Phát triển thị trường vốn và trái phiếu, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài

Cập nhật: 14:49 | 24/08/2018 Theo dõi KTCK trên

Thị trường vốn và trái phiếu Chính phủ đóng vai trò là kênh huy động vốn và giải quyết vấn đề thiếu hụt của ngân sách nhà nước.

Bà Phan Thị Thu Hiền – Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng việc phát triển thị trường này phù hợp với Nghị quyết của Đảng và Nhà nước nhằm từng bước giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn huy động nước ngoài.

Phát triển thị trường vốn và trái phiếu, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài
Bà Phan Thị Thu Hiền – Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng
và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính). (Ảnh: M.P)

Phóng viên (PV): Được biết trong thời gian qua Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều biện pháp phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) gắn với tái cơ cấu nợ công. Xin bà cho biết cụ thể về vấn đề này?

Bà Phan Thị Thu Hiền: Từ trước năm 2015, mặc dù Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp về khung khổ pháp lý để phát triển thị trường TPCP nhưng chúng tôi vẫn phải đối mặt với một số vấn đề lớn gồm: thị trường TPCP quy mô nhỏ (năm 2014 là 13,84%GDP), các ngân hàng thương mại nắm giữ đến 79,7% thị phần năm 2014; TPCP đa phần phát hành kỳ hạn dưới 5 năm theo đó kỳ hạn bình quân danh mục nợ trái phiếu Chính phủ có năm chỉ có 2,38 năm (cuối năm 2013), ảnh hưởng đến tính bền vững nợ công.

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính thực hiện các giải pháp tái cơ cấu thị trường gắn với tái cơ cấu nợ công nhằm mục đích kéo dài kỳ hạn danh mục nợ TPCP, đa dạng hóa nhà đầu tư trên thị trường TPCP.

Kết quả đạt được đến nay là khả quan khi kỳ hạn TPCP được kéo dài, các sản phẩm trái phiếu phát hành trên thị trường với nhiều loại kỳ hạn, cơ sở nhà đầu tư ngày càng đa dạng.

Cụ thể như sau, cơ sở nhà đầu tư trên thị trường TPCP có sự thay đổi căn bản theo hướng mở rộng, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, giảm mạnh tỷ lệ nắm giữ của các ngân hàng thương mại. Tính đến cuối tháng 7/2018, tỷ lệ nắm giữ của các ngân hàng thương mại là 51,1% (giảm mạnh so với mức khoảng 79,7% năm 2014), tương đương với các nước trong khu vực là Singapore, Malaysia và thấp hơn Trung Quốc (khoảng 68%), Thái Lan (60%); danh mục còn lại do các nhà đầu tư là Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các công ty bảo hiểm (trong đó chủ yếu là bảo hiểm nhân thọ), Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư khác nắm giữ.

Bên cạnh đó, đa dạng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, thúc đẩy giao dịch trên thị trường thứ cấp TPCP. Theo đó, bên cạnh sản phẩm trái phiếu truyền thống với lãi suất cố định đã phát triển sản phẩm trái phiếu không trả lãi định kỳ, trái phiếu có kỳ trả lãi linh hoạt. Đồng thời, đã phát hành đa dạng các kỳ hạn từ 5 năm đến 30 năm để hình thành đường cong lãi suất chuẩn trên thị trường trái phiếu. Sự đa dạng này giúp quy mô giao dịch trên thị trường thứ cấp tăng lên mức khoảng 9.000 tỷ đồng/phiên trong năm 2017, tăng mạnh so với mức khoảng 1.000 – 2.000 tỷ đồng/phiên trong giai đoạn từ 2011 – 2013. Trong 7 tháng đầu năm 2018, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 10,4 nghìn tỷ đồng/phiên.

Đồng thời, chủ động phát hành TPCP kỳ hạn dài, đặc biệt là các kỳ hạn 15 năm, 20 năm, 30 năm nhằm vừa đáp ứng nhu cầu đầu tư của các quỹ bảo hiểm, vừa giúp kéo dài kỳ hạn bình quân của danh mục nợ TPCP, giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và tăng tính bền vững nợ công. Cụ thể, kỳ hạn phát hành bình quân TPCP hàng năm đã được cải thiện, năm 2017 đạt mức 12,74 năm, 7 tháng đầu năm 2018 đạt mức 13,16 năm, trong khi năm 2013 chỉ là 3,21 năm. Kết quả là kỳ hạn bình quân của danh mục nợ TPCP đã được kéo dài từ mức 2,38 năm vào thời điểm cuối năm 2013 lên mức 6,71 năm cuối năm 2017 và lên mức 6,73 năm vào thời điểm hiện nay.

Ngoài ra, căn cứ tình hình thị trường, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để từng bước tái cơ cấu các loại trái phiếu có lãi suất phát hành cao trong thời gian trước đây, tái cơ cấu các loại trái phiếu có kỳ hạn ngắn thành các loại có kỳ hạn dài hơn thông qua các nghiệp vụ mua lại, hoán đổi trên thị trường. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện thường xuyên các nghiệp vụ này để tiếp tục cải thiện danh mục nợ TPCP.

Như vậy có thể thấy, TPCP ngày càng trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển của nền kinh tế. Việc cơ cấu lại thị trường về cơ sở nhà đầu tư, về kỳ hạn của danh mục nợ thông qua tập trung phát hành các trái phiếu dài hạn từ 5 năm đến 30 năm, sử dụng các nghiệp vụ tái cơ cấu, mua lại, hoán đổi đã làm cho danh mục nợ TPCP nói riêng và danh mục nợ công nói chung ngày càng được cải thiện theo hướng bền vững hơn. Xu hướng này cũng phù hợp với Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về phát triển thị trường vốn, từng bước giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn huy động nước ngoài nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình và đã tốt nghiệp IDA (dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội phát triển Quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới), kênh nhận vốn ưu đãi từ nhà tài trợ nước ngoài.

PV: Có ý kiến cho rằng cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường TPCP tuy đang dần cải thiện nhưng vẫn chưa đa dạng, phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng. Cũng có ý kiến cho rằng các ngân hàng tập trung vào mua TPCP thì họ sẽ không muốn cho vay đối với doanh nghiệp. Bà bình luận về vấn đề này như thế nào?

Bà Phan Thị Thu Hiền: Về cơ cấu nhà đầu tư, như vừa nói ở trên, thời gian qua có sự thay đổi căn bản theo hướng giảm tỷ lệ nắm giữ của các ngân hàng thương mại, tăng tỷ lệ nắm giữ của bảo hiểm xã hội, các công ty chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư. Năm 2014, tỷ lệ nắm giữ TPCP của ngân hàng thương mại là 79,7% đến nay đã giảm xuống còn 51,1%. Đặc biệt từ năm 2018 đến nay, chúng tôi còn đẩy mạnh sự tham gia của Bảo hiểm xã hội mua bán trên thị trường TPCP theo nguyên tắc thị trường giống như một thành viên thị trường, làm cho thị trường ngày càng đa dạng hơn về hệ thống nhà đầu tư.

Đồng thời, với chủ trương đa dạng hóa hệ thống các nhà đầu tư trên thị trường, Bộ Tài chính cũng đã tập trung xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý làm cơ sở cho việc hình thành và phát triển các nhà đầu tư dài hạn, tạo cầu bền vững cho thị trường, bao gồm: Quỹ hưu trí tự nguyện; quỹ bảo hiểm liên kết; khuyến khích hoạt động đầu tư vào trái phiếu của các công ty bảo hiểm, Bảo hiểm tiền gửi, nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, có thể nhận xét rằng thị trường trái phiếu Chính phủ hiện nay không còn lệ thuộc vào các ngân hàng.

Về việc ngân hàng mua TPCP, tôi khẳng định việc mua trái TPCP của các ngân hàng thương mại không ảnh hưởng đến đến hoạt động cho vay của các ngân hàng. Bởi ngân hàng thương mại nắm giữ trái phiếu Chính phủ với 2 mục tiêu: mua và nắm giữ trái phiếu để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn và sinh lời, và mua để kinh doanh trái phiếu khi có nguồn vốn nhàn rỗi nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Trong quá trình hoạt động, các ngân hàng thương mại luôn tuân thủ nghiêm ngặt các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của ngân hàng Nhà nước. Như vậy, việc nắm giữ TPCP của các ngân hàng thương mại vừa đáp ứng nhu cầu đảm bảo an toàn vốn trong kinh doanh vừa tối đa hoá hiệu quả sử dụng vốn nhàn rỗi trong phạm vi an toàn của ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, TPCP cũng là công cụ hỗ trợ để ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ như thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, cho vay tái cấp vốn.

Thời điểm cuối năm 2017, tỷ lệ đầu tư TPCP chiếm 7,28% tổng tài sản hệ thống ngân hàng, trong khi dư nợ tín dụng chiếm 65% tổng tài sản, tương đương 130% GDP.

PV: Bà có thể cho biết định hướng phát triển thị trường TPCP trong thời gian tới?

Bà Phan Thị Thu Hiền: Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1191/QĐ-TTg phê duyệt lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến 2030, trong đó đặt mục tiêu phát triển thị trường TPCP thành kênh huy động vốn cơ bản cho NSNN và trở thành thị trường chuẩn để phát triển thị trường tài chính.

Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới, Bộ Tài chính tập trung thực hiện một số giải pháp.

Cụ thể, đối với thị trường sơ cấp, Bộ sẽ chú trọng phát triển các sản phẩm mới trên thị trường trái phiếu, vận hành thị trường chứng khoán phái sinh, phát hành đều đặn, liên tục các kỳ hạn để đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư. Cùng với đó, tiếp tục tái cơ cấu sản phẩm để tăng tính bền vững của danh mục nợ TPCP.

Đối với thị trường thứ cấp sẽ thực hiện các giải pháp nhằm tăng thanh khoản trên thị trường, tăng quy mô giao dịch. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2018/NĐ-CP về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ trên thị trường chứng khoán. Theo đó, trong năm 2019, chúng tôi sẽ tập trung phát triển nhà tạo lập thị trường với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ theo thông lệ quốc tế, thí điểm nghĩa vụ chào giá cam kết chắc chắn 02 chiều đối với nhà tạo lập thị trường nhằm thúc đẩy phát triển thị trường thứ cấp.

Đối với phát triển nhà đầu tư, yêu cầu Bảo hiểm xã hội tham gia mua, bán trái phiếu Chính phủ trên thị trường để tiếp tục cơ cấu lại nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu; phát triển cơ sở nhà đầu tư nước ngoài, quan tâm thu hút nhà đầu tư dài hạn; phát triển các quỹ hưu trí tự nguyện, các sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện.

Về phát triển định chế trung gian và dịch vụ thị trường chú trọng hiện đại hóa công nghệ thông tin về hệ thống đấu thầu, đăng ký, lưu ký và niêm yết trái phiếu, phấn đấu rút ngắn thời gian từ khâu phát hành đến niêm yết trái phiếu từ T+2 xuống còn T+1 nhằm tăng tính thanh khoản của thị trường trái phiếu.

Ngoài ra, tiếp tục tăng cường phối hợp giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, tạo sự liên kết, cân đối và đồng bộ giữa thị trường tiền tệ, tín dụng và thị trường trái phiếu.

PV: Xin cảm ơn bà!

Minh Phương

Theo dangcongsan.vn

Tin cũ hơn
Xem thêm