VietinBank Securities:

Nhóm vốn hóa lớn và VN30 yếu hơn thị trường chung, cơ hội xuất hiện với midcap nhiều nhóm ngành

Cập nhật: 12:01 | 15/08/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo đại diện khối phân tích của VietinBank Securities, các cơ hội sẽ xuất hiện nhiều ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa như nhóm cổ phiếu dệt may, bất động sản, bán lẻ hàng chuyên dụng và gia dụng. Bên cạnh đó nhóm cổ phiếu chứng khoán, nguyên vật liệu và nhóm xây dựng khi được hưởng lợi từ chính sách tăng cường đầu tư công.

Sau nhịp điều chỉnh đầu tháng 7, thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục và liên tiếp tăng điểm ba tuần gần đây. Để nhà đầu tư có thêm góc nhìn về thị trường thời điểm hiện tại, người viết đã có cuộc phỏng vấn đại diện khối phân tích của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank Securities, mã: CTS).

5839-vietinbank-securities
Hình minh họa

PV: Thị trường đang trong giai đoạn hồi phục với chuỗi tuần tăng điểm liên tiếp. Nhiều nhà đầu tư lạc quan cho rằng thị trường sẽ trở lại vùng đỉnh trên 1.400 điểm. Khối phân tích CTS đánh giá như thế nào về khả năng này?

Khối phân tích CTS: Chúng tôi nhận định rằng kịch bản VN-Index trở về lại được vùng đỉnh trên 1.400 điểm là có khả năng nhất là trong bối cảnh dòng tiền đang quay trở lại thị trường tích cực hơn khi mà cả khối lượng giao dịch lẫn cả giá trị giao dịch trong vòng một tuần trở lại đây liên tục duy trì cải thiện tích cực và duy trì được trên 20.000 tỷ đồng/phiên.

Tuy nhiên, mặc dù vẫn đánh giá cao dư địa tăng giá của VN-Index cùng với sự cải thiện của thanh khoản, chúng tôi vẫn khá quan ngại với diễn biến giao dịch của dòng tiền trong các phiên giao dịch gần đây khi liên tục có hiện tượng phân hóa chỉ tập trung tại một số cổ phiếu nhất định, không tạo được tính chất lan tỏa mạnh trong bối cảnh nhóm vốn hóa lớn và VN30 hiện đang yếu hơn so với mặt bằng thị trường chung.

Điều này có thể gây cản trở tới dư địa hồi phục tăng giá hiện tại của chỉ số khiến cho kỳ vọng quay trở lại vùng 1.425 điểm sẽ gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vắng sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng.

PV: Không ít người kỳ vọng rằng dòng tiền sẽ đổ vào kênh chứng khoán khi giãn cách xã hội như kịch bản lặp lại những lần trước đó. Theo quan điểm của bộ phận phân tích CTS, liệu điều này còn đúng trong đợt bùng phát dịch thứ 4 này không?

Khối phân tích CTS: Hiện tượng này là đúng theo quan sát của chúng tôi trong bối cảnh kênh đầu tư bất động sản chưa thực sự sôi động trở lại do dịch bệnh diễn biến phức tạp còn gửi tiết kiệm tại ngân hàng lại không hấp dẫn bằng đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, dòng tiền tham gia vào thị trường mạnh không có nghĩa là thị trường sẽ tăng điểm mạnh nhất là khi so sánh với thời điểm đầu năm 2020 khi đó cũng tình trạng giãn cách dịch bệnh, dòng tiền đổ mạnh vào thị trường tại thời điểm VN-Index đang ở mức đáy khoảng 650 điểm với nhiều cổ phiếu đã bị chiết khấu về mức giá hấp dẫn.

So sánh với thời điểm hiện tại, VN-Index đang tiệm cận ngưỡng điểm cao nhất mọi thời đại 1.425 điểm cùng với nhiều cổ phiếu ghi nhận mức tăng giá ấn tượng, thậm chí liên tiếp vượt đỉnh lịch sử của mình và tạo ra các ngưỡng giá cao hơn.

