Nợ ngắn hạn gấp 18 lần vốn chủ, cổ phiếu Dược Vimedimex (VMD) tăng trần vẫn kén người mua

Cập nhật: 09:18 | 29/08/2021 Theo dõi KTCK trên

Ngay sau thông tin Bộ Y tế được Chính phủ giao việc hỗ trợ CTCP Y Dược phẩm Vimedimex (HOSE: VMD) trong việc nhập khẩu 25 triệu liều vắc xin COVID-19 về Việt Nam, cổ phiếu VMD đã liên tục tăng trần và cận trần kể từ ngày 9/8 đến hết phiên ngày 27/8/2021.

1732-tgb
Diễn biến giá cổ phiếu VMD

Cụ thể, cổ phiếu VMD của CTCP Y Dược phẩm Vimedimex (HOSE: VMD) bất ngờ tăng mạnh từ ngày 9/8 đến hết phiên 27/8/2021 với loạt phiên trần và cận trần.

Kết phiên 27/8, VMD đã leo lên mức 67.400 đồng/cổ phiếu qua đó xác lập mức tăng hơn 160% kể từ phiên 9/8.

Kết tuần giao dịch từ ngày 23 - 27/8/2021, cổ phiếu VMD đã có tuần thứ ba liên tiếp duy trì vị thế cổ phiếu tăng mạnh nhất trên HOSE với mức tăng 39,98%. Hai tuần trước đó, VMD tăng 39,68% (tuần từ ngày 9 - 13/8) và tăng 39,57% (tuần từ ngày 16 - 20/8).

Đáng chú ý, khối lượng giao dịch bình quân trong giai đoạn này không hề cao - đạt 36.121 đơn vị/phiên và không có giao dịch thỏa thuận nào. Khối lượng cao nhất đạt 288.100 cổ phiếu ghi nhận tại phiên 19/8.

Trước đó, mã này chủ yếu đi ngang trong vùng 20.000 - 26.000 đồng từ đầu tháng 1/2021.

5847-vmy
Diễn biến giá cổ phiếu VMD 1 tháng qua

Tiền thân của Vimedimex là Công ty Xuất nhập khẩu Y tế được thành lập từ năm 1984. Cho đến năm 2006, công ty chính thức đổi tên thành Y Dược phẩm Vimedimex với vốn điều lệ khi đó là 25 tỷ đồng. Hơn 8 triệu cổ phiếu VMD bắt đầu niêm yết trên HOSE vào ngày 30/9/2010. Tính tới hiện tại, lượng cổ phiếu VMD đang lưu hành là trên 15,4 triệu đơn vị, vốn hóa thị trường đạt gần 533 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/12/2020, cơ cấu cổ đông VMD khá cô đặc khi hơn 75% vốn thuộc sở hữu của các cổ đông lớn trong đó CTCP Dược phẩm Vimedimex 2 nắm giữ nhiều nhất với 45,34% vốn. Hiện, Chủ tịch HĐQT VMD – bà Nguyễn Thị Loan cũng đang đồng thời đảm nhiệm Chủ tịch tại CTCP Dược phẩm Vimedimex 2. Cộng thêm số cổ phần con trai bà Loan đang sở hữu, nhóm của Chủ tịch nắm giữ 52,7% vốn cổ phần của VMD.

Ngày 25/6 vừa qua, Y Dược Vimedimex đã vừa tiến hành chi trả cố tức năm 2020 bằng tiền với tỷ lệ 20%, tương ứng chi ra khoảng 31 tỷ đồng. Nguồn vốn được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gần 36 tỷ đồng tại thời điểm 30/12/2020. Đây cũng là năm thứ 9 VMD duy trì mức trả cổ tức dạng này.

Về tình hình kinh doanh, trong năm 2020, công ty ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 18.142 tỷ đồng – mức cao nhất trong các doanh nghiệp dược đang giao dịch trên sàn. Tuy nhiên, mức lợi nhuận ròng chỉ đạt 37 tỷ đồng.

