Nhờ đâu lợi nhuận quý III của PVChem tăng gấp 5 lần cùng kỳ?

Cập nhật: 10:00 | 25/10/2023 Theo dõi KTCK trên

Dù chịu áp lực lớn từ việc tăng giá nguyên liệu đầu vào, giá dầu thế giới liên tục biến động, thế nhưng PVC vẫn có 1 kỳ kinh doanh khởi sắc với lợi nhuận lũy kế 9 tháng vượt 14% kế hoạch năm.

Nhờ đâu lợi nhuận quý III của PVChem tăng gấp 5 lần cùng kỳ?
Dù chịu áp lực lớn từ việc tăng giá nguyên liệu đầu vào, giá dầu thế giới liên tục biến động, PVC vẫn có 1 kỳ kinh doanh khởi sắc

Vừa qua, Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí – CTCP - PVChem (HNX: PVC) đã công bố báo cáo tài chính quý III/2023. Theo đó, PVC ghi nhận doanh thu thuần đạt 846,3 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá vốn hàng bán đạt 772,4 tỷ đồng, tăng khoảng 22% so với cùng kỳ nên biên lợi nhuận gộp đạt 73,8 tỷ đồng, tăng 18% so với quý III/2022.

Ở kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính của PVC tăng mạnh 39% so với cùng kỳ năm trước, đạt 6 tỷ đồng. Hơn nữa, chi phí tài chính chỉ còn 12 tỷ đồng, giảm khoảng 3 tỷ đồng so với cùng kỳ do lãi tiền vay và lỗ chênh lệch tỷ giá giảm mạnh. Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 41,8 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngoài ra, PVC cũng có các khoản thu nhập khác và lợi nhuận khác tăng mạnh, lần lượt đạt 3,6 tỷ đồng và 2,1 tỷ đồng, tương ứng tăng 93% và 94% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ các chi phí, PVC ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 16,9 tỷ đồng, tăng gấp 4,6 lần so với quý III/2022.

Giải trình về nguyên nhân lợi nhuận sau thuế tăng mạnh, PVC cho biết chủ yếu do lợi nhuận gộp tăng hơn 13 tỷ đồng so với quý III/2022. Ngoài ra, lợi nhuận của PVC tăng chủ yếu từ hoạt động cốt lõi là hoạt động cung cấp dung dịch khoan, sản phẩm lọc dầu – dịch vụ.

Nhờ đâu lợi nhuận quý III của PVChem tăng gấp 5 lần cùng kỳ?
Kết quả kinh doanh của PVC thời gian gần đây

Lũy kế 9 tháng đầu năm, PVC ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.210,8 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 34,2 tỷ đồng, tăng 69% so với 3 quý đầu năm 2022.

Năm nay, PVC đề ra kế hoạch kinh doanh với mục tiêu đạt 2.500 tỷ đồng doanh thu và 29,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, với kết quả trên, PVC đã hoàn thành 88% chỉ tiêu doanh thu và vượt 14% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.

Về sức khỏe tài chính, tính đến cuối quý III/2023, PVC có tổng cộng tài sản đạt 2.224 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn và dài hạn lần lượt đạt 2.050 tỷ đồng và 173,5 tỷ đồng, tương ứng giảm khoảng 14 tỷ đồng và 8 tỷ đồng so với số đầu năm.

Cụ thể, tiền và các khoản tương đương tiền tăng 39%, đạt 369,5 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn của PVC giảm chủ yếu do đầu tư tài chính ngắn hạn và các khoản phải thu ngắn hạn giảm lần lượt 12% và 9%, tương ứng đạt 109 tỷ đồng và 1.220,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hàng tồn kho cũng giảm từ 363,9 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái xuống còn 337,9 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ở kỳ này, tài sản dở dang dài hạn của PVC nhảy vọt lên mức 9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ có 289 triệu đồng và chủ yếu đến từ xây dựng cơ bản dở dang.

Về nguồn vốn, PVC có vốn chủ sở hữu đạt 837,2 tỷ đồng, tăng nhẹ khoảng 4 tỷ đồng so với số đầu năm. Bên cạnh đó, tổng nợ phải trả của PVC cũng giảm nhẹ 2%, đạt 1.387 tỷ đồng bao gồm nợ ngắn hạn là 1.368 tỷ đồng, giảm 9 tỷ đồng so với mức 1.377 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm và nợ dài hạn chỉ còn 18,7 tỷ đồng, giảm 46% so với số đầu năm.

Hồi cuối tháng 8/2023, PVC và Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đã ký kết hợp tác kinh doanh dự án Nhà máy sản xuất nước oxy già (H2O2) tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 1 thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo đó, nhà máy sản xuất H2O2 có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 870 tỷ đồng với công suất thiết kế là 40.000 tấn H2O2/năm. Nhà máy cũng sẽ sử dụng một phần nguồn khí hydro của Nhà máy Đạm Phú Mỹ.

Ngày 12/10, PVC cho biết Liên danh PVChem - Dongil đã hoàn thành bảo dưỡng tổng thể cơ khí Gói thầu số 1 trong đợt bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sau 27 ngày cật lực làm việc.

Ngày 26/10 tới đây, PVC sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ phiếu phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu và quyền mua cổ phiếu chào bán thêm ra công chúng cho cổ đông hiện hữu.

Theo kế hoạch, PVC sẽ phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ 10:2, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 10 cổ phiếu sẽ nhận về 2 cổ phiếu mới. Với 50 triệu cổ phiếu đang lưu hành, PVC dự kiến phát hành 10 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông.

Bên cạnh đó, PVC sẽ chào bán thêm 21,2 triệu cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 10:4,24, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 1.000 cổ phiếu sẽ có quyền mua 424 cổ phiếu mới. Giá chào bán là 10.000 đồng/cp, số tiền dự kiến thu về khoảng 212 tỷ đồng.

Sau chào bán, PVC dự kiến sẽ sử dụng số vốn trên vào mục đích góp vốn thành lập Công ty TNHH Dịch vụ Hóa chất Dầu khí (PVChem-CS) là 124 tỷ đồng, góp vốn thành lập công ty TYHNHH Dịch vụ Kỹ thuật Công nghiệp PVChem là 58 tỷ đồng và góp thêm vốn vào đơn vị thành viên Dung dịch khoan và dịch vụ dầu khí là 30 tỷ đồng.

Trên sàn chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 24/10, giá cổ phiếu PVC dừng lại ở mức 17.100 đồng/cp, giảm 15% trong vòng 1 tháng trở lại đây.

Quý III, Hóa chất Đức Giang (DGC) "đánh rơi" 800 tỷ đồng lợi nhuận

Trái với kỳ vọng của giới phân tích, kết quả kinh doanh quý III/2023 của Hoá chất Đức Giang vẫn chưa khởi sắc.

Lợi nhuận Vinasun giảm tốc xuống mức thấp nhất 6 quý qua

Chi phí tăng cao, đặc biệt là chi phí lãi vay đã khiến lợi nhuận sau thuế quý III/2023 của Vinasun sụt giảm mạnh, xuống ...

SGN có lãi quý thứ 3 liên tiếp, cán đích chỉ tiêu cả năm

Nhờ khai thác tốt các đường bay quốc tế và ký thêm được nhiều hợp đồng mới, SGN tiếp tục có một kỳ kinh doanh ...

Ngọc Bích