Nói một cách tương đối, thị giá các cổ phiếu hiện nay đang có phần trở nên bớt hấp dẫn hơn rất nhiều so với thời điểm đầu năm 2020. Đây có lẽ là một trong các nguyên nhân giải thích cho việc dòng tiền tiềm năng của các nhà đầu tư "nằm vùng" tại các CTCK mà không giải ngân là rất lớn, lên tới hơn 76.000 tỷ đồng.

Có lẽ nhà đầu tư chờ đợi cơ hội giải ngân hấp dẫn sẽ sớm xuất hiện hoặc để chờ đợi diễn biến rõ ràng hơn về ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý III.

PV: Nói thêm về câu chuyện thị trường, nếu như trước đây nhà đầu tư đặc biệt là các tổ chức đang cho "điểm cộng" thị trường chứng khoán Việt Nam là công tác kiểm soát dịch bệnh tốt, tăng trưởng vĩ mô. Nhưng thực tế hiện nay việc có dập được dịch trong tháng 8 hay không vẫn còn là ẩn số rất lớn. Vậy, tình hình dịch COVID-19 hiện nay sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe các công ty niêm yết?

Khối phân tích CTS: Ảnh hưởng lên khả năng kinh doanh của các doanh nghiệp là điều có thể dự đoán được tuy nhiên ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực hơn thì có lẽ chúng ta sẽ cần thời gian để đánh giá và nhìn nhận trong bối cảnh cuộc chiến với dịch bệnh có thể sẽ còn rất dai dẳng do sự xuất hiện liên tục của các biến chủng mới với tính chất ngày càng phức tạp hơn.

Trong tình hình đó, những doanh nghiệp nào có khả năng thích ứng tốt với hoàn cảnh mới thì sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hơn nữa. Với nhận định về sức khỏe của các doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng nhóm hàng không và du lịch hoặc dịch vụ lưu trú tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề.

Chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm khả quan cho nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu và nhóm cổ phiếu liên quan tới chính sách đầu tư công. Bên cạnh đó, nhóm bất động sản, chứng khoán vẫn được chúng tôi đánh giá tích cực trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng chúng tôi nhận định trung tính.

PV: Với những nhận định trên, bộ phận phân tích CTS có thể cho biết điểm sáng cũng như những rủi ro lớn nhất của thị trường hiện nay?

Khối phân tích CTS: Điểm sáng hiện nay là TTCK đang bắt đầu nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư mới hơn trong bối cảnh kỳ vọng tăng trưởng kinh tế vĩ mô, công tác phòng chống dịch quyết liệt, mặt bằng lãi suất thấp, nhiều kênh đầu tư kém hấp dẫn hơn, … là những nguyên nhân chính giúp dòng tiền tìm đến với thị trường chứng khoán thời gian qua và giúp VN-Index liên tiếp tăng điểm mạnh.

Diễn biến này rõ ràng cũng đi kèm với sự gia tăng mạnh của hoạt động sử dụng đòn bẩy. Theo ước tính của chúng tôi, dư nợ margin tại thời điểm kết thúc ngày 31/5/2021 đã lên tới hơn 112.000 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cuối năm 2020.

Mặc dù con số này vẫn đang trong tầm kiểm soát nhưng nếu cứ gia tăng với tốc độ này mà thiếu các biện pháp quản lý hoặc rà soát chặt chẽ hơn thì có thể gây ảnh hưởng tới tính bền vững cũng như ổn định của hệ thống trong bối cảnh TTCK Việt Nam vẫn còn rất nhiều bất cập.

PV: Cuối cùng, bộ phận phân tích CTS khuyến nghị nhà đầu tư nên có chiến lược giao dịch như thế nào thời điểm này?

Khối phân tích CTS: Chúng tôi cho rằng các cơ hội sẽ xuất hiện nhiều ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa như nhóm cổ phiếu dệt may, bất động sản, bán lẻ hàng chuyên dụng và gia dụng bên cạnh nhóm cổ phiếu chứng khoán, nguyên vật liệu và nhóm xây dựng khi được hưởng lợi từ chính sách tăng cường đầu tư công. Tuy vậy, nhà đầu tư cũng chỉ nên giải ngân ở mức vừa phải, khoảng 50 – 70% danh mục đồng thời hạn chế sử dụng đòn bẩy.

Hoàng Linh