của thị trường cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng cao.

suc nong canh tranh cua thi truong co phieu ngan hang se tang cao

Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Các trụ cột bị bán mạnh

suc nong canh tranh cua thi truong co phieu ngan hang se tang cao

Giao dịch cổ phiếu ngân hàng tuần qua như thế nào?

suc nong canh tranh cua thi truong co phieu ngan hang se tang cao

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang là “đích đến” của nhà đầu tư?

Thông tư 22/2019/TT-NHNN Quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chính thức có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2020. Kể từ thời điểm này tỷ lệ dư nợ cho vay tối đa trên tổng tiền gửi (LDR) được quy định chung cho mọi loại hình ngân hàng là 85%. So với các quy định hiện hành, LDR của các NHTM Nhà nước sẽ giảm 5%, trong khi đối với các NHTMCP lại tăng thêm 5%.

Thông tư số 22 được ban hành với nội dung siết lại các hoạt động của ngân hàng theo hướng “an toàn hơn”. Ngoài ra, Thông tư có điểm đáng chú ý là, quy định rõ lộ trình tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Cụ thể, từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/9/2020, tỷ lệ này là 40%; tiếp đến, từ ngày 01/10/2020 đến ngày 30/9/2021 là 37%. Từ ngày 01/10/2021 đến ngày 30/9/2022 là 34% và kể từ ngày 01/10/2022 giảm xuống còn 30%.

Quy định nói trên đã được nới lỏng hơn so với dự thảo Thông tư được NHNN đưa ra lấy ý kiến trước đó. Trước đây, NHNN đã đưa ra 2 phương án: Thứ nhất, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn đến hết ngày 30/6/2020 là 40%. Từ ngày 1/7/2020 đến ngày 30/6/2021, tỷ lệ áp dụng là 35% và từ sau ngày 1/7/2021 là 30%.

Thứ hai, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn ở mức 40% đến ngày 30/6/2020 và giảm còn 37% từ ngày 1/7/2020 đến ngày 30/6/2021. Sau đó, từ ngày 1/7/2021 đến ngày 30/6/2022, tỷ lệ này hạ xuống mức 34% và từ ngày 1/7/2022 giảm xuống 30%.

Điều này đã được dự báo trước bởi lộ trình giảm tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã được NHNN công bố tại các dự thảo trước đó. Theo số liệu của NHNN, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn vào cuối tháng 8/2019 chỉ có 27,61%. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước là 30,61%, nhóm NHTM cổ phần là 30,91%.

suc nong canh tranh cua thi truong co phieu ngan hang se tang cao
Ảnh minh họa

Đặc biệt, phần lớn các ngân hàng đáp ứng yêu cầu của quy định này. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn nhiều ngân hàng nhỏ có tỷ trọng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn trên 40%. Như vậy, mặc dù lộ trình kéo tỷ lệ này xuống ở mức khá thấp là 30% còn gần 3 năm nữa mới thực hiện, nhưng điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều ngân hàng.

Ngoài ra, Thông tư số 22 quy định rõ tỷ lệ cấp tín dụng so với vốn huy động từ ngày 01/1/2020 tối đa ở mức 85%. Đây là quy định sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các ngân hàng bởi tỷ lệ cho vay so với huy động của các ngân hàng đang ở mức khá cao.

Theo bà Thái Thị Việt Trinh – Chuyên viên vĩ mô của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), việc nới tỷ lệ LDR đối với khối ngân hàng cổ phần là phù hợp nhằm cải thiện sức khỏe của hệ thống ngân hàng. Mặc dù việc điều chỉnh trái chiều đối với tỷ lệ LDR ở hai nhóm ngân hàng sẽ không khiến tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống có nhiều thay đổi, do phần dư nợ tiềm năng bị hạn chế của nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối sẽ tương đương với phần dư nợ tiềm năng có thể tăng thêm của nhóm ngân hàng cổ phần.

Tuy nhiên, hiện nay đã có 13 ngân hàng đang áp dụng Basel 2, vì thế nhóm ngân hàng cổ phần có thể xem là được hưởng lợi từ chính sách, và có khả năng mở rộng tăng trưởng tín dụng.

Đối với nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối, như BIDV và VietinBank sẽ bị tác động ít nhiều từ việc thay đổi tỷ lệ LDR. Vì tính đến giữa năm 2019, tỷ lệ này ở hai ngân hàng đã ở mức lần lượt 84% và 85,5%, gần chạm và vượt so với quy định mới. Trong năm 2020, vì chưa đạt chuẩn Basel 2 nên dư địa để BIDV và VietinBank mở rộng tín dụng sẽ hạn hẹp.

Theo số liệu thống kê, hiện tỷ lệ LDR trung bình của khối ngân hàng cổ phần chỉ khoảng 84,61%. Như vậy những ngân hàng đang áp dụng Basel 2 nhiều khả năng sẽ mở rộng room tín dụng trong năm sau trong khi không tạo thêm áp lực huy động vốn.

Sau khi có quyết định điều chỉnh tỷ lệ LDR, các công ty chứng khoán đưa ra nhận định rằng tăng trưởng thu nhập lãi thuần của các ngân hàng sẽ có sự phân hóa nhẹ trong thời gian tới do tỷ lệ LDR mỗi ngân hàng mỗi khác. Bà Tăng Thị Uyên - Công ty chứng khoán FPT cho rằng, những ngân hàng đang mở rộng bán lẻ như Vietcombank, MB, VIB, TPBank, ACB… sẽ có thu nhập lãi thuần tăng trưởng tích cực, các ngân hàng chịu sự ảnh hưởng lớn từ kết quả cho vay tài chính tiêu dùng như HDBank và VPBank thu nhập lãi thuần có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ.

Cùng với diễn biến thị trường, trong các tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020, các mã cổ phiếu của những ngân hàng có lợi thế về chi phí huy động vốn rẻ như Vietcombank, Techcombank, MB… sẽ tiếp tục được khuyến nghị đầu tư. Các ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng cao như ACB, BIDV, VIB… cũng sẽ được khuyến nghị mua và nắm giữ cổ phiếu do chất lượng tài sản lành mạnh và tiềm năng tăng trưởng thu nhập dịch vụ đang khá lớn.

Trong khi đó, ngay trong tháng còn lại năm 2019, Công ty chứng khoán BSC nhận định nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn sẽ là nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường chứng khoán. Việc đa số các mã cổ phiếu được định giá hấp dẫn trong thời điểm hiện tại, cộng với xu hướng nợ xấu của nhóm ngân hàng niêm yết giảm dần, kết hợp với những điều chỉnh trong chính sách quản trị vốn sẽ khiến lực đẩy giá cổ phiếu ngân hàng được duy trì tốt.

Ngoài ra, trong năm 2020 có thể các ngân hàng như OCB, MSB, SeABank, ABBank, Saigonbank, Nam A Bank, VietABank... sẽ thông qua kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán, sức nóng cạnh tranh của thị trường cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng cao.

Hoài Dương