Quỹ bảo trì chung cư: 1 năm tranh chấp, 10 năm mất lòng

Cập nhật: 10:44 | 24/05/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo số liệu của Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến hết năm 2020, trên địa bàn thành phố hiện có 833 chung cư thương mại hoàn thành đưa vào sử dụng song chỉ có 399 dự án - chưa đầy 50% số lượng chung cư - được chủ đầu tư bàn giao đầy đủ quỹ bảo trì. Câu chuyện tranh chấp quỹ bảo trì chung cư giữa ban quản trị và chủ đầu tư dường như vẫn khó để đi đến hồi kết.

Sau nhiều năm mòn mỏi "cầu cứu" chính quyền, đến nay cư dân tại chung cư Hòa Bình Green City vẫn chưa đòi được quỹ bảo trì.

Liên quan đến kinh phí bảo trì của chung cư Hoà Bình Green City, UBND quận hai Bà Trưng trước đó đã có báo cáo gửi UBND TP. Hà Nội. Cụ thể, ban quản trị chung cư đã nhiều lần yêu cầu, UBND quận và UBND phường Vĩnh Tuy đã nhiều lần họp hướng dẫn, đôn đốc nhưng chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao số tiền khoảng 40 tỷ đồng cho ban quản lý.

Ngày 27/3/2020, UBND thành phố đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính xử phạt chủ đầu tư về hành vi vi phạm không bàn giao quỹ bảo trì theo quy định.

Hòa Bình Green City: Cuộc chiến quỹ bảo trì vẫn chưa đi đến hồi kết

Nhiều lần căng băng rôn phản đối chủ đầu tư, song cư dân tại Hòa Bình Green City chưa biết
đến bao giờ mới "đòi" được tiền

Theo tìm hiểu, Chung cư Hoà Bình Green City ( số 505 Minh Khai, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) do CTCP Nông sản Agrexim và Công ty TNHH Hòa Bình làm chủ đầu tư; Đơn vị thiết kế là DA Group Hàn Quốc.

Đây là dự án là tổ hợp các căn hộ cao cấp và khối trung tâm thương mại, dịch vụ có tổng diện tích: 17.377 m2; tổng số vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng; quy mô gồm 2 khối tòa nhà cao 27 tầng trong đó 3 tầng hầm để xe, 5 tầng thương mại, dịch vụ và căn hộ cao cấp.

Có thể nói, câu chuyện quỹ bảo trì chung cư đang gây nên "tranh chấp" dai dẳng ở các chung cư.

Theo số liệu của Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến hết năm 2020, trên địa bàn thành phố hiện có 833 chung cư thương mại hoàn thành đưa vào sử dụng song chỉ có 399 dự án - chưa đầy 50% số lượng chung cư - được chủ đầu tư bàn giao đầy đủ quỹ bảo trì.

Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch cho hay: “Nguyên nhân sâu xa của tranh chấp quỹ bảo trì này là do cư dân chưa có được một ban quản trị mạnh, có đủ hiểu biết pháp luật để đấu tranh cho quyền lợi của mình, trong khi chủ đầu tư thường là những đơn vị sừng sỏ, họ có đủ những chữ “ệ” (trí tuệ, quan hệ, tiền tệ) nên cư dân rơi vào tình trạng khó khăn chồng chất khó khăn khi đấu tranh cho quyền lợi của mình. Thêm vào đó, chế tài quy định việc cơ quan chức năng can thiệp cũng chưa đủ sức để “làm khó” được chủ đầu tư, chưa có chế tài xử lý về chậm thành lập ban quản trị nên hiện tượng trên vẫn xảy ra và lặp lại ở nhiều dự án chung cư khác”.

