Phiên giao dịch ngày 13/6/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

Cập nhật: 17:30 | 12/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch 13/6/2022, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán VNDirect – VND

Duy trì khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu ACB với giá mục tiêu 41.700 đồng/cp

Lợi nhuận ròng quý 1/2022 của Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE - Mã: ACB) tăng 32,4% so với cùng kỳ lên 3,3 nghìn tỷ đồng (hoàn thành 27% dự báo của VND), đóng góp bởi tăng trưởng cho vay lành mạnh, thu nhập ngoài lãi và đặc biệt là việc hoàn nhập dự phòng. ACB ghi nhận tăng trưởng cho vay 5% so với đầu năm (+17% so với cùng kỳ) vào cuối quý 1/2022, trong đó cho vay bán lẻ vẫn là động lực chính (+6% so với đầu năm; 63% tổng dư nợ). Thu nhập ngoài lãi tăng 36% so với cùng kỳ nhờ thu nhập từ phí tăng 18,2% so với cùng kỳ và việc thu nợ từ nhóm G6.

Phiên giao dịch ngày 13/6/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý
VND duy trì khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu ACB với giá mục tiêu 41.700 đồng/cp. Hình minh họa.

Đáng chú ý, dựa trên việc trích lập dự phòng mạnh mẽ trước đó trong năm 2021, ACB đã có thể hoàn nhập dự phòng trong quý 1/2022 (3 tỷ đồng), chủ yếu đến từ việc hoàn nhập dự phòng nợ tái cơ cấu. Về chất lượng tài sản, nợ xấu tăng 11,4% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu vẫn duy trì thấp với 0,82% (so với 0,77% vào cuối 2021); tỷ lệ bao nợ xấu (LLR) ở mức 188% (so với 209% vào cuối 2021).

Việc Chính phủ có những bước đầu giám sát chặt chẽ hơn về hoạt động của thị trường vốn Việt Nam đã dẫn đến hiệu ứng bán tháo trên thị trường chứng khoán và ngành ngân hàng cũng không là ngoại lệ kể từ tháng 4/2022. Tuy nhiên, ACB lại ghi nhận mức giảm giá thấp nhất so với toàn ngành (chỉ -4% so với -16,6%). ACB là một trong những ngân hàng bán lẻ tốt nhất tại Việt Nam và là một ngân hàng có chiến lược thận trọng với danh mục tài sản không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Do đó, ACB đã không bị ảnh hưởng bởi sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ gần đây lên thị trường này. Mặt khác, cho vay bất động sản chiếm 18% danh mục của ACB tuy nhiên chủ yếu đến từ cho vay mua nhà (15%), vì vậy ACB sẽ không chịu tác động đáng kể trước động thái kiểm soát chặt chẽ dòng vốn vay đổ vào lĩnh vực bất động sản gần đây.

Theo đó, VND duy trì khuyến nghị Khả Quan với giá mục tiêu không đổi là 41.700 đồng/cp. VND duy trì giá mục tiêu 1 năm cho ACB là 41.700 đồng dựa trên tăng trưởng EPS 2022-23 không đổi và hệ số P/BV là 1,9 lần. Giá mục tiêu của VND dựa trên định giá thu nhập thặng dư (COE: 14%; LTG: 3,0%) và P/BV 2022 là 1,9 lần, tỷ trọng bằng nhau.

VND vẫn kỳ vọng lợi nhuận ròng của ACB sẽ tăng trưởng 25%/18% so với cùng kỳ trong năm 2022-23. Sự điều chỉnh của thị trường vừa qua đã đẩy định giá của ACB xuống mức đáy 3 năm: chỉ 1,23 lần P/BV 2022, tương đương -2 độ lệch chuẩn. Với khả năng sinh lời mạnh mẽ và bảng cân đối kế toán lành mạnh trong ba năm tới, VND cho rằng, ACB xứng đáng được định giá ở mức P/BV 1,9 lần và đây là thời điểm tốt để các nhà đầu tư bắt đầu mua vào và nắm giữ 1 ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng tốt như ACB.

Tiềm năng tăng giá bao gồm biên lãi thuần (NIM) cao hơn dự kiến. Rủi ro giảm giá bao gồm (i) lạm phát cao hơn dự kiến, dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp hơn và (ii) nợ xấu tăng cao hơn dự kiến.

Khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 57.800 đồng/cp

Ban lãnh đạo CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE - MÃ: HPG) đặt kế hoạch khiêm tốn cho năm 2022 với doanh thu 160 nghìn tỷ đồng (+7% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế (LNST) trong khoảng 25-30 nghìn tỷ đồng (thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 là 34,5 nghìn tỷ đồng).

