OGC (Ocean Group) toan tính gì khi muốn nhượng cổ phần OCH, thoái vốn dự án bạc tỷ?

Cập nhật: 15:15 | 31/12/2020 Theo dõi KTCK trên

Ngày 24/12/2020, Ban Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Đại Dương (HOSE: OGC) đã trình HĐQT các tờ trình có nội dung bán tài sản liên quan đến việc chuyển nhượng 20.000.000 cổ phiếu OCH bất chấp việc trên 51% cổ đông đưa ý kiến phản đối bằng văn bản...

Ocean Group (OGC) lên phương án khắc phục ý kiến ngoại trừ và đề nghị đưa

Quyết định đi ngược số đông

Ngày 21/12/2020, HĐQT CTCP Khách sạn và Dịch vụ OCH - Ocean Hospitality (HNX: OCH) vừa thông qua đề xuất của Tổng Giám đốc về việc chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số L45-1, Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội) với giá trị chuyển nhượng đã bao gồm thuế giá trị gia tăng không thấp hơn 41,7 tỷ đồng.

Ngay sau đó, vào ngày 24/12/2020, Ban Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Đại Dương (HOSE: OGC) bao gồm Kế toán Trưởng, 2 Phó Tổng Giám đốc và Tổng Giám đốc Lò Hồng Hiệp trình HĐQT các tờ trình có nội dung bán tài sản đáng chú ý trong đó nội dung thứ nhất là tiếp tục triển khai việc chuyển nhượng 20.000.000 cổ phiếu OCH hoặc một số lượng cổ phiếu OCH thấp hơn và giao cho Ban Tổng Giám đốc tự quyết định, ngay cả khi đã nhận được ý kiến phản đối bằng văn bản của hơn 51% cổ đông OGC.

Một nội dung đáng chú ý khác là chuyển nhượng 70,98% vốn góp tại Dự án Gia Định Plaza với giá 15 tỷ đồng. Tại Dự án Gia Định Plaza (có tổng diện tích đất 12.151 m2 tại số 7 đường Trường Chinh, phường Đông Hưng Thuận, Quận 12, TP. HCM) - phía OGC đã chuyển cho đối tác Liên Việt và góp trực tiếp vào dự án 149,75 tỷ đồng. Tuy vậy đã có một số vướng mắc liên quan đến tỷ lệ sở hữu.

Trong một buổi chia sẻ vào đầu tháng 12, ban lãnh đạo OGC cho biết việc ra nghị quyết bán cổ phần OCH nhằm mục đích giải quyết công nợ và bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh.

Hiện tài sản ngắn hạn so với nợ ngắn hạn OGC đang mất cân đối 550 tỷ đồng; trường hợp khoản nợ đến hạn không trả được chủ nợ có thể kiện doanh nghiệp.

1201-ogc1
Nợ phải trả của OGC đang gấp 2,4 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này

HĐQT OGC tuyên bố các giao dịch nhằm bảo vệ quyền lợi của cổ đông và lợi ích doanh nghiệp. Tuy nhiên các động thái này không nhận được sự đồng tình của nhóm cổ đông lớn của công ty.

Cụ thể, IDS Equity Holdings - hiện không nắm giữ trực tiếp cổ phần của OGC – nhưng tuyên bố đã có ủy quyền của các cổ đông đang sở hữu 51% cổ phần qua đó uỷ quyền hoàn toàn cho IDS tất cả các quyền và nghĩa vụ với tư cách cổ đông. Đơn vị này cho biết đang tiến hành các thủ tục để triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường.

Vào ngày 4/12/2020, nhóm cổ đông lớn này đã gửi công văn triệu tập ĐHCĐ bất thường tại OGC nhưng theo Luật doanh nghiệp hiện hành, nếu HĐQT và Ban kiểm soát hoạt động và điều hành công ty không thực hiện quản trị theo định hướng của cổ đông lớn thì sẽ phải mất tới hơn 3 tháng để có thể tổ chức được ĐHCĐ bất thường.

Ông Nguyễn Dũng Minh, đại diện IDS Equity Holdings cho biết, các thành viên HĐQT chủ chốt tại OGC luôn tránh né làm việc trực tiếp với IDS. Đã có một cuộc tiếp xúc giữa IDS với OGC nhưng OGC chỉ cử các cán bộ cấp thấp và không có quyền quyết định để gặp mặt. Tuy nhiên, IDS vẫn rất tin tưởng vào các khoản đầu tư tại Việt Nam và đánh giá cách ứng xử với cổ đông của HĐQT đương nhiệm OGC chỉ là một trường hợp hết sức cá biệt so với thông lệ các công ty niêm yết hiện tại trên thị trường. IDS sẽ có các phương án phù hợp để OGC và OCH ko bị mất các tài sản cốt lõi cho đến khi IDS tiếp quản việc điều hành.

"Theo điều 136 Luật Doanh nghiệp 2014, Công ty niêm yết phải có trách nhiệm tổ chức Đại hội đồng cổ đông chỉ sau 30 ngày khi nhận được yêu cầu của cổ đông lớn. Tuy nhiên, nếu Hội đồng quản trị không triệu tập thì sẽ phải cần thêm 30 ngày nữa để Ban kiểm soát triệu tập, và nếu Ban kiểm soát không triệu tập thì cũng phải mất thêm 30 ngày nữa cổ đông mới có thể tự triệu tập được. Với thời gian được quy định như trên thì đến lúc cổ đông có thể triệu tập được Đại hội đồng cổ đông bất thường, có thể nội dung họp sẽ là làm cách nào để khởi kiện và thu hồi được tài sản, chứ không còn là công việc điều hành công ty nữa".

Lấp chỉ tiêu kinh doanh bằng cách nào?

Về tình hình kinh doanh, trong quý III/2020, OGC ghi nhận doanh thu thuần đạt 233,3 tỷ đồng - giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái; Do những thay đổi tương ứng với việc giảm doanh thu, chi phí giá vốn cũng giảm 60% so với cùng kỳ năm trước nên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt 120,2 tỷ đồng - giảm 60% cùng kỳ 2019.

Đáng chú ý, doanh thu tài chính trong kỳ tăng 22% lên mức 5,5 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính lại giảm sâu 83% từ 43,6 tỷ đồng trong quý III/2019 xuống còn 7,2 tỷ đồng do trong quý III/2019, công ty ghi nhận lãi khoản vay tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam của CTCP Dịch vụ hỗ trợ và Phát triển đầu tư (Công ty con của CTCP OCH) trong khi năm 2020 không ghi nhận do CTCP Dịch vụ hỗ trợ và Phát triển đầu tư không còn là công ty con của OCH.

Ngoài ra do tình hình dịch COVID-19, mặt bằng lãi suất cho vay năm 2020 cũng được điều chỉnh giảm để hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong quý III/2020, chi phí bán hàng giảm sâu 59% và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 23% so với cùng kỳ 2019 - lần lượt ghi nhận 44,2 tỷ và 31,3 tỷ đồng nên khấu trừ các khoản chi phí thuế, OGC ghi nhận 28,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - giảm 65% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, OGC ghi nhận 496,5 tỷ đồng doanh thu thuần - giảm hơn 1 nửa so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tài chính tăng cao gấp 8 lần lên mức 277,5 tỷ đồng (chủ yếu do trong quý I/2020, công ty OCH thoái vốn tại 2 đơn vị âm vốn chủ sở hữu; việc thoái vốn này giúp Tập đoàn ghi nhận trong kỳ 1 khoản lợi nhuận tương ứng với các khoản lỗ đã ghi nhận trước đây). Nhờ vậy mặc dù các khoản chi phí phát sinh trong kỳ khá cao song OGC vẫn ghi nhận lãi sau thuế 9 tháng đầu năm hơn 156 tỷ đồng - cao gấp 3 lần cùng kỳ.

4758-ogj
Kết quả kinh doanh các quý gần nhất của OGC (Nguồn Cafef)

Năm 2020 OGC đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 1.008,6 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 206,6 tỷ đồng. Như vậy sau 9 tháng, OGC mới hoàn thành được 49% mục tiêu về doanh thu nhưng đã hoàn thành gần 76% mục tiêu về lợi nhuận.

Tại ngày 30/9/2020, theo báo cáo tài chính hợp nhất, OGC có số dư tiền mặt và tiền gửi là 555 tỷ đồng. Trong khi đó số tiền thu về từ các tài sản bị thoái vốn là con số rất nhỏ và không có ảnh hưởng trọng yếu đến cán cân tài chính của OGC.

Không được may mắn như OGC, OCH lại ghi nhận doanh thu và lợi nhuận quý III/2020 giảm sút so với cùng kỳ, thậm chí còn ghi thua lỗ.

Cụ thể, tính riêng quý III, công ty đạt doanh thu đạt 231,5 tỷ đồng - bằng 40% doanh thu đạt được quý III/2019. Trừ chi phí giá vốn, Ocean Hospitality lãi gộp 120 tỷ đồng.

Trong quý, chi phí tài chính ghi nhận lên đến trên 55 tỷ đồng - gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái; chi phí bán hàng cũng giảm mạnh còn 44 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm một nửa, xuống còn 28 tỷ đồng. Kết quả, trừ thuế phí, OCH lỗ thuần 2 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh và lỗ sau thuế hơn 16,1 tỷ đồng – giảm sâu so với số lãi sau thuế gần 95 tỷ đồng đạt được quý III năm ngoái.

Ocean Hospitality (OCH): Doanh thu giảm hơn nửa, quý 3 lỗ hơn 16 tỷ đồng - Ảnh 1.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 doanh thu Ocean Hospitality đạt gần 484 tỷ đồng - giảm hơn một nửa so với cùng kỳ. Nhờ khoản doanh thu tài chính 278 tỷ đồng và tiết giảm mạnh về chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, kết quả 9 tháng đầu năm 2020, OCH vẫn lãi sau thuế 220 tỷ đồng - gấp 5,8 lần lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm 2019.

Năm 2020 Ocean Hospitality đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất gần 998 tỷ đồng - giảm 18% so với năm trước đó; mục tiêu lợi nhuận sau thuế tăng 5 lần lên 192,6 tỷ đồng.

Như vậy kết thúc quý III/2020, dù mới hoàn thành chưa đến 50% kế hoạch doanh thu nhưng Ocean Hospitality đã vượt hơn 14% chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm.

Một điểm chung là cả 2 mã OGC và OCH hiện đều nằm trong diện kiểm soát trên HOSE và HNX trong đó OGC vẫn đang lỗ lũy kế trong khi mã OCH cào diện kiểm soát từ 16/4/2018 do lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2016, 2017 là số âm.

Kết phiên giao dịch ngày 31/12, cổ phiếu OCH giảm sàn 9,7% về mức 8.400 đồng trong khi OGC giảm 1,4% còn 8.000 đồng/cổ phiếu (thanh khoản lần lượt 4.000 và 1,3 triệu đơn vị).

Công ty cổ phần Đầu tư KD đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu FIT

Công ty cổ phần đầu tư KD vừa đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu FIT của Công ty Cổ phần tập đoàn F.I.T (FIT ...

Chứng khoán phiên sáng ngày 31/12: Nhọc nhằn tái chiếm mốc 1.100 điểm

Sau khi về dưới tham chiếu khoảng thời gian giữa phiên, việc một số bluechip nảy trở lại đã kéo VN-Index nhích dần và kịp ...

Cổ phiếu AAT của CTCP Tiên Sơn Thanh Hóa sắp niêm yết trên HOSE

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) vừa chấp thuận niêm yết đối với 34,8 triệu cổ phiếu AAT của CTCP Tiên Sơn Thanh ...

Hữu Dũng