Bên cạnh đó, luật sư cũng cho hay việc ban quản trị tòa nhà lấp liếm khoản thu chi thì có nhiều lý do, lý do khách quan liên quan đến năng lực quản trị của ban quản trị, lý do chủ quan thì vì mục đích cá nhân, lợi ích nhóm mà ban quản trị tòa nhà đã không sử dụng số tiền quỹ bảo trì không đúng mục đích.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, phân tích: “Chỉ 2% trên tổng giá trị toàn căn hộ là một số tiền khổng lồ, từ vài chục đến cả trăm tỉ đồng. Với số tiền này, chủ đầu tư khi “đói” vốn có thể mượn dùng cho việc kinh doanh, đầu tư bất động sản trong khi nếu rơi vào tay ban quản trị, dù có minh bạch cỡ nào cũng khó tránh khỏi bị “cám dỗ” chiếm dụng. Do vậy, các bên sẽ tìm mọi cách để trì hoãn việc bàn giao lại quỹ này, để hưởng lợi tối đa. Nếu không có số tiền này, thì có lẽ cuộc chiến chung cư không diễn ra đến mức gay gắt như hiện nay”.

Bên cạnh đó, ông Đực cho rằng, việc thu phí bảo trì 2% trên tổng giá trị toàn căn hộ là vô lý. Bởi giá bán căn hộ tuỳ thuộc vào thời điểm và vị trí của từng căn nên có thể chênh nhau đến 30%. Theo đó, việc ấn định thu phí bằng 2% giá bán, người mua nhà giá cao sẽ chịu thiệt thòi là phải đóng phí bảo trì nhiều hơn những người mua căn hộ có cùng diện tích.

Ông Đực cho hay: “Giá bán căn hộ cũng tùy thuộc vào yếu tố xây dựng và đất đai. Nếu buộc phải thu 2% phí bảo trì thì phải tính trên giá trị xây dựng. Hoặc không thì cần xóa bỏ khoản phí này”.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hiệp hội Quản lý và Bảo trì Tòa nhà Việt Nam (VBMA) cho rằng: “Các chủ đầu tư thường vẽ ra rất nhiều lý do để chậm trả phí bảo trì vì nguồn kinh phí này khá lớn so với tổng số tiền đầu tư dự án. Thông thường các chủ đầu tư chậm trả nguồn quỹ này với các lý do như hồ sơ hoàn công chưa đầy đủ, việc tranh chấp chung, riêng,… thậm chí là họ bàn giao lại từng phần theo cách nhỏ giọt gây ra những thiệt thòi cho cư dân.”

Ông Hùng cho rằng, có sự lạm quyền đối với việc giữ 2% tiền quỹ bảo trì. Một số chủ đầu tư dùng số tiền quỹ bảo trì đó để gửi dài hạn thay vì gửi không kỳ hạn (lãi suất thấp) để hưởng phần lãi suất chênh lệch. Ngoài ra, chủ đầu tư còn dùng số tiền này vào mục đích kinh doanh.

“Điều đáng nói, hiện nay có khoảng 60 - 70% chủ đầu tư không hoàn thành trách nhiệm của mình. Họ rất tinh vi trong việc lách luật để nhằm trốn trách trách nhiệm bàn giao nguồn quỹ này đúng thời hạn”, ông Hùng nhận định.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, để ngăn chặn tình trạng tranh chấp, trục lợi quỹ bảo trì tại các chung cư, Chính phủ đã ban hành Nghị định 30/2021/NĐ-CP trong đó bổ sung quy định xử phạt chủ đầu tư không nộp kinh phí bảo trì hoặc không bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định thì chủ đầu tư bị xử phạt vi phạm hành chính, bị cưỡng chế bàn giao theo quy định tại Điều 37 của Nghị định này.

Tuy nhiên, để quy định pháp luật đi vào thực tế đời sống vẫn còn mất một thời gian nữa. Cư dân tại các chung cư đang bị chủ đầu tư "om" quỹ bảo trì cần tìm hiểu, nắm rõ quy định mới và kiến nghị lên UBND tỉnh/thành phố đề nghị cưỡng chế bàn giao quỹ bảo trì theo đúng quy định.

Quận Hà Đông: Nhiều dự án vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy

UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản về việc tăng cường công tác PCCC&CNCH đối với nhà cao tầng trên địa bàn thành phố ...

Thực trạng tồn kho bất động sản trong quý I/2021

Trong quý I/2021 vừa qua, các khu vực có số lượng bất động sản đưa ra thị trường chưa được hấp thụ nhiều chủ yếu ...

Đánh thuế hay bị thuế đánh?

Thông tin đánh thuế căn hộ cho thuê tại TP. HCM cách đây không lâu đang khiến những người có căn hộ cho thuê như ...

Yến Thanh

Tin cũ hơn
Xem thêm