Bước sang năm 2021, tính riêng trong quý II/2021, công ty ghi nhận doanh thu 3.739 tỷ đồng - giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, nhờ tiết giảm các chi phí, VMD vẫn báo lãi ròng gần 10 tỷ đồng - tăng 20% so với quý II/2020.

Lũy kế nửa đầu năm 2021, VMD đạt doanh thu 7.604 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hơn 19 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020. So sánh với kế hoạch đề ra, công ty đã hoàn thành 51% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Đáng chú ý, tính đến hết quý II/2021, dù nợ vay đã giảm đáng kể so với các quý trước đó song VMD vẫn còn hơn 6.700 tỷ đồng nợ vay (gấp gần 18 lần vốn chủ) trong đó phần lớn là nợ vay ngắn hạn. Mặt khác, doanh nghiệp hiện chỉ có chưa đầy 170 tỷ đồng tiền mặt và hơn 370 tỷ đồng vốn điều lệ.

0906-thyng
Các thông số tài chính của VMD 4 quý gần nhất

Sóng cổ phiếu dược - y tế chỉ là sóng ngắn

Đến thời điểm này, rất nhiều nhà đầu tư vẫn đang đặt kỳ vọng lớn về nhóm doanh nghiệp ngành dược phẩm và y tế khi mà những thông tin về vắc-xin nội địa hầu như ngày nào cũng xuất hiện và được mong ngóng nhất trên các phương tiện truyền thông.

Bên cạnh đó, các loại thuốc điều trị, hiện cũng đã được đưa vào "gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0" trong đó có cả loại sản xuất trong nước và nhập khẩu hứa hẹn sẽ tăng doanh thu cho các nhà sản xuất.

Mặc dù vậy, theo một số ý kiến khác, nhóm cổ phiếu ngành dược phẩm có thể là những con sóng ngắn, thiếu bền vững bởi các điều kiện về ngành trong dài hạn chưa có nhiều thay đổi, thậm chí một số yếu tố còn đi xuống đi trong ngắn hạn chẳng hạn như kênh ETC (kênh đấu thầu tại sở, bệnh viện và thuốc bán theo đơn bác sỹ) vốn chiếm 70% thị phần đã sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Bên cạnh đó là nguyên vật liệu đầu vào sản xuất các loại thuốc, vốn chiếm tới hơn 80% vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu và đã chững lại do hoạt động vận chuyển đứt gãy. Cùng với đó, các nguồn cung lớn như Trung Quốc và Ấn Độ cũng không mạo hiểm bán khi còn phải vật lộn với tình hình dịch trong nước.

Trên thị trường, hầu hết nhóm cổ phiếu ngành này đều kém thanh khoản do ít sóng.

Diễn biến giá cổ phiếu tuần qua: Sắc đỏ bao trùm nhóm ngân hàng, dòng dược-y tế tiếp tục leo dốc

Trong tuần giao dịch từ 23 - 27/8/2021, thị trường chứng khoán tiếp tục chũng kiến đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu dược phẩm ...

Lịch cổ tức đầu tháng 9/2021: Hàng chục doanh nghiệp chốt quyền cổ tức, thưởng cổ phiếu, phát hành thêm

Sự kiện cổ tức đầu tháng 9/2021 ghi nhận nhiều doanh nghiệp niêm yết nối bật như: Vinamilk, Chứng khoán VIX, Nhựa An Phát Xanh,… ...

Tuần từ 23-27/8/2021: Dòng tiền tự doanh tháo chạy khỏi nhóm ngân hàng, tâm điểm ở cổ phiếu CTG

Dòng tiền tự doanh công ty chứng khoán đã rút ròng 440 tỷ đồng trong tuần giao dịch từ 23 - 27/8/2021 khi VN-Index điều ...

Quốc Trung T/H