Chuyển động

Sân bay Long Thành đi vào vận hành, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ dịch chuyển thế nào?

Hồng Giang 06/07/2025 08:33

Khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam không chỉ có thêm sân bay mà còn bước vào giai đoạn chuyển động chiến lược mới.

Hệ thống hàng không phía Nam sắp có bước chuyển lớn khi sân bay Long Thành được vận hành

Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, đặc biệt tại các cảng hàng không cửa ngõ như Tân Sơn Nhất. Trong bối cảnh đó, việc đưa Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác được kỳ vọng sẽ giải tỏa áp lực quá tải cho hệ thống hàng không phía Nam và tạo ra động lực phát triển kinh tế mới cho cả vùng.

sân bay Long Thành
Sân bay Long Thành được kỳ vọng trở thành cửa ngõ hàng không mới, góp phần tái định hình không gian kinh tế vùng Đông Nam Bộ

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt, Cảng hàng không quốc tế Long Thành có công suất thiết kế giai đoạn 1 là 25 triệu hành khách/năm. Dự án sẽ đảm nhận vai trò chính trong khai thác các đường bay quốc tế, trong khi sân bay Tân Sơn Nhất tập trung vào khai thác các đường bay nội địa.

Hiện nay, Tân Sơn Nhất vẫn là cảng hàng không lớn và quan trọng nhất cả nước, phục vụ TP.HCM và toàn bộ khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Sân bay này đang khai thác vượt công suất thiết kế trong nhiều năm qua. Trước thời điểm đại dịch COVID-19, Tân Sơn Nhất đã ghi nhận sản lượng khai thác tới 41 triệu lượt hành khách/năm, vượt xa công suất thiết kế 28 triệu lượt.

Việc Long Thành đi vào hoạt động, chức năng khai thác quốc tế của Tân Sơn Nhất sẽ dần được chuyển giao, giúp giảm tải tình trạng quá tải hiện nay.

Theo dự báo từ liên danh tư vấn JFV (Nhật - Pháp - Việt Nam), nhu cầu vận chuyển hàng không tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ đạt 85 triệu lượt hành khách/năm vào năm 2030. Khi đó, Long Thành giai đoạn 1 (25 triệu khách) cùng với Tân Sơn Nhất sau cải tạo (50 triệu khách) sẽ đáp ứng cơ bản nhu cầu thị trường.

Không chỉ là sân bay mà còn là động lực chiến lược của vùng kinh tế phía Nam

Hệ thống giao thông kết nối là yếu tố sống còn cho sự vận hành hiệu quả của Long Thành. Theo quy hoạch, sân bay sẽ được kết nối bằng 3 tuyến đường bộ chính và 2 tuyến đường sắt, bao gồm: đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; tuyến Phan Thiết - Dầu Giây; tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam; và tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành.

Việc mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM- Long Thành hiện là một trong những ưu tiên cấp thiết để đảm bảo năng lực kết nối khi sân bay bắt đầu khai thác.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành không chỉ là dự án hạ tầng giao thông đơn thuần mà còn là một động lực chiến lược, góp phần định hình lại cơ cấu kinh tế vùng.

Khi đi vào vận hành, sân bay sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực vận chuyển quốc tế, thúc đẩy thương mại và du lịch. Đây là tiền đề để thu hút thêm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ chất lượng cao. Đồng thời, luồng khách du lịch quốc tế đổ vào sẽ tạo ra nguồn thu lớn cho các ngành thương mại, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn và logistics.

Ngoài ra, việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường hàng không qua Long Thành sẽ giúp tiết giảm đáng kể chi phí xã hội và chi phí cho doanh nghiệp.

Mắt xích chiến lược trong chuỗi logistics và sản xuất giá trị cao

Các sân bay quốc tế hiện đại trên thế giới như Incheon (Hàn Quốc) đều được quy hoạch đi kèm với hệ sinh thái logistics - công nghiệp - thương mại. Long Thành cũng đang được xây dựng theo mô hình này.

Với tổng diện tích hơn 5.000 ha, quy hoạch xung quanh sân bay Long Thành chia thành các vùng chức năng rõ ràng. Trong đó, vùng 1 (bán kính 5-10 km) dự kiến phát triển thành khu logistics, kho trung chuyển và các dịch vụ hỗ trợ sân bay. Huyện Long Thành hiện đã có 5 khu công nghiệp lớn, cùng hàng chục khu công nghiệp lân cận tại TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương tạo lợi thế vượt trội về nền tảng sản xuất và chuỗi cung ứng.

Sân bay Long Thành là công trình mang tính chất nền tảng không chỉ cho khu vực Đông Nam Bộ mà còn cho cả nền kinh tế quốc gia. Dự án không chỉ giải bài toán hạ tầng giao thông hàng không quá tải, mà còn tạo ra năng lực cạnh tranh mới cho vùng thông qua cải thiện kết nối, thu hút đầu tư, dịch chuyển cơ cấu kinh tế sang dịch vụ - sản xuất giá trị cao.

Với vai trò là cửa ngõ hàng không mới của quốc gia, sân bay Long Thành được kỳ vọng sẽ “chắp cánh” cho Việt Nam hội nhập sâu hơn với kinh tế toàn cầu và khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng hàng không - logistics quốc tế.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Sân bay Long Thành đi vào vận hành, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ dịch chuyển thế nào?
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO