Những thách thức đối với ngân hàng sau khi công bố lãi suất cho vay bình quân

Cập nhật: 11:05 | 18/03/2024 Theo dõi KTCK trên

Với cấu trúc vốn và chiến lược kinh doanh khác nhau, việc phải công bố lãi suất cho vay bình quân sẽ càng tạo ra những thách thức cạnh tranh lớn đối với các ngân hàng.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục yêu cầu các TCTD phải công bố công khai lãi suất cho vay bình quân, Thủ tướng Chính phủ trước đó cũng đã yêu cầu NHNN chỉ đạo các TCTD công bố công khai lãi suất cho vay bình quân để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, lựa chọn ngân hàng để vay vốn.

Đại diện NHNN cũng cho rằng việc các ngân hàng công bố lãi suất cho vay sẽ đảm bảo sự công bằng, khách quan trong cạnh tranh.

Những thách thức đối với ngân hàng sau khi công bố lãi suất cho vay bình quân
Hình minh họa.

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng chậm, nhu cầu vay vốn chưa thật sự mạnh mẽ trở lại, tăng trưởng tín dụng trong hai tháng đầu năm còn đang ghi nhận mức giảm 1% so với cuối năm 2023, việc tìm kiếm khách hàng tốt có nhu cầu vay đang gặp khó khăn. Chính vì vậy, việc công bố lãi suất cho vay bình quân là cần thiết, đây là công cụ quan trọng để các ngân hàng cạnh tranh thu hút khách hàng tín dụng trong giai đoạn tới, nhất là khi chính sách cho vay trả nợ ngân hàng khác đã được nhiều ngân hàng triển khai mạnh mẽ trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, việc công bố lãi suất cho vay bình quân như thế nào hay tính toán ra sao vẫn chưa có những quy định rõ ràng. Cơ cấu cho vay theo hướng bán lẻ hay bán buôn sẽ dẫn tới chênh lệch lớn về mức lãi suất cho vay bình quân giữa các ngân hàng.

Phía NHNN xác định thông tin được công bố là lãi suất cho vay bình quân, không phải lãi suất cho vay với từng đối tượng, từng doanh nghiệp hay từng loại hình. Để tránh hiểu lầm khi công bố lãi suất cho vay bình quân, NHNN không giới hạn các TCTD công bố chi tiết các nhóm khách hàng, phân loại khách hàng.

Với cấu trúc vốn và chiến lược kinh doanh khác nhau, việc phải công bố lãi suất cho vay bình quân sẽ càng tạo ra những thách thức cạnh tranh lớn đối với các ngân hàng.

Theo đó, với nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ, chi phí vốn đầu vào cao, vốn tự có thấp, khả năng tiếp cận các nguồn vốn tài trợ khác bị hạn chế, tính đa dạng hóa trong nguồn vốn huy động đầu vào thấp thì khả năng cạnh tranh sẽ thấp hơn.

Ngược lại, lợi thế lớn sẽ thuộc về nhóm ngân hàng có lãi suất đầu vào thấp, gồm các ngân hàng có mạng lưới rộng, thương hiệu tốt nên niêm yết khung lãi suất tiết kiệm thấp như nhóm ngân hàng gốc quốc doanh; nhóm có lượng tiền gửi thanh toán của khách hàng doanh nghiệp lớn giúp tỷ lệ tiền gửi CASA cao; nhóm có lượng tiền gửi ngoại tệ lớn; nhóm có khả năng tiếp cận các nguồn vốn tài trợ thương mại quốc tế giá rẻ. Chênh lệch lớn ở chi phí vốn đầu vào giữa các ngân hàng sẽ kéo theo phân hóa đáng kể ở lãi suất cho vay đầu ra.

Chiến lược và phân khúc khách hàng tín dụng trọng tâm cũng sẽ ảnh hưởng đến mức lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng.

Cụ thể, những TCTD có chiến lược phát triển bán buôn, tỷ trọng cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn với các khoản vay sản xuất kinh doanh, bổ sung vốn lưu động thường có kỳ hạn ngắn, hoặc cho vay các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ với lãi suất ưu đãi, dĩ nhiên sẽ có mức lãi suất cho vay bình quân thấp.

Ngược lại, những tổ chức có thế mạnh về cho vay bán lẻ, tệp khách hàng tín dụng cá nhân là chủ yếu, các sản phẩm tín dụng trọng tâm là cho vay tiêu dùng, mua nhà đất, ô tô, với kỳ hạn vay dài, các sản phẩm cho vay tín chấp, dĩ nhiên lãi suất cho vay bình quân sẽ cao hơn nhiều.

Nói cách khác, cơ cấu cho vay theo hướng bán lẻ hay bán buôn sẽ dẫn tới chênh lệch lớn về mức lãi suất cho vay bình quân giữa các ngân hàng.

Theo đó, các ngân hàng với mức lãi suất cho vay bình quân thấp sẽ có lợi thế ngay từ ban đầu trong việc thu hút khách hàng tín dụng. Vì vậy, việc công bố lãi suất cho vay bình quân nhưng chi tiết hơn theo từng phân khúc khách hàng, theo sản phẩm vay có thể sẽ là lựa chọn phù hợp hơn của một số ngân hàng, để dễ có tiêu chí tương đồng khi muốn so sánh với các tổ chức khác.

Lãnh đạo một số ngân hàng từng đề xuất NHNN có hướng dẫn chi tiết về việc này để thực hiện thống nhất, mức lãi suất cho vay bình quân công bố nên tách theo kỳ hạn, đối tượng khách hàng để phù hợp thực tế triển khai. Lãi suất công bố nên để khoảng lãi suất của các khoản có quy mô dư nợ phổ biến, tránh việc hiểu không chính xác, cho rằng lãi suất quá cao hoặc quá thấp đối với một số khoản có quy mô dư nợ đặc thù.

Về phía khách hàng vay, ngoài tham khảo mức lãi suất cho vay bình quân được công bố, các khoản chi phí về thẩm định tài sản, phí trả nợ trước hạn, yêu cầu mua bảo hiểm kèm theo hay cơ chế tính mức lãi vay và gốc phải trả định kỳ (đang theo công thức nào)… là những yếu tố mà khách hàng cần lưu ý khi quyết định chọn ngân hàng vay.

Nếu như các ngân hàng quy mô nhỏ không có lợi thế cạnh tranh khi phải công bố lãi suất cho vay bình quân, thì các ngân hàng lớn có chi phí đầu vào thấp và niêm yết lãi suất cho vay bình quân thấp hơn có thể gặp bất lợi là bị “săm soi” kỹ hơn. Theo Chỉ thị 01 nói trên, ngoài việc phải công bố lãi suất cho vay bình quân, các TCTD cũng phải công bố chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân trên trang web.

Theo đó, dù mức lãi suất cho vay bình quân mà các ngân hàng lớn này công bố thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung, nhưng nếu so với lãi suất đầu vào của chính ngân hàng đó chênh lệch quá lớn, cũng có thể gây ra những phản ứng không mong muốn từ khách hàng.

60.000 tỷ đồng được NHNN hút về qua kênh tín phiếu, chứng khoán ảnh hưởng ra sao?

Trong ngày hôm qua, NHNN tiếp tục hút tiền qua kênh tín phiếu...

Đề xuất vay ngân hàng trên 100 triệu đồng phải cung cấp thông tin người liên quan

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số ...

Thùy Chi

Tin cũ hơn
Xem thêm