Tại Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) 2022, chủ tịch Trần Đình Long cho rằng, biên lợi nhuận toàn ngành đang chịu áp lực không nhỏ trong những tháng cuối năm khi giá bán thép giảm trong khi nguyên liệu đầu vào tăng cao. Những lo ngại này đã phần nào phản ánh vào đà giảm 30% của HPG trong 6 tháng gần đây, cao hơn so với mức giảm 10,8% của VN-Index.

Nhờ lợi thế sản xuất quy mô lớn, hệ thống phân phối rộng khắp và khả năng quản lý hàng tồn kho đã được chứng minh, VND tin rằng, HPG sẽ là một trong số ít các doanh nghiệp ngành thép tại Việt Nam có khả năng giữ biên lợi nhuận gộp không bị giảm quá mạnh trong năm 2022 nhờ (1) những sự kiện gián đoạn nguồn cung do thời tiết không thuận lợi sẽ giảm dần trong nửa cuối năm 2022 (hiện tượng La Nina thường đạt đỉnh tại Australia trong quý I) sẽ làm giảm giá than cốc và (2) Trung Quốc – thị trường xuất khẩu quan trọng của HPG sẽ bắt đầu mở cửa trở lại trong tháng 6/2022, điều này sẽ tác động tích cực đến nhu cầu cũng như giá bán thép. VND kỳ vọng, lợi nhuận ròng của HPG trong năm 2022 sẽ giảm 14% so với cùng kỳ xuống 29.665 tỷ đồng, trước khi tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ trong năm 2023 lên 29.966 tỷ đồng.

HPG hiện đang được giao dịch tại mức P/E 2022 là 5,4x, mức thấp nhất trong 10 năm qua. VND kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận ròng trong giai đoạn 2022-2025 sẽ tăng trưởng kép 10,7% và 6,8% nhờ nhu cầu thép nội địa mạnh mẽ. Khu liên hợp Dung Quất 2 (KLHDQ 2) sẽ giúp HPG tăng công suất sản xuất thép thô 66% so với hiện tại lên mức 14,6 triệu tấn/năm từ năm 2025, do đó VND tin rằng định giá của HPG đã ở mức hấp dẫn cho đầu tư dài hạn.

Tuy nhiên, giá cổ phiếu lại đang thiếu những động lực tăng giá trong những tháng cuối năm 2022. Những dự án lớn như KLHDQ3, mỏ quặng sắt tại Australia, khu đô thị Phố Nối và dự án nhôm vẫn chưa có nhiều thông tin và cần thời gian để đóng góp vào kết quả kinh doanh của công ty. Trong khi đó, trung bình giá thép 2022 được dự báo vẫn sẽ duy trì ở mức cao 980 USD/tấn (+3% so với cùng kỳ), trước khi giảm xuống còn 850 USD/tấn vào năm 2023.

Theo đó, VND duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu thấp hơn là 57.800 đồng/cp. VND giảm 6,7%-13,3% dự phóng EPS năm 2022-2024 do điều chỉnh tăng giả định giá nguyên liệu đầu vào. Do đó, VND giảm 15,6% giá mục tiêu của HPG xuống 57.800 đồng/cp. Động lực tăng giá là các dự án mới để mở rộng chuỗi giá trị. Rủi ro giảm giá là tăng trưởng nhu cầu thép thấp hơn dự kiến

Công ty chứng khoán BIDV – BSC

Khuyến nghị mua cổ phiếu REE với giá mục tiêu 112.700 đồng/cp

Trong quý 1/2022, CTCP Cơ Điện Lạnh (HOSE - Mã: REE) ghi nhận doanh thu thuần (DTT) đạt 2.045 tỷ đồng (+73% yoy), và lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 955 tỷ đồng (+102% yoy), nhờ (1) DTT mảng điện tăng mạnh (+287% yoy), với việc lượng điện thương phẩm của các nhà máy thủy điện tăng mạnh (+94% yoy) nhờ thủy văn tương đối thuận lợi trong các tháng đầu 2022 và (2) DTT và LNST cho thuê văn phòng tăng nhẹ (+3% yoy), với tỷ lệ lấp đầy duy trì tại mức cao (98%), dù (3) DTT M&E giảm mạnh (-55% yoy), bởi nhiều công trình chưa hoàn thành trong quý 1/2022. Bên cạnh đó, REE chi trả cổ tức cho năm 2021 với tỷ lệ là 25% (gồm 10% bằng tiền, 15% bằng cổ phiếu).

BSC dự báo, DTT và LNST 2022 lần lượt đạt 9.484 tỷ đồng (+63,2% yoy) và LNST đạt 3.446 tỷ đồng (+61,4% yoy), EPS FW 2022 = 8.423 đồng/cp với giả định: (1) Các dự án cơ điện công trình (M&E) ký mới +30% yoy; (2) Giá cho thuê văn phòng tại các tòa nhà cho thuê +2% so với năm 2021 và (3) Sản lượng mảng thủy điện đạt 5,6 tỷ kWh (+5,9% yoy) nhờ hiện tượng La Nina.

Hoạt động M&E và văn phòng cho thuê với tỷ suất lợi nhuận ổn định đem đến dòng tiền đều đặn cho REE. Mảng Phát điện tăng trưởng mạnh trong năm 2022 nhờ hiện tượng La Nina và công suất tăng thêm từ các nhà máy mới hoạt động.

Theo đó, BSC khuyến nghị MUA cho cổ phiếu REE với giá mục tiêu 112.700 đồng/cp cho năm 2022 (+14,6% so với giá ngày 08/06/2022) dựa trên phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền (DCF).

Rủi ro đầu tư: Rủi ro tới từ khả năng kéo dài thời gian sửa chữa nhà máy Phả Lại 2 và mảng M&E khả năng chịu tác động một phần nếu ngành bất động sản chậm lại.

Công ty chứng khoán Bảo Việt – BVSC

Duy trì khuyến nghị tích cực cho cổ phiếu AGG với giá mục tiêu 49.725 đồng/cp

So với báo cáo cuối năm 2021, danh mục dự án của CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (HOSE - Mã: AGG) thêm hai quỹ đất là The Gió và dự án 3.1. Trong đó, dự án 3.1 có quy mô 3.1ha nằm đối diện dự án WestGate. Hai dự án này nhiều khả năng sẽ kinh doanh vào 2022-2023. Đối với dự án BC27, đây là dự án có quy mô và tiềm năng nhất với AGG hiện tại. Với danh mục dự án hiện hữu, doanh thu tiềm năng có thể ghi nhận từ 2022-2025 là 20.904 tỷ đồng.

Căn cứ tiến độ các dự án và kế hoạch bàn giao, BVSC ước tính doanh thu 2022 là 3.465 tỷ, tăng 92% yoy. Lợi nhuận gộp là 1.275 tỷ, tương đương biên gộp ở mức 37%. Lợi nhuận sau thuế trừ thiểu số ghi nhận 543 tỷ, vượt nhẹ so với kế hoạch đề ra và tăng 30% yoy.

Với doanh thu chưa ghi nhận các dự án đang triển khai ở mức cao, BVSC cho rằng, việc ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng với AGG trong 2023 là hiện hữu. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của 2023 phụ thuộc nhiều vào tiến độ hai dự án gối đầu là Dự án 3.1 và The Gió. Trên cơ sở thận trọng, BVSC ước tính doanh thu năm 2023 là 5.989 tỷ, tăng 73% so với ước 2022. Lợi nhuận sau thuế trừ cổ đông thiểu số là 640 tỷ, tăng 18% yoy.

BVSC sử dụng phương pháp định giá NAV, và so sánh để xác định giá trị hợp lý của AGG. So với báo cáo tháng 12/2021, số lượng cổ phần thay đổi từ 82,5 triệu lên 111,7 triệu do cổ tức cổ phần và phát hành cổ động hiện hữu tỷ lệ 4:1. Kết quả, giá trị hợp lý sau điều chỉnh vốn điều lệ mới là 49.725 đồng/cp, cao hơn giá thị trường ngày 08/6/2022 là 29,5%.

Từ những đánh giá trên, BVSC cho rằng, AGG vẫn cơ hội đầu tư tốt cho năm 2022 dù thị trường bất động sản dự báo sẽ khó khăn ngắn hạn ở nửa sau 2022. BVSC vẫn kỳ vọng những điểm nhấn mới về: i) LN tăng trưởng 30% trong 2022; ii) Triển khai dự án mới như The Gió, dự án 3.1ha hỗ trợ cho giá cổ phiếu. Với kết quả từ 3 phương pháp, BVSC duy trì khuyến nghị OUTPERFORM với lợi nhuận kỳ vọng là 29,5%, tương ứng giá mục tiêu là 49.725 đồng/cp.

Rủi ro: sự điều chỉnh chung của nhóm bất động sản có thể ảnh hưởng đến AGG trong ngắn hạn.

Công ty chứng khoán Bản Việt – VCSC

Khuyến nghị mua cổ phiếu TPB với giá mục tiêu 39.200 đồng/cp

Kể từ năm 2015, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (HOSE - Mã: TPB)đã đạt mức NIM hàng năm cao hơn VIB trong 5/7 năm, tuy nhiên VIB vượt TPB 8 điểm cơ bản vào năm 2021. Trong quý 1/2022, chênh lệch này tăng lên 42 điểm cơ bản, khiến TPB xếp ở vị trí thấp nhất trong số các ngân hàng TMCP tư nhân trong danh mục theo dõi của VCSC. VCSC chưa thấy có lý do về mặt cơ bản nào để lập mô hình dự báo cho cả năm 2022 dựa trên kết quả NIM quý 1/2022 và dự báo NIM năm 2022 đạt 4,35% so với dự báo của VCSC cho VIB là 4,50%. Tỷ lệ CASA của TPB vẫn là một tỷ lệ biến động khi tỷ lệ CASA quý 1/2022 giảm 4,5 điểm % so với quý trước (QoQ).

VCSC lập mô hình dự báo CASA tương tự cách VCSC tiếp cận dự báo NIM; do đó, VCSC không thấy lý do cơ bản nào cho dự mức giảm CASA này sẽ kéo dài và dự phóng mức cải thiện 1,0 điểm % YoY đối với CASA là 24,3% vào cuối năm 2022.

Trong báo cáo thường niên năm 2021, TPB cho biết số lượng khách hàng của ngân hàng đã tăng lên 5 triệu (+30% YoY), cho thấy sự thành công tương đối trong phương pháp tiếp cận khách hàng với định hường ngân hàng có mạng lưới phòng giao dịch nhỏ nhưng áp dụng nhiều công nghệ. Trong khi đó, VIB cho biết ngân hàng có 3,8 triệu khách hàng trong báo cáo thường niên năm 2021. Tính đến cuối năm 2021, TPB có 120 chi nhánh và phòng giao dịch, trong khi VIB có 165.

Mặc dù TPB và VIB không phân chia số lượng khách hàng của 2 ngân hàng này thành khách hàng đang hoạt động và không hoạt động, số lượng khách hàng của TPB cho thấy TPB rõ ràng đang vượt trội hơn trong việc thu hút khách hàng. Ngoài ra, TPB đã báo cáo tỷ lệ CASA đạt 23,3% so với 16,3% đối với VIB vào cuối năm 2021, cho thấy TPB đang làm tốt hơn trong việc thuyết phục khách hàng sử dụng tài khoản TPB làm tài khoản ngân hàng chính.

VCSC tăng giá mục tiêu cho TPB thêm 3,2% lên 39.200 đồng/cổ phiếu nhưng nâng khuyến nghị từ PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG lên MUA khi giá cổ phiếu của ngân hàng đã giảm 26,8% trong 3 tháng qua.

Giá mục tiêu cao hơn của VCSC chủ yếu là do (1) tác động tích cực của việc cập nhật mô hình định giá đến giữa năm 2023, bù đắp cho (2) dự báo LNST thấp hơn 3,1% cho giai đoạn 2022-2026 so với dự báo trước đó của VCSC và (3) điều chỉnh giảm P/B mục tiêu của VCSC từ 1,71 lần còn 1,60 lần.

LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2022-2026 của VCSC giảm chủ yếu là do (1) tổng thu nhập từ lãi (NII) giảm 0,9%, (2) tổng thu nhập phí ròng (NFI) giảm 4,7% và (3) tổng chi phí dự phòng tăng 13,0%. Các khoản dự phòng cao hơn là do việc áp dụng tỷ lệ xử lý nợ bằng dự phòng trung bình là 0,78% cho giai đoạn dự báo so với 0,44% trước đó do TPB cho thấy mong muốn xử lý nợ xấu bằng dự phòng tích cực hơn trong năm 2021.

VCSC giảm 1,0% dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2022 xuống 6,8 nghìn tỷ đồng (+ 41,5% YoY) so với dự báo trước đó do (1) tổng thu nhập ngoài lãi (NOII) giảm 7,8%, ảnh hưởng (2) giảm 7,2% trong giả định phí dự phòng của VCSC.

Yếu tố hỗ trợ: TPB phát triển CASA ổn định từ khách hàng bán lẻ, theo kế hoạch của ban lãnh đạo. Rủi ro: Nợ xấu cao hơn dự kiến; không đạt được hạn mức tăng trưởng tín dụng cao.

Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Cổ phiếu chứng khoán có còn cơ hội?

Sau một giai đoạn tăng trưởng như vũ bão của thị trường chứng khoán trong năm 2020 - 2021, nhà đầu tư được chứng kiến ...

Nhà đầu tư cá nhân giảm mạnh quy mô rót vốn tuần VN-Index mất mốc 1.300 điểm

Trong tuần VN-Index không giữ được mốc 1.300 điểm, giao dịch của nhà đầu tư cá nhân tiếp tục là điểm sáng khi khối này ...

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Nhiều mã ngân hàng, chứng khoán đã phù hợp để tích lũy dài hạn

Dù thị trường vẫn được nhận định rủi ro cao và các nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán chưa thể đảo chiều xu hướng, nhưng ...

Thiện Nhân

Tin